Xây dựng CSDL về lộ, lọt thông tin để người dân tra cứu
An toàn thông tin - Ngày đăng : 11:13, 05/11/2022
Thanh tra DN về thu thập dữ liệu cá nhân
ĐBQH Tạ Minh Tâm (tỉnh Tiền Giang) cho biết hiện nay có hàng trăm triệu tài khoản tham gia các nền tảng trực tuyến nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, trong đó đối với ba mạng xã hội phổ biến nhất có tới 175 triệu tài khoản. Với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) mạnh mẽ như hiện nay, việc thu thập, quản lý, sử dụng thông tin, dữ liệu người dùng của các nền tảng trực tuyến là vấn đề không thể xem nhẹ. Đại biểu đề nghị cho biết quan điểm và giải pháp về vấn đề này?
Bộ trưởng Bộ TT&TT biết dữ liệu người dùng là tài sản cá nhân được nhắc đến trong Luật An toàn thông tin (ATTT), mỗi người dân đều cần ý thức rõ và bảo vệ quyền lợi của cá nhân mình. Doanh nghiệp (DN) thu thập thông tin cần thực hiện đúng pháp luật, cụ thể, khi thu thập dữ liệu cá nhân cần có hợp đồng mẫu, quy định rõ trong hợp đồng mục đích sử dụng, cách thức sử dụng thông tin này.
Bộ trưởng cho biết, Bộ TT&TT đã hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tăng mức phạt gấp 2 lần với các trường hợp vi phạm, nhưng vẫn còn ở mức thấp. Bộ sẽ thanh tra toàn diện các nhà mạng viễn thông trong việc đảm bảo an toàn dữ liệu thông tin, và tiến tới thanh tra các DN bưu chính, các nhà mạng về vấn đề này, đồng thời kiến nghị cần xem xét quy định phạt trên phần trăm doanh thu của các DN vi phạm thay vì phạt theo giá trị tuyệt đối.
Đại biểu Trình Lam Sinh (tỉnh An Giang) cho biết gần đây nhiều người dân nhận được các cuộc gọi thông báo mình đã vi phạm pháp luật một số lĩnh vực như giao thông, xây dựng… và yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản hoặc chịu khoản nộp phạt, nếu không thì sẽ chuyển cơ quan điều tra khởi tố. Vấn đề ở đây, đại biểu băn khoăn tại sao những kẻ lừa đảo này lại biết chính xác tên tuổi, địa chỉ nơi làm việc, thậm chí là cả chức danh, chức vụ của người dân. Đại biểu Sinh cho rằng, bằng cách nào đó thông tin cá nhân của công dân đã bị lộ lọt để cho những kẻ xấu khai thác.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trình Lam Sinh, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết có nguyên nhân kỹ thuật và nguyên nhân phi kỹ thuật. Trong đó, nguyên nhân kỹ thuật là một số tổ chức, DN thu thập thông tin cá nhân chưa đảm bảo an toàn, bị tin tặc (hacker) tấn công lấy cắp dữ liệu. Hiện nay trên chợ đen bán dữ liệu Việt Nam, theo báo cáo của ngành công an có đến 1.300 GB, tính ra hàng tỷ thông tin.
Còn có nguyên nhân phi kỹ thuật, đó là người dân dễ dãi trong việc cung cấp thông tin của cá nhân mình. Cũng có việc một số DN quản lý nội bộ kém để cho nhân viên dữ liệu lấy thông tin của DN bán ra bên ngoài.
Bộ TT&TT đã ban hành một bộ cẩm nang về ATTT, trong đó có một nội dung rất quan trọng về cách thức để người dân bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình. Hiện nay, Bộ cũng đã xây dựng một cơ sở dữ liệu (CSDL) về lộ, lọt thông tin thông qua các DN, các tổ chức quốc tế. Hiện nay có 120 triệu thực thể thông tin có thể bị lộ lọt, người dân có thể tra cứu để biết mình có bị lộ lọt thông tin không. Bên cạnh đó, một trong những giải pháp rất tốt là yêu cầu các cơ quan nhà nước yêu cầu các DN có chăm sóc khách hàng khi muốn tiếp cận người dân, khách hàng thì làm việc với nhà mạng để hiện tên chứ không hiện số điện thoại.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý một số vụ mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân để răn đe, truyền thông rộng rãi và thanh tra các nhà mạng toàn diện về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân.
ĐBQH Nguyễn Danh Tú (tỉnh Kiên Giang) phát biểu tranh luận việc thực hiện chuẩn hóa, xác thực thông tin thuê bao với CSDL quốc gia về dân cư, 3 DN chiếm 96% thị phần là Viettel, VNPT, Mobifone mới rà soát, đối chiếu được hơn 24% tổng số giấy tờ thuê bao. Theo Báo cáo số 158 của Bộ TT&TT, mục tiêu là hoàn thành 100% việc đối soát này trong tháng 11/2022. Như vậy, còn chưa đầy 1 tháng nữa phải rà soát, đối chiếu xong 58 triệu thuê bao di động còn lại. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá về tính khả thi cũng như giải pháp để đạt được mục tiêu trên nhằm góp phần loại bỏ sim rác?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời ĐHQH Nguyễn Danh Tú cho biết việc xác thực thông tin được thực hiện qua hình thức câu hỏi có hoặc không, đến nay gần 90% thông tin thu thập được là chính xác. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác này phải thực hiện xong trong tháng 11/2022, Bộ TT&TT sẽ nỗ lực thực hiện mục tiêu này.
Giải trình vấn đề về tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân, Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm khẳng định tình trạng này đang diễn ra rất phức tạp.
Bộ Công an kiến nghị một số giải pháp, gồm hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách đặc thù bảo vệ an ninh, ATTT mạng. Các ban, bộ, ngành, các địa phương chủ động đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, kiểm soát chặt chẽ quy trình bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ lưu trữ thông tin, dữ liệu cai nghiện; Xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực đảm bảo an ninh mạng, ATTT, an ninh dữ liệu; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên lĩnh vực an ninh mạng, an ninh dữ liệu của mở rộng quan hệ hợp tác quốc gia, tổ chức, DN bảo mật an ninh mạng hàng đầu trên thế giới.
Tiếp tục có những giải pháp để xử lý SIM rác về mức có thể chấp nhận
Tiếp tục trả lời vấn đề SIM rác được nhiều ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nếu nói là xử lý triệt để SIM rác với nghĩa là bằng 0 thì trong cuộc sống khó có thể làm được, mà vẫn còn đó những tồn tại nhưng phải hạn chế, đưa về mức có thể chập nhận được.
Bộ trưởng nêu rõ mục tiêu xử lý. Từ nay đến cuối năm sẽ tổng thanh tra các nhà mạng liên quan đến chuyện một người nhiều SIM. Ngoài ra việc xử lý SIM rác gắn với đăng ký thông tin chính chủ, kết nối, đối chiếu CSDL quốc gia về dân cư để có căn cứ xác định thông tin đăng ký là chính xác.
Bộ TT&TT đã làm rất quyết liệt, loại 22 triệu sim không đầy đủ thông tin, việc này tiến hành trong gần 3 năm. Bộ đã thanh tra toàn diện và nhắc nhở cụ thể, xem xét trách nhiệm của từng đơn vị DN viễn thông. Bộ TT&TT nhận trách nhiệm về vấn đề này và tiếp tục có những giải pháp để làm tốt hơn./.