Ứng dụng “nhận lương linh hoạt” giúp người lao động ít lo lắng hơn về vấn đề tài chính

Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 06:16, 01/11/2022

Mô hình "nhận lương linh hoạt" đang được cho là chìa khóa giúp giải quyết những vấn đề này, giúp người lao động linh hoạt hơn về tài chính.

Trong những năm qua, người lao động (NLĐ) ở Mỹ, Úc và các quốc gia Châu Âu đã được tiếp cận với mô hình chủ động "nhận lương linh hoạt" (Earned Wage Access - EWA), cho phép nhân viên nhận được thu nhập trước ngày trả lương hàng tháng của công ty. Dần dần, mô hình này đang ngày càng trở nên thịnh hành hơn ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nhất là với đối tượng lao động phổ thông. Điều này thể hiện rõ trong báo cáo khi triển khai mô hình này của 2 nền tảng GIMO và Vui App.

Giúp giải bài toán tài chính cho những người lao động phổ thông

Báo cáo mô hình "nhận lương linh hoạt" được nền tảng GIMO công bố mới đây đưa ra bức tranh tổng quan về giải pháp chi và nhận lương linh hoạt tại Việt Nam, và những tác động bước đầu của phúc lợi tài chính này tới sức khỏe tài chính của NLĐ. Theo đó, mặc dù Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, hơn 50% trong số đó là lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên nhưng chỉ 21% dân số được tiếp cận với những dịch vụ tài chính chính thống.

Báo cáo cũng cho thấy, đa phần DN Việt Nam có văn hóa trả lương theo tháng vào một ngày cố định. Trên thực tế, chỉ 15% DN hợp tác với Gimo trả lương theo tuần. Vì vậy, ý tưởng phá vỡ chu kỳ trả lương truyền thống khi cho phép NLĐ nhận trước một phần tiền lương tích lũy, giúp họ tránh xa bẫy nợ từ tín dụng đen khá mới mẻ và hấp dẫn.

Ứng dụng “nhận lương linh hoạt” giúp người lao động ít lo lắng hơn về vấn đề tài chính - Ảnh 1.

Giải pháp "nhận lương linh hoạt" và những tác động bước đầu của nó tới sức khỏe tài chính của lao động phổ thông tại Việt Nam.

Tuy nhiên, các DN có thể sẽ gặp phải một số rào cản nhất định. Một trong số đó là sự thiếu hụt các công cụ và nguồn lực cần thiết để linh hoạt hóa thời gian chi lương và thay đổi trải nghiệm của NLĐ. Các DN có dòng tiền chưa ổn định cũng sẽ gặp khó khăn về nguồn lực nếu muốn đa dạng hóa chu kỳ trả lương, nhất là với các DN nhỏ và vừa (SME). Mặc dù, dịch COVID-19 đã thúc đẩy các SME chuyển đổi số (CĐS) nhưng phần lớn các DN thường áp dụng công nghệ để gia tăng trải nghiệm khách hàng (54%), phát triển tính năng sản phẩm (45%) mà chưa chú trọng đến tối ưu quy trình vận hành để có thể chi lương linh hoạt cho NLĐ.

Trước đây, giải pháp ứng lương linh hoạt đã được triển khai tại một số công ty, khi cho phép nhân viên của họ gửi yêu cầu được nhận lương sớm tới bộ phận nhân sự. Tuy nhiên, quy trình này còn thủ công, đòi hỏi nhiều giấy tờ, thủ tục hành chính rườm rà như thiết lập tiêu chí và điều khoản tạm ứng, phê duyệt, thanh toán và đối soát… và  tạo gánh nặng cho đội ngũ nhân sự, tài chính và kế toán. Theo kết quả khảo sát của GIMO với 15 công ty, 53% quản lý cấp cao muốn linh hoạt hóa kỳ trả lương nhưng e ngại việc triển khai sẽ tăng thêm công việc cho các phòng ban (55,55%) và phát sinh chi phí (25%).

Đó là lý do khiến phúc lợi tài chính thông qua các giải pháp "nhận lương linh hoạt" đang trở nên hữu ích hơn đối với NLĐ Việt Nam. Chưa kể, khi được kết hợp với yếu tố công nghệ, giải pháp chủ động nhận lương linh hoạt được kỳ vọng sẽ giải quyết được không rất nhiều bài toán của chủ DN, cũng như giúp giảm bớt khó khăn tài chính của NLĐ Việt Nam.

Về những tác động bước đầu của mô hình "nhận lương linh hoạt", báo cáo của GIMO cho thấy, đa số NLĐ (76%) nhận lương linh hoạt từ 1 - 2 lần/ tháng và 56% nhận trước ít hơn 4,5 triệu đồng/tháng.

Đối với lý do nhận lương sớm của NLĐ: hầu hết những người tham gia khảo sát (51%) sử dụng GIMO để trang trải các chi phí sinh hoạt như tiền thuê nhà, hóa đơn điện nước, chi phí chăm sóc và học hành của con cái…; 20% dành cho các chi phí phát sinh như đám cưới…; 13% dành cho mua sắm.

Việc nhận lương linh hoạt cũng khiến sức khỏe tài chính của NLĐ tăng lên, khi 80% người cảm thấy hài lòng hơn với chính sách của công ty kể từ khi được nhận lương linh hoạt; 79% cảm thấy bớt căng thẳng tài chính hơn kể từ khi được nhận lương linh hoạt; 40% không còn hoặc ít sử dụng các dịch vụ tài chính phi chính thống kể từ khi được nhận lương linh hoạt.

Ứng dụng “nhận lương linh hoạt” giúp người lao động ít lo lắng hơn về vấn đề tài chính - Ảnh 2.

Mặc dù, ở một mức độ nào đó, giải pháp này đang giúp NLĐ Việt Nam thêm an tâm tài chính nhưng việc phổ biến chương trình phúc lợi tài chính tới hàng triệu NLĐ sẽ là một thử thách không nhỏ mà những ứng dụng "nhận lương linh hoạt" phải vượt qua.

Đầu tiên, do giải pháp lương linh hoạt có liên quan mật thiết đến dữ liệu lương của NLĐ, khiến nhiều DN lo lắng đến vấn đề bảo mật thông tin. Điều đó có nghĩa là, những công ty hoạt động trong lĩnh vực này cần đảm bảo mọi dữ liệu nhân sự phải được bảo mật và giảm thiểu tác động của quy trình tích hợp dữ liệu tới hệ thống của DN.

Ngoài ra, những NLĐ không có tài khoản ngân hàng sẽ chưa thể hưởng lợi từ mô hình "nhận lương linh hoạt", khi mà có tới 60% NLĐ vẫn nhận lương bằng tiền mặt.

Đối với nhóm NLĐ chỉ nhận lương bằng tiền mặt, những công ty hoạt động trong lĩnh vực chi và nhận lương linh hoạt cần chú trọng tới quy trình chào đón và hướng dẫn khách hàng mới. Họ phải hướng dẫn các DN và NLĐ về cách thức tiếp cận và sử dụng các giải pháp tài chính số.

Annam Gourmet giảm tỷ lệ nghỉ việc khi sử dụng "nhận lương linh hoạt"

Để đánh giá mô hình với một DN cụ thể, một nền tảng khác là Vui App cũng đã đưa ra Báo cáo đánh giá tác động của việc ứng dụng "nhận lương linh hoạt" vào hoạt động của chuỗi siêu thị thực phẩm cao cấp Annam Gourmet.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, đội ngũ điều hành thấy rằng có một số bài toán đang gặp phải trong quá trình vận hành: Tỷ lệ nghỉ việc ngày càng cao - câu chuyện không mới trong ngành bán lẻ, dẫn tới hao tổn thời gian, nguồn lực thay thế, đào tạo người mới; Rủi ro nhân viên gặp căng thẳng tài chính, dẫn đến thiếu tập trung trong công việc, khó mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng; Rủi ro nhân viên vướng vào tín dụng đen do căng thẳng tài chính, gây lo ngại về đời sống nhân viên và văn hóa DN; Thúc đẩy CĐS trong vận hành nhân sự, cụ thể trong mảng theo dõi, quản lý chấm công, trả lương thường xuyên, theo kịp nhu cầu quản trị hiệu quả của Annam đồng thời đáp ứng nhu cầu thường xuyên của nhân viên.

Mặc dù Annam Gourmet xác định trọng tâm để cải thiện dịch vụ là nâng cao tinh thần nhân viên nhưng đội ngũ ban lãnh đạo đã gặp không ít khó khăn như các chế độ phúc lợi chưa tạo được sức hút rõ rệt để giữ chân nhân viên hoặc trực tiếp giúp đỡ họ trong vấn đề "cơm áo gạo tiền". Hay việc chia sẻ gánh nặng tài chính cũng gặp những trợ ngại: Tăng gánh nặng quy trình cho bộ phận nhân sự - kế toán; Ảnh hưởng đến dòng tiền của DN; Mô hình phân tầng, nhiều chi nhánh dẫn đến tâm lý e ngại của nhân viên khi xin ứng lương; Nguồn lực không đủ để tìm hiểu kỹ càng, giải quyết tận gốc vấn đề cho từng hoàn cảnh gặp khó khăn tài chính.

Tìm kiếm một phúc lợi khác biệt, Annam Gourmet là một trong những DN đầu tiên hợp tác với Vui App để thử nghiệm sáng kiến chi lương linh hoạt. Sau khi đặt vấn đề hợp tác, tích hợp tự động vào hệ thống qua API cũng như truyền thông đến đội ngũ nhân viên, việc vận hành diễn ra hoàn toàn tự động.

Ứng dụng “nhận lương linh hoạt” giúp người lao động ít lo lắng hơn về vấn đề tài chính - Ảnh 3.

Kết quả thực tế sau khi Annam Gourmet triển khai Vui App.

Mô hình Vui App không thay đổi quy trình trả lương và kế toán. Mỗi tháng, bộ phận C&B (Compensation & Benefit - chịu trách nhiệm về lương và chế độ phúc lợi của nhân viên) của Annam Gourmet chỉ mất tối đa 20 phút cho khâu kiểm tra thông tin và hoàn ứng. Mọi thông tin chi tiết về lượng đăng ký, sử dụng của nhân viên được cập nhật liên tục qua cổng thông tin DN được Vui xây dựng cho Annam Gourmet, hỗ trợ kiểm tra và xuất báo cáo ngay khi cần thiết. 

Ngoài ra, mỗi nhân viên khi có câu hỏi, góp ý hoặc yêu cầu đã liên hệ trực tiếp với Vui App qua kênh hỗ trợ 24/7, không tốn thêm nguồn lực vận hành của Annam Gourmet cho việc giải đáp thắc mắc về phúc lợi mới.

Để đo hiệu quả của sáng kiến đối với Annam Gourmet, Vui App đã tiến hành phân tích và nhận được kết quả: Tỷ lệ nghỉ việc của nhóm sử dụng Vui App thấp hơn 63% so với nhóm không sử dụng. Cụ thể, sau 9 tháng triển khai mô hình "nhận lương linh hoạt", tỷ lệ nghỉ việc của nhóm nhân viên sử dụng Vui là 14%, còn ở nhóm không sử dụng, tỷ lệ nghỉ việc lên tới 38%.

Ngoài ra, 71% số người trả lời "buồn" và "rất buồn" nếu không được sử dụng Vui App và 80% muốn giới thiệu ứng dụng này cho đồng nghiệp, bạn bè, người thân.

Như vậy, thay vì phải vay mượn bạn bè, gia đình hoặc tìm đến các biện pháp tiêu cực như tín dụng đen mỗi khi gặp khó khăn về tài chính, giờ đây, nhân viên Annam Gourmet có thể làm chủ được dòng tiền nhờ nhận lương linh hoạt theo số công đã làm ra mọi lúc, mọi nơi. Nhờ đó, niềm tin vào DN được củng cố và năng suất làm việc cũng được gia tăng đáng kể. Nhiều nhân viên đã trả lời họ thường xuyên xem công qua ứng dụng Vui và muốn đi làm đầy đủ, thậm chí đăng ký làm thêm ca để được nhận lương sớm khi cần. 

Mặt khác, qua khảo sát, nhân viên các công ty trong cùng Annam Group như theWarehouse và Montclair cũng bày tỏ nguyện vọng muốn có phúc lợi tương tự đồng nghiệp ở Annam Gourmet.

"Nhờ những kết quả ngoài mong đợi khi áp dụng Chi lương Linh hoạt, Annam Gourmet nhận thấy sự cải thiện rõ rệt trong tinh thần của đội ngũ, tỷ lệ nghỉ việc giảm, năng suất làm việc tăng, ít ghi nhận lỗi trong công việc. Phúc lợi mới khiến nhân viên cảm thấy được công nhận, khích lệ và quan tâm, họ luôn phục vụ khách hàng chuyên nghiệp và chu đáo, đồng thời hào hứng tham gia những khóa đào tạo nội bộ nâng cao chất lượng, đồng hành với công ty để xây dựng dịch vụ khách hàng vượt kỳ vọng", báo cáo của Vui App khẳng định./.

Thế Phương