Đào tạo cơ bản trong bán hàng đa cấp: Có bắt buộc?

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 14:17, 03/11/2022

Nếu chưa được cấp thẻ thành viên mạng lưới bán hàng đa cấp thì người tham gia bán hàng đa cấp không được phép thực hiện các hoạt động bán hàng đa cấp.

Hiện nay, đào tạo cơ bản trong bán hàng đa cấp (BHĐC) được quy định tại Điều 32 Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo đó doanh nghiệp BHĐC có trách nhiệm đào tạo cơ bản cho người tham gia BHĐC theo chương trình đào tạo cơ bản đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không được thu phí đào tạo cơ bản dưới bất kỳ hình thức nào. Người tham gia BHĐC có trách nhiệm tham dự chương trình đào tạo cơ bản do doanh nghiệp BHĐC tổ chức.

Cơ quan quản lý nhà nước đã bổ sung quy định về đào tạo cơ bản là yêu cầu bắt buộc đối với cả doanh nghiệp BHĐC và người tham gia BHĐC trước khi cho phép người tham gia BHĐC thực hiện việc bán hàng và phát triển mạng lưới BHĐC của mình. Người tham gia BHĐC được đào tạo cơ bản sẽ nâng cao nhận thức về hoạt động BHĐC và các kĩ năng thực hiện hoạt động BHĐC từ đó tổ chức hoạt động BHĐC của mình chuyên nghiệp hơn và tuân thủ đúng quy định pháp luật, góp phần làm giảm những tiêu cực trong BHĐC.

Chương trình đào tạo cơ bản bao gồm những nội dung sau: Pháp luật về BHĐC; Các chuẩn mực đạo đức trong BHĐC; Các nội dung cơ bản của hợp đồng tham gia BHĐC; Quy tắc hoạt động; Kế hoạch trả thưởng; Cơ chế đánh giá việc hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản phù hợp với nội dung và phương thức đào tạo; Việc thiết kế nội dung của chương trình đào tạo cơ bản như trên nhằm đảm bảo người tham gia BHĐC có đầy đủ kiến thức và kĩ năng để thực hiện việc bán hàng.

Thời lượng đào tạo cơ bản tối thiếu là 8 tiếng. Nghị định 40/2018/NĐ-CP quy định chỉ những người được doanh nghiệp BHĐC chỉ định làm đào tạo viên BHĐC mới được thực hiện hoạt động đào tạo cơ bản cho người tham gia BHĐC của doanh nghiệp đó.  Để trở thành đào tạo viên BHĐC, người muốn trở thành đào tạo viên BHĐC phải được cấp xác nhận kiến thức pháp luật về BHĐC và phải trải qua đợt kiểm tra kiến thức pháp luật về BHĐC do Bộ Công Thương tổ chức.

Nghị định 40/2018/NĐ-CP quy định rất chi tiết và chặt chẽ về điều kiện để trở thành đào tạo viên BHĐC nhằm đảm bảo đào tạo viên BHĐC phải có đủ kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm, … về doanh nghiệp, thị trường và ngành BHĐC.

Đào tạo viên BHĐC được coi là những "giáo viên" sẽ truyền đạt lại kiến thức về doanh nghiệp BHĐC, về kĩ năng BHĐC cho một số lượng lớn người tham gia BHĐC, do đó nếu đào tạo viên BHĐC không đủ kiến thức và kĩ năng có thể dẫn đến việc đào tạo không đúng, không đầy đủ kiến thức và kĩ năng BHĐC cho người tham gia BHĐC, dẫn đến hậu quả không mong muốn đối với doanh nghiệp BHĐC nói riêng và ngành BHĐC nói chung.

Chương trình đào tạo cơ bản có thể thực hiện thông qua các phương thức đảm bảo khả năng tương tác trong quá trình đào tạo như đào tạo trực tiếp hoặc đào tạo từ xa. Việc quy định hình thức đào tạo đảm bảo khả năng tương tác nhằm mục đích giúp cho người học và người đào tạo có điều kiện trao đổi, giải thích, hỏi đáp về các nội dung liên quan trong quá trình đào tạo.

Sau khi tìm hiểu về doanh nghiệp BHĐC và quyết định tham gia BHĐC vào doanh nghiệp đó, người muốn tham gia BHĐC sẽ ký hợp đồng tham gia BHĐC với doanh nghiệp BHĐC. Tiếp theo, người tham gia BHĐC sẽ được doanh nghiệp BHĐC đào tạo cơ bản về BHĐC, và việc đào tạo cơ bản này hoàn toàn miễn phí.

 Người tham gia BHĐC phải hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản và được doanh nghiệp BHĐC cấp xác nhận bằng văn bản về việc hoàn thành nội dung và thời lượng chương trình đào tạo cơ bản. Sau đó, doanh nghiệp BHĐC cấp thẻ thành viên mạng lưới BHĐC cho những người đã hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản. Chỉ khi doanh nghiệp BHĐC cấp thẻ thành viên mạng lưới BHĐC cho người tham gia BHĐC thì người tham gia BHĐC mới được phép bán hàng cũng như tư vấn, giới thiệu về sản phẩm và doanh nghiệp cho khách hàng, bảo trợ người tham gia tuyến dưới, hưởng các loại hoa hồng theo kế hoạch trả thưởng./.

PV