Nhiều DN Việt Nam vẫn coi phát triển bền vững là xa xỉ

Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 08:01, 08/11/2022

Trước khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam làm cách nào để đạt mục tiêu tăng trưởng mà vẫn đảm bảo tính bền vững? Chuyển đổi số (CĐS) và áp dụng tiến bộ công nghệ có lẽ là lời giải cho bài toán này.

Bóng tối bao phủ nền kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn đi qua thì ảnh hưởng từ cuộc chiến Ukraine khiến các tổ chức, doanh nghiệp (DN) trên phạm vi toàn cầu càng chồng chất khó khăn. Cam kết của các quốc gia tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP27 năm nay đang bị kéo lùi lại. Làm thế nào để các DN vừa phát triển bền vững, vừa có lợi nhuận là một bài toán khó.

Nhóm phóng viên Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Verena Siow, Chủ tịch và Tổng giám đốc SAP Đông Nam Á về vấn đề này tại buổi họp báo công bố Nghiên cứu mới nhất của Oxford Economics và SAP về phát triển bền vững tại các DN châu Á.

Muốn phát triển bền vững phải dựa vào công nghệ - Ảnh 2.

Bà Verena Siow tại buổi họp báo công bố kết quả Nghiên cứu Oxford Economics và SAP về phát triển bền vững của các DN châu Á

Phóng viên (PV): Theo bà, các DN Việt Nam đã có nhìn nhận như thế nào về lợi ích từ phát triển bền vững? Làm thế nào để giúp DN có thể thay đổi nhận thức này và có thể áp dụng cho chính DN của họ để phát huy hiệu quả?

Bà Verena Siow: Các DN Việt Nam vẫn chưa thực sự chủ động đối với những vấn đề liên quan tới phát triển bền vững. Rất nhiều DN Việt Nam vẫn coi phát triển bền vững như một thứ gì đó xa xỉ, có thì tốt nhưng không thực sự cấp bách. Nếu thị trường, nhà đầu tư hoặc các cơ quan chức năng yêu cầu, thì lúc đó họ mới quan tâm, tìm hiểu và triển khai.

Chính vì vậy, cái mà chúng ta có thể làm là giúp các DN Việt Nam có được cái nhìn đầy đủ và toàn diện hơn về phát triển bền vững, đặc biệt - làm thế nào để đạt được mục tiêu kép, vừa phát triển bền vững, vừa có lợi nhuận tốt. Phát triển bền vững không chỉ tốt cho môi trường, mà nó còn giúp thúc đẩy doanh thu vì khách hàng sẽ có xu hướng mua hàng từ các DN hoạt động một cách bền vững, đặc biệt đối với các thương hiệu hàng tiêu dùng.

Ngoài ra, phát triển bền vững còn giúp đẩy mạnh sự đổi mới và sáng tạo trong DN, giúp DN xây dựng những mô hình kinh doanh mới.

Có một điều rất đặc biệt là, khi nói đến phát triển bền vững, chúng ta chỉ thành công nếu cùng chung tay, chung sức. Nếu nhìn xa hơn, mỗi chúng ta đều có gia đình, con cái, bạn bè, người thân, và chúng ta đều muốn xây dựng một nền tảng vững chắc cho các thế hệ sau này. Chúng ta cần hạn chế việc lạm dụng tài nguyên để đảm bảo rằng trong tương lai, trái đất của chúng ta sẽ vẫn "xanh", để chúng ta cũng như các thế hệ sau này có thể sinh sống một cách mạnh khỏe và hạnh phúc.

Nếu các bạn thường xuyên theo dõi thời tiết, các bạn có thể nhận thấy thiên tai như mưa bão, lũ lụt, lốc quét, sóng thần, động đất v.v… đang ngày càng xuất hiện với tần suất dày hơn trước đây. Đó là lý do tại sao mỗi người trong chúng ta cần phải ý thức được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ môi trường, để sống và phát triển theo hướng bền vững hơn.

PV: Xin bà cho biết SAP giúp khách hàng tích hợp các tiêu chí phát triển bền vững vào hoạt động của họ như thế nào?

Bà Verena Siow: Chúng tôi đơn giản hóa công nghệ, giúp DN sử dụng phần mềm của SAP theo cách phù hợp nhất mà không gặp phải bất kỳ gián đoạn nào. Những giải pháp trọn gói và dịch vụ của chúng tôi cho phép các tổ chức chính phủ và khách hàng DN hoạt động trong 25 ngành nghề kinh doanh hiệu quả, thích nghi liên tục và tạo sự khác biệt

SAP giúp khách hàng theo một số cách cụ thể như: Thứ nhất, chúng tôi có các giải pháp có thể giúp các công ty lồng ghép tính bền vững thành một phần của quy trình kinh doanh. Thứ hai, khi bạn sử dụng hệ thống của SAP, bạn có rất nhiều dữ liệu giúp bạn nhận ra vấn đề cốt lõi. Từ đó bạn có thể đo lường các mục tiêu bền vững của mình và đảm bảo rằng bạn triển khai các chiến lược phát triển bền vững một cách có hệ thống và theo đúng kế hoạch.

PV: Bà có thể chia sẻ một số ví dụ về việc ứng dụng sức mạnh công nghệ để phát triển bền vững tại các DN Việt Nam?

Bà Verena Siow: Chúng tôi đang hợp tác với nhiều DN Việt Nam như tập đoàn Lộc Trời - vốn sở hữu chuỗi giá trị bền vững từ khâu nghiên cứu, sản xuất cho tới tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam và xuất khẩu ra thế giới. Tập đoàn Lộc Trời là một trong những DN đầu tiên áp dụng thành công chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) trên nền tảng SAP S/4HANA.

Ngoài ra, SAP cũng đang nỗ lực hỗ trợ Lộc Trời vận hành một cách bền vững hơn về lâu dài với những giải pháp hàng đầu của SAP như Giải pháp phân tích đám mây SAP (SAP Analytics Cloud) và giải pháp cơ sở dữ liệu đám mây SAP (SAP Datawarehouse Cloud).

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang còn rất nhiều dự án về phát triển bền vững đang trong quá trình xúc tiến hoặc triển khai tại các DN khác tại Việt Nam, và chúng tôi hy vọng sẽ sớm được chia sẻ các thông tin cụ thể về những dự án này với các bạn.

PV: Theo bà lãnh đạo DN Đông Nam Á cần thêm động lực gì để có thể bắt đầu triển khai các hoạt động phát triển bền vững?

Bà Verena Siow: Phát triển bền vững sẽ ngày càng có yếu tố quyết định đối với sự thành công của DN. Không chỉ còn để làm đẹp báo cáo hay tuân thủ các quy định của nhà nước, các DN cần phải tìm thêm những cách thức phát triển bền vững và vượt trội hơn. Điều này cần sự kết hợp giữa công nghệ và dữ liệu để tạo nên một đòn bẩy mang tính đột phá. Dù đây là một hành trình lâu dài, nhưng SAP đã sẵn sàng để đồng hành và hỗ trợ các công ty tận dụng sức mạnh công nghệ để giúp họ đạt được những mục tiêu phát triển bền vững lâu dài.

Một dấu hiệu đáng mừng là các DN Đông Nam Á ngày càng quan tâm đến việc phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng, bao gồm các nhà cung cấp của họ. Tuy nhiên, chúng ta không thể lãng phí thời gian. Trong ba năm tới, gần một phần ba số DN tại Đông Nam Á sẽ kỳ vọng nhận được lợi ích đáng kể từ chiến lược phát triển bền vững của họ - và chúng tôi tin rằng nếu tập trung đúng hướng, con số này còn có thể cao hơn nữa.

PV: Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của bà!

Minh Thiện