Lào Cai: Khuyến nông đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 20:14, 07/11/2022
Tỉnh Lào Cai xác định, khuyến nông đóng vai trò quan trọng đối với công cuộc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Do đó, việc đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động khuyến nông là hết sức quan trọng.
Nguồn kinh phí để thực hiện Chương trình khuyến nông trong giai đoạn 2022 - 2025 được tổng lực từ nhiều chương trình khác nhau với kinh phí gần 230 tỷ đồng như chương trình mục tiêu quốc gia, khuyến nông Trung ương, ngân sách địa phương, các tổ chức phi chính phủ tài trợ và doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đối ứng.
Chương trình đặt ra 5 mục tiêu và 6 giải pháp cụ thể để thực hiện hoạt động khuyến nông, tập trung chủ yếu vào: Thông tin, tuyên truyền, bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn; xây dựng và nhân rộng mô hình trình diễn, dự án khuyến nông; công tác tư vấn dịch vụ và hợp tác quốc tế về khuyến nông; cơ chế chính sách và nguồn vốn.
Để triển khai cụ thể và hiệu quả Chương trình khuyến nông trong giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh lựa chọn xây dựng trên địa bàn khó khăn, biên giới, đặc biệt là những địa bàn bị ảnh hưởng của thiên tai và dịch bệnh 30 dự án. Các địa bàn còn lại xây dựng 20 mô hình, dự án. Mỗi địa bàn sẽ lựa chọn cây, con giống phù hợp với thổ nhưỡng, trình độ của người dân để áp dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất cho hiệu quả cao về phát triển kinh tế.
Mô hình chăn nuôi lợn giúp bà con tăng thu nhập
Điển hình là Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã triển khai mô hình chăn nuôi lợn bản địa an toàn dịch bệnh dựa vào cộng đồng đã được người dân thôn Bản Lắp, xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà đồng lòng tham gia. Anh Nguyễn Văn Tân và 19 hộ dân đã ký hợp đồng cam kết bỏ tiền làm chuồng trại nuôi nhốt đảm bảo, mua giống, 30% kinh phí mua thức ăn, vắc xin, thuốc tẩy kí sinh trùng...
Tất cả những khâu về chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng đảm bảo chất lượng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh trực tiếp cử cán bộ xuống từng hộ dân hướng dẫn tận tình, đồng thời cấp một phần kinh phí giúp người dân yên tâm thực hiện mô hình.
Sau một thời gian triển khai và được kiểm soát nghiêm ngặt, chặt chẽ các khâu. Kết quả đã thành công ngoài mong đợi, đàn lợn có tỷ lệ sống đạt 100%, các chỉ số khác về trọng lượng, chất lượng và tính an toàn dịch bệnh đều cao. Từ mô hình của nhà anh Tân, các hộ dân trong thôn đã chủ động xin tham gia vào mô hình sản xuất ngày càng đông.
Mô hình trồng chè hữu cơ của hợp tác xã (HTX) chè Bản Liền (Bắc Hà) cũng được coi là mô hình đầu tiên đánh dấu mốc phát triển nông nghiệp hữu cơ của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ tỉnh đánh giá cao, mô hình mang lại lợi nhuận cho người dân. Tham gia tích cực vào mô hình trồng chè thuần chủng giống Shan Tuyết có gia đình ông Vàng A Dựng. Gia đình ông đã áp dụng nghiêm ngặt về kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ của HTX nên cho năng xuất, chất lượng cao, hằng năm gia đình ông thu được khoảng từ 300 - 400 triệu đồng. Khi gia đình ông thành công, ông Dựng giữ bí kíp cho riêng mình mà ông đã nhiệt tình hỗ trợ bà con giống cây, hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều hộ khác.
Niềm vui thu hoạch chè Shan Tuyết của người nông dân Bản Liền (Bắc Hà)
Ông Phạm Quang Thận, giám đốc HTX chè Bản Liền vui mừng chia sẻ: sản phẩm chè Bản Liền đã có tên trên "bản đồ" chè quốc tế, được cấp 3 chứng nhận thẩm định chất lượng từ Hoa Kỳ và EU. Trung bình mỗi năm, người dân Bản Liền xuất bán cho doanh nghiệp và thị trường nội tiêu trong nước gần 1.000 tấn chè búp tươi, mang về nguồn thu hàng chục tỷ đồng. Trung bình mỗi ha chè của hợp tác xã có thể đem lại nguồn thu từ 80 đến 100 triệu đồng/năm.
Từ những kết quả bước đầu cho thấy, Chương trình khuyến nông giai đoạn 2022 - 2025 đã không ngừng đổi mới và phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nông dân. Phát huy những kết quả đó, thời gian tới, hệ thống khuyến nông của tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mô hình trình diễn và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân./.