Vai trò của báo chí truyền thông trong việc lành mạnh hóa thị trường bất động sản
Báo chí - Ngày đăng : 13:45, 08/11/2022
Hiện nay, hầu như ấn phẩm nào cũng có chuyên mục, chuyên trang, số phát hành nào cũng có một vài bài, tin, ảnh liên quan trực tiếp và gián tiếp đến đời sống mọi mặt của doanh nghiệp (DN) và doanh nhân, đời sống kinh tế vĩ mô và vi mô.
Đặc trưng của báo chí truyền thông về kinh tế
Các thông tin kinh tế và thị trường, tình hình biến động của chính sách, môi trường và kinh nghiệm kinh doanh được phản ánh trên báo chí đã, đang và sẽ giúp DN nắm bắt cập nhật, đầy đủ và chính xác hơn, từ đó góp phần để DN định hướng và điều chỉnh chiến lược, chính sách và cách thức kinh doanh phù hợp, nhạy bén hơn với các nhu cầu và triển vọng thị trường.
Các bài viết "thuận chiều", kịp thời và tâm huyết, có trách nhiệm của báo chí khiến DN được các khách hàng và đối tác biết đến, tin cậy và tăng cường gắn bó, trở nên nổi tiếng và phát triển công cuộc kinh doanh hiệu quả hơn. Đồng thời, các thông tin và phản ánh "trái chiều" của báo chí, nhất là về trách nhiệm xã hội liên quan đến phát triển bền vững về DN, cũng ngày càng có ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh "sinh tử" của DN, thậm chí có thể khiến một DN đang huy hoàng trở nên lụi tàn và phá sản.
Sự cộng sinh của các DN với báo chí còn thể hiện ở chỗ thông qua "cầu trung gian" báo chí, DN có thể phản ánh trung thực và nhanh chóng nguyện vọng của mình lên cấp có thẩm quyền chính sách hoặc tác động đến thị hiếu tiêu dùng xã hội, thậm chí tạo áp lực đến những thay đổi chính sách và xu hướng thị trường lớn cả cấp vi mô và vĩ mô, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến lĩnh vực và hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN theo yêu cầu phát triển bền vững…
Quyền lực của báo chí trong đời sống kinh tế - xã hội nói chung và đối với DN nói riêng trong kinh tế thị trường hiện nay cũng dễ gây ra một số tác động mặt trái cho các DN, người tiêu dùng và cả xã hội từ những ngộ nhận hay lạm dụng của giới báo chí.
Vì vậy, để hỗ trợ đắc lực yêu cầu phát triển bền vững, đòi hỏi báo chí phải giảm thiểu tình trạng đưa tin thiếu khách quan, thiếu chính xác và thiếu kiểm chứng do thiếu trách nhiệm hay nghiệp vụ yếu. Hơn nữa, các cơ quan chức năng cần phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những hiện tượng vi phạm pháp luật khi một vài tờ báo và phóng viên ngấm ngầm hoặc công khai phối hợp "đánh hội đồng", dùng thông tin và nghiệp vụ để "bắt nạt" hoặc "làm tiền" doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp "có vấn đề" hay "không biết điều", thiếu chơi đẹp với mình...
Hiện tượng "con sâu bỏ rầu nồi canh" như vậy đã được minh chứng qua nhiều vụ án tương tự được xử và công bố trong thời gian qua. Ngược lại, cũng cần có chế tài đủ mạnh ngăn chặn hiệu quả các hiện tượng doanh nghiệp mượn tay báo chí và phóng viên thực hiện những phi vụ lạm dụng, lừa đảo đối tác, khách hàng, thậm chí cả cơ quan quản lý các cấp, thông qua những hợp đồng viết bài "khen" hoặc quảng cáo, "bốc thơm" DN và sản phẩm của DN quá mức, sai thực tế; trao nhận những giải thưởng hàng chất lượng hoặc các chứng nhận và cúp, giải thưởng hàng hóa báo chí ngày càng phong phú và khó phân biệt thật - giả được tổ chức hàng năm hoặc trong các hội chợ, triển lãm đủ loại...
Đòi hỏi đối với báo chí về lĩnh vực kinh tế
Cùng với đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng bài viết cả về nội dung và hình thức, kỹ thuật và chuẩn mực ngôn ngữ, cần mềm hóa và linh hoạt hóa trong biên tập; tránh bình quân hóa các bài viết cả về độ dài, mức thù lao; chủ động tìm kiếm và tôn vinh hơn những tác giả, tác phẩm báo chí đủ tâm và tầm để báo chí ngày càng có nhiều bài viết hấp dẫn, sắc sảo, có tính đại diện và phản biện khoa học cao và tính nhân văn sâu sắc, nhất là về các vấn đề, nội dung liên quan đến nhận thức lý luận, chính trị, quản lý nhà nước về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường.
Chất lượng bình luận kinh tế trên báo chí phụ thuộc nhiều vào chất lượng thông tin vấn đề có liên quan đối tượng bình luận, vào năng lực, sự công tâm và cả mục tiêu của người bình luận; đặc biệt, phụ thuộc quan trọng vào phông văn hóa, tư duy, phương pháp nghiên cứu khoa học, kiến thức chuyên ngành của người bình luận.
Để có ý kiến bình luận về kinh tế sắc sảo, sát vấn đề và có tính phát hiện, riêng, hữu ích, người viết cần: Xây dựng phông kiến thức kinh tế chuẩn, rộng và sâu cả đa ngành và chuyên ngành; Sử dụng đúng thuật ngữ chuyên ngành; Có kỹ năng, thói quen tư duy hệ thống, liên ngành và nhìn nhận vấn đề nghiên cứu từ các góc độ khác nhau; Biết cách luận giải, phản biện, phát hiện xung đột, mâu thuẫn, bất cập trong phân tích thực trạng; Dự báo triển vọng, đề xuất các quan điểm cần thiết, các giải pháp đồng bộ xử lý các tồn tại và nhiệm vụ vấn đề, đối tượng bình luận.
Người viết cũng cần mạnh dạn và độc lập đề xuất, bảo vệ và phổ biến tư tưởng, thông điệp khoa học, phát hiện cá nhân trên cơ sở nắm chắc xu hướng, quy luật tất yếu về kinh tế, biết tham khảo hoặc biết cách chọn lọc, diễn giải và phát triển tư tưởng khoa học trong các tài liệu tham khảo, cũng như của người khác. Khi bình luận từ góc độ chuyên ngành, cần bám sát tên chủ đề, gắn kết logic giữa nội dung, luận điểm và luận giải trong bình luận. Bên cạnh đó, cần có ý thức và kỹ năng xây dựng và phát triển, "mô đun hóa" hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về các vấn đề bình luận; tuân thủ quy định trích dẫn và kế thừa tư liệu rõ ràng, đầy đủ, trung thực và đáng tin cậy.
Đặc biệt, cần trình bày vấn đề, quan điểm người khác trung thực, không áp đặt suy diễn và cẩu thả…; không vu khống và ngụy biện, ngụy tạo vấn đề; luận giải và đề xuất có luận cứ khoa học, phù hợp với thực tế, tăng tính so sánh, biện luận, phản biện theo logic hay phản chứng để làm bật cái đúng, sai cần bình luận và có tính đề xuất mới; có giá trị tổng kết, cũng như gợi mở tốt cho các cơ quan chức năng và đơn vị có liên quan giải quyết vấn đề một cách đồng bộ và khả thi, thích hợp. Kết luận hay nhận định cần phù hợp với dẫn chứng số liệu; Giảm thiểu các lỗi trình bày và ngữ pháp, nhất là về câu chủ ngữ, vị ngữ và dấu chấm, phẩy, các lỗi đánh máy trong nội dung bình luận.
Số liệu sử dụng cần nhất quán, lập luận không mâu thuẫn và bám sát quan điểm, đường lối chính thống. Không lặp lại câu chữ gây nhàm chán, phản cảm, kiểu "thì là mà…" và cần linh hoạt, hình ảnh hóa và chân lý hóa trong so sánh; Ngôn ngữ, diễn đạt hàm súc, thông tin đậm, mộc mạc và sâu sắc; Không sính chữ và dùng sai nghĩa từ (cứu cánh là mục tiêu chứ không phải phương tiện). Đặt mình trong vị thế của người nói, người nghe, lãnh đạo và nhân dân... để hài hòa dung lượng khen chê, tránh cực đoan, tránh hạ thấp người khác để nâng mình và khen người khác để tự khen mình. Không ham rút tít giật gân, dễ dãi. Ngôn ngữ cử chỉ, lời nói, hình ảnh, phong cách hợp lý và giữ nét, phong cách, bản sắc riêng...
Ngoài ra, cũng cần chú ý đảm bảo sử dụng thuật ngữ và tên bài về kinh tế cho sát với nội dung và thực tế phản ánh trong bài báo.
Báo chí là một hoạt động nghề nghiệp đặc thù, có tính cộng đồng và tác động chính trị - xã hội mạnh mẽ. Mỗi tác phẩm báo chí được phát hành rộng rãi, có tính phản biện và chiến đấu cao, sớm hay muộn, ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp sẽ có tác động tích cực đến dư luận xã hội, nhận thức, thái độ quan niệm và hành vi của đông đảo của quần chúng và cộng đồng. Vì thế, trách nhiệm xã hội của báo chí càng cần phải được thể hiện qua từng câu, từng chữ, từng hình ảnh trong mỗi tác phẩm của mình. Chất lượng, hiệu quả xã hội của báo chí, do đó, uy tín tác phẩm và tác giả càng cao, khi được tư vấn và đồng hành bởi các nhà khoa học, chuyên gia đủ Tâm và Tầm về các lĩnh vực chuyên sâu…
Nhà báo càng có tư duy, kiến thức, tố chất chuyên gia, thì uy tín và chất lượng bài báo sẽ ngày càng cao. Khi nhà khoa học có lòng say nghề và năng lực phản ánh, thể hiện, biểu cảm của Nhà báo, thì Khoa học càng trở nên sống động, sắc sảo, gần gũi và hữu ích hơn cho cuộc sống! Khi tổ chức và phát huy cao độ sự kết hợp và đồng hành giữa báo chí với khoa học, thì cả Báo chí và Khoa học đều mạnh lên, nền dân chủ và đồng thuận xã hội được củng cố, lành mạnh hơn; Đồng thời, năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội sẽ ngày càng được cải thiện theo yêu cầu phát triển bền vững…!
Vai trò của báo chí truyền thông trong lành mạnh hóa thị trường bất động sản
Đóng góp khoảng 7-8% GDP cả nước và kết nối, lan tỏa với hơn 35 ngành nghề khác nhau trong nền kinh tế, tạo hàng triệu việc làm cho xã hội và đang đứng trước nhiều cơ hội đầu tư mới trong năm 2022, song thị trường bất động sản (BĐS) đang có dấu hiệu bị "co ngót" do thiếu hụt vốn đầu tư…
Đặc biệt, thời gian gần đây xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt gây lo lắng và kích thích xu hướng hành xử theo tâm lý đám đông, tạo rung lắc thị trường và gây tổn hại cho lợi ích các nhà đầu tư, cũng như doanh nghiệp, thậm chí đe dọa sự ổn định, lành mạnh chung của thị trường BĐS và thị trường chứng khoán (TTCK), gây áp lực tiêu cực cho dòng chảy vốn đầu tư xã hội và sự ổn định chung của nền kinh tế.
Bởi vậy, cần tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống chính xác, kịp thời cho các nhà đầu tư cá nhân, nhất là thông tin về thị trường BĐS, về các dự án kinh doanh BĐS, Luật DN, Luật Chứng khoán và các quy định, động thái quản lý Nhà nước có liên quan để các nhà đầu tư khi tham gia thị trường có sự lựa chọn đúng đắn cân nhắc, chịu trách nhiệm về việc đầu tư của mình trong môi trường hoạt động bình đẳng giữa các nhà đầu tư, DN và nhà phát hành.
Công tác thông tin tuyên truyền cần hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức về pháp luật và kết quả xử lý nghiêm khắc các tin đồn thất thiệt, sai lệch và giả mạo trên thị trường BĐS và thị trường tài chính liên quan đến BĐS.
Các cơ quan quản lý và báo chí cần tăng cường trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ trong giám sát hoạt động tuân thủ, nhận diện, bắt lỗi và và xử lý, thông tin về sửa lỗi vi phạm trong phát hành trái phiếu DN, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các DN BĐS, của tổ chức tín dụng có liên quan đến DN BĐS, các DN có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các DN có kết quả kinh doanh thua lỗ, các DN phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm không chất lượng…
Đồng thời, cần thông tin về giám sát sự tuân thủ pháp luật và nâng cao vai trò của các tổ chức cung cấp dịch vụ trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, chính xác cho nhà đầu tư.
Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường phối hợp chặt chẽ và cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra các vụ việc, cảnh báo sớm và có phương án xử lý kịp thời các rủi ro có thể phát sinh, ổn định tâm lý nhà đầu tư và bảo đảm an toàn thị trường.
Ngoài ra, cần sớm phát triển các thể chế chuyên trách và thông tin rộng rãi về kết quả xếp hạng tín nhiệm DN BĐS và trái phiếu DN ở Việt Nam để đa dạng hóa căn cứ khách quan và độ tin cậy cho việc ra quyết định của các nhà đầu tư và giúp minh bạch hóa thị trường.
Việc xử lý các vi phạm trên thị trường BĐS và TTCK có liên quan BĐS chỉ là cá biệt và riêng lẻ, đây là hành động cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, DN phát hành, ổn định thị trường vốn, thị trường tài chính và TTCK, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, trong quá trình đó, các cơ quan chức năng cũng cần quán triệt thấu đáo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không lạm dụng, hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế trên TTCK; kể cả nhà đầu tư hay DN đã có những sai phạm thì cũng được tạo điều kiện để khắc phục và ổn định sản xuất kinh doanh, nhằm giúp DN phát triển trở lại, bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư cổ đông và việc làm cho người lao động, duy trì động lực phục hồi và phát triển kinh tế...
Nói cách khác, việc "gợn đục khơi trong", "bắt sâu nhổ cỏ" là cần thiết, song "đánh chuột không được làm vỡ bình" cũng là yêu cầu thực tế đặt ra cấp thiết trong quản lý và thông tin tuyên truyền về quá trình phát triển lành mạnh và bền vững thị trường BĐS nói chung ở nước ta.
Là thể chế bậc cao và nhạy cảm bậc nhất của kinh tế thị trường, thị trường BĐS, TTCK như một bình pha lê quý, đang và sẽ tiếp tục cần được gia cố và bảo vệ tốt; Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để làm trong sạch thị trường BĐS và thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng có nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tiềm năng và phát triển thị trường lành mạnh, an toàn, tích cực. Hai yêu cầu này đều là cấp thiết, song song với nhau nhằm bảo đảm các hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, các hoạt động phát hành, mua-bán, chuyển nhượng các chứng khoán nói chung bám sát và đáp ứng tốt với nhu cầu thị trường, bảo đảm tính minh bạch, ổn định, đúng quy định pháp luật, đúng mục đích, đúng nguyên tắc và quy luật kinh tế thị trường; hướng tới mục tiêu ổn định và tiếp tục phục hồi, phát triển kinh tế cả vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài, góp phần phát triển thị trường vốn nói chung, thị trường BĐS nói riêng.
Yêu cầu "đánh chuột không được làm vỡ bình", xử lý hành vi sai phạm mà không làm ngưng đọng hay đổ vỡ thị trường trái phiếu DN và thị trường BĐS liên quan càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong thời gian tới, khi mà tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực BĐS đang bị siết chặt, còn thị trường BĐS đứng trước nhiều cơ hội bùng nổ, đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần lan tỏa tác động tích cực vào đà phục hồi, tăng sức bật phát triển kinh tế vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài trong bối cảnh "bình thường mới - hậu COVID"…!
Đặc biệt, báo chí cần tiếp xúc chặt chẽ và thông tin kịp thời về Hiệp hội BĐS Việt Nam, phản ánh và đề xuất kịp thời các giải pháp với Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương để góp phần tháo gỡ kịp thời khó khăn cho DN và phát triển thị trường BĐS (tính đến đến tháng 3/2022, Hiệp hội có 383 hội viên đầu mối, 109 hội viên cá nhân và hơn 3.000 hội viên là các DN trực tiếp sinh hoạt tại Hiệp hội BĐS và sinh hoạt tại Câu lạc bộ BĐS, Hiệp hội BĐS ở địa phương và Chi hội Môi giới tham gia hoạt động trong lĩnh vực BĐS).
Qua đó, khẳng định vị thế và tạo ra các cơ hội để hội viên Hiệp hội phát triển, mở rộng quan hệ, nắm bắt thông tin, tìm kiếm cơ hội đầu tư BĐS trong nước, ở khu vực và trên thế giới.
Đến lượt mình, Hiệp hội cũng cần coi trọng cộng tác với các phương tiện thông tin đại chúng tổ chức phát hành các báo cáo tổng quan thị trường BĐS hàng tháng, hàng quý và tuyên truyền, phổ biến giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật theo chủ đề liên quan đến lĩnh vực BĐS để tổ chức, đơn vị và nhân dân hiểu và thực hiện, góp phần thiết thực vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và phát triển minh bạch, bền vững thị trường BĐS…; tổ chức tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức của cộng đồng về công trình xanh; tăng cường trao đổi, cập nhật, cung cấp thông tin giữa hội viên với hiệp hội, và ngược lại để thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nhân, DN với các cấp quản lý Nhà nước, các ngành liên quan nhằm giải quyết khó khăn tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh của các DN, giúp cho cơ quan chức năng thực hiện tốt hơn vai trò quản lý Nhà nước.
Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông và hiệp hội khác thực hiện các tọa đàm, hội thảo, giải trình và tuyên truyền về chính sách và hoạt động kinh doanh, bình chọn khen thưởng và tôn vinh xứng đáng các doanh nhân, DN tiêu biểu hàng năm; thực hiện tốt các cuộc vận động, chương trình lớn do Đảng và Nhà nước phát động; vận động hội viên đề cao đạo đức, văn hóa trong kinh doanh, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện tại địa phương; tích cực tham gia các chương trình liên kết, hợp tác giữa các hiệp hội…./.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2022)