Thách thức liên thông dữ liệu khi xây dựng thành phố thông minh
Đô thị thông minh - Ngày đăng : 09:44, 10/11/2022
Indonesia là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất khu vực, với hơn 70% dân số dự kiến sẽ sống ở các thành phố vào năm 2045, trong khi tốc độ đô thị hóa của Đông Nam Á đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Do đó, các thành phố hiện đang đứng đầu trong những thách thức toàn cầu cấp bách nhất, bao gồm cả biến đổi khí hậu, chiếm hơn 70% lượng khí thải carbon toàn cầu.
Các thành phố cũng đang tăng cường kết hợp các công nghệ số để nâng cao khả năng chống chịu với khí hậu và đạt được hiệu quả tài nguyên cao hơn. Indonesia đã khởi xướng "Phong trào 100 thành phố thông minh (TPTM)" vào năm 2017 nhằm xây dựng 100 TPTM trên cả nước vào năm 2045 để giải quyết các thách thức đô thị hóa một cách hiệu quả.
Cơn sốt phát triển ứng dụng cùng với TPTM
Cơn sốt phát triển ứng dụng của Indonesia bắt đầu khi quốc gia này giới thiệu dự án 100 TPTM của mình. Theo đó, phong trào hướng tới 100 TPTM là chương trình phối hợp của các cơ quan bộ ngành tại Indonesia bao gồm Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Văn phòng Tham mưu Tổng thống…. Phong trào này nhằm hướng dẫn các cơ quan, thành phố chuẩn bị kế hoạch tổng thể về TPTM để có thể tối đa hóa việc sử dụng công nghệ, cả trong việc cải thiện dịch vụ công và thúc đẩy tiềm năng ở mỗi khu vực.
Phong trào hướng tới 100 TPTM của Indonesia xác định TPTM sẽ có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, hệ thống giao thông tích hợp và hiệu quả, từ đó tăng tính di động của cộng đồng. Khái niệm TPTM cũng giúp chất lượng cuộc sống của mọi người dân tiếp tục được cải thiện, những ngôi nhà và tòa nhà sử dụng năng lượng hiệu quả, các tòa nhà thân thiện với môi trường và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
Wahyu Adi, lãnh đạo công ty viễn thông toàn cầu Alcatel-Lucent Enterprise (ALE) tại Indonesia cho biết công nghệ số đã thay đổi cách chính phủ cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp (DN), đặc biệt là trong đại dịch. Trong khi trước đây công dân thường phải đến các cơ quan công quyền để thực hiện các vấn đề như xin giấy phép kinh doanh và vận tải, thì các quy trình này hiện là kỹ thuật số.
Wahyu cũng cho biết một trong những trọng tâm của Indonesia lúc này là các TPTM, vốn chủ yếu dựa vào khả năng kết nối dễ dàng. Ông giải thích: “Khả năng kết nối dễ dàng sẽ giúp kết nối mọi người, đối tượng, thuật toán và quy trình một cách hiệu quả. Đó là chìa khóa quan trọng trong quá trình chuyển đổi TPTM”.
Các TPTM và các giải pháp thông minh được đưa ra, dựa trên các dự án công nghệ, đã trở thành một giải pháp cho nhiều vấn đề đô thị khác nhau. Tuy nhiên, các dự án đặt ra nhiều thách thức phức tạp. Theo phân tích, nhiều dự án trong số này thất bại vì một số lý do, như dự án xây dựng TPTM không phù hợp với điều kiện đô thị. Ngoài ra, phạm vi thực hiện quá rộng khi vẫn chưa thử nghiệm ở một khu vực hạn chế để khẳng định khả năng thành công.
Dự án xây dựng song cộng đồng dân cư sống trong các khu vực đó không cảm nhận được những tác dụng tích cực, trực tiếp từ các dự án này. Đặc biệt, nhiều dự án xây dựng TPTM tập trung quá nhiều vào phát triển công nghệ mà bỏ qua vấn đề quản trị và thay đổi tư duy của nguồn nhân lực. Thậm chí, các dự án còn thiếu các đánh giá về kết quả thực hiện, không bắt đầu từ giá trị cốt lõi mà tập trung vào giá trị gia tăng khi thực hiện. Dự án không mang lại tính bền vững.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia Sri Mulyani từng phàn nàn chính phủ có quá nhiều ứng dụng và điều này thật sự gây lãng phí tiền bạc. Theo thống kê, các bộ, ngành thuộc chính phủ Indonesia đã xây dựng tổng cộng 24.000 ứng dụng.
Tầm quan trọng của vấn đề liên thông dữ liệu
Tình trạng quá nhiều ứng dụng không chỉ làm cạn kiệt tài chính nhà nước mà vấn đề còn nằm ở chỗ mỗi cơ quan chính phủ phát triển riêng một ứng dụng và vô số ứng dụng không “nói chuyện” với nhau. Điều đó có nghĩa là các ứng dụng này không được nhiều người dân sử dụng để cải thiện cuộc sống của họ.
Để trả lời những thách thức đó, các dự án xây dựng TPTM cần phải có một cách tiếp cận toàn diện liên quan đến hầu hết mọi người. Hệ thống sáng tạo mở Living Lab đã có nghiên cứu về TPTM và đưa ra những giải pháp cho các thách thức mà nhiều tổ chức gặp phải khi xây dựng TPTM.
Sử dụng dữ liệu, Living Lab cố gắng giải quyết các vấn đề thông qua việc triển khai các giải pháp thông minh trong một khu vực cụ thể và trong một môi trường thực tế. Chương trình đang được thực hiện tại các khu vực Dago, Dipatiukur và Ganesha (DDG) nhỏ nhưng đông dân cư của Bandung, Indonesia. Chương trình tích hợp nhiều vấn đề vào một nền tảng để giải quyết và đánh giá kiểm soát.
DDG là một tổ hợp, tập trung các ngành nghề kinh doanh, giáo dục, DN vừa và nhỏ, dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Các vấn đề chính liên quan đến các dịch vụ quản lý năng lượng và chất thải, bãi đậu xe, đường phố thường xuyên tắc nghẽn do lượng xe cộ đông đúc.
Đối với tình trạng có quá nhiều ứng dụng, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani cho rằng cần phải biến các dữ liệu, ứng dụng thành một hệ thống dữ liệu duy nhất để có thể giảm chi phí hoạt động của chính phủ và tăng độ tin cậy của các ứng dụng. Bí quyết của việc này sẽ nằm ở bước tích hợp các ứng dụng giữa các bộ, ngành. Nhờ đó, hy vọng rằng các ứng dụng sẽ trở nên dễ quản lý hơn và mang lại lợi ích cao hơn.
“Không phải tất cả mọi đơn vị đều tạo ra các ứng dụng riêng không thể tương tác song vấn đề là cần có sự phối hợp, liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng này”, Bộ trưởng Sri Mulyani nói.
Ngoài ra, đối với các thách thức khác của TPTM, nền tảng web Living Lab đã nghiên cứu và đưa ra một vài giải pháp tháo gỡ, chẳng hạn như xây dựng một nền kinh tế thông minh, có thể tối đa hóa tiềm năng của các DN vừa và nhỏ, trong đó chìa khóa là số hóa các DN, giúp việc thu thập dữ liệu trở nên dễ dàng hơn để sau đó lập bản đồ theo cách tất cả các bên liên quan đều có thể dễ dàng truy cập. Living Lab có thể hoạt động như một cổng thông tin cho các hoạt động xung quanh khu vực.
Đối với vấn đề giao thông ùn tắc, hệ thống di chuyển thông minh sẽ giám sát lưu lượng giao thông, bãi đậu xe bất hợp pháp và các vi phạm giao thông khác. Trong khi đó, hệ thống môi trường thông minh sẽ giải quyết câu chuyện rác thải. Hệ thống sẽ theo dõi sự thành công của dự án 3Rs (tái sử dụng, giảm thiểu và tái chế) và sẽ sử dụng IoT để giám sát quản lý chất thải, như mức độ chất thải tại các điểm thu gom hoặc các thùng chứa chất thải đặc biệt.
Và cuối cùng, một vấn đề đặc biệt quan trọng là tính liên thông dữ liệu, để tất cả các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, DN, các tổ chức, học viện nghiên cứu và công dân, đều được cập nhật mọi thông tin, dữ liệu. Đây được xem là điều quan trọng đối với sự thành công của TPTM./.