Nâng cao hoạt động quản trị ĐMST trong DN có hoạt động KH&CN thông qua chương trình bồi dưỡng
Diễn đàn - Ngày đăng : 15:00, 11/11/2022
Thời gian qua, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng quản trị ĐMST trong DN được Chính phủ quan tâm và đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hạn chế nhất định, quá trình chuyển đổi số (CĐS) còn chậm, chưa thích ứng nhanh với sự thay đổi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bài viết này góp phần nhận dạng DN có hoạt động KH&CN, các loại hình ĐMST trong DN có hoạt động KH&CN; đồng thời đưa ra các yếu tố cơ bản của quản trị ĐMST theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO), từ đó đề xuất một số khuyến nghị nâng cao quản trị ĐMST trong DN có hoạt động KH&CN thông qua chương trình bồi dưỡng về quản trị ĐMST.
Nhận dạng DN có hoạt động KH&CN
Hoạt động KH&CN là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ KH&CN, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển KH&CN (Luật Khoa học và Công nghệ, 2013). Theo Luật DN (2020), DN là một tổ chức kinh tế, có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh. Do đó, các DN nói chung và DN có hoạt động KH&CN nói riêng phần lớn đều thực hiện quá trình sản xuất, kinh doanh (SXKD) và cung cấp dịch vụ nhằm mục đích sinh lời, tuy nhiên cũng có những DN hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Như vậy, DN có hoạt động KH&CN có thể được hiểu là DN có ít nhất một trong các hình thức biểu hiện sau (Hình 1):
Thứ nhất, là DN đã có giấy chứng nhận là DN KH&CN theo quy định của pháp luật. DN KH&CN là DN thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ KH&CN để tạo ra sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. DN KH&CN phải đáp ứng các điều kiện (Nghị định 13/2019/NĐ-CP): là DN được thành lập, đăng ký kinh doanh, tổ chức quản lý và hoạt động theo quy định của Luật DN; có năng lực thực hiện nhiệm vụ KH&CN; có doanh thu từ việc SXKD sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu.
Thứ hai, là DN đã có giấy chứng nhận là DN công nghệ cao. DN công nghệ cao là DN sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao, có hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao. DN công nghệ cao là DN phải đáp ứng được yêu cầu theo quy định của Luật Công nghệ cao (2008), quy định tại Luật Đầu tư (2020) và Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg về tiêu chí xác định DN công nghệ cao (thay thế Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Thứ ba, là DN có trích lập, hình thành quỹ phát triển KH&CN của DN. Quỹ có thể tổ chức dưới một trong hai hình thức: thành lập tổ chức không có tư cách pháp nhân và trực thuộc DN; không thành lập tổ chức Quỹ và do cán bộ của DN kiêm nhiệm thực hiện các hoạt động (Thông tư 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC). DN có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng quỹ đúng mục đích thành lập quỹ và thông báo việc thành lập quỹ cho cơ quan quản lý Nhà nước về KH&CN địa phương nơi đặt trụ sở chính của DN. Quỹ phát triển KH&CN của DN được chi cho các hoạt động hỗ trợ phát triển KH&CN theo Thông tư 05/2022/TT-BKHCN của Bộ KH&CN về hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của DN.
Bên cạnh đó, DN có hoạt động KH&CN là DN công nghệ số và các DN có dành kinh phí đầu tư nhằm đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa; kinh phí đầu tư phát triển KH&CN của DN được tính là khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động SXKD của DN.
Các loại hình ĐMST trong DN có hoạt động KH&CN
Theo OECD (2005, 2018), ĐMST là việc thực hiện một sản phẩm/dịch vụ hoàn toàn mới hoặc được cải tiến đáng kể về quy trình, kỹ thuật marketing hoặc một phương pháp tổ chức mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để tồn tại và phát triển, DN phải liên tục ĐMST (William R. Kerr, 2016), ĐMST cũng song hành với việc dự đoán nhu cầu của thị trường, cung cấp chất lượng hoặc dịch vụ bổ sung, tổ chức hiệu quả, nắm vững chi tiết và kiểm soát chi phí tốt hơn (EC, 1995; Alexandru Ionescu và cộng sự, 2015). Do đó, DN ĐMST được đặc trưng bởi mức độ nhận thức cao, tính linh hoạt và khả năng thích ứng với những biến động, khả năng tích hợp thành công với thời gian và chi phí tối thiểu.
Tại Việt Nam, thuật ngữ ĐMST (Innovation) được sử dụng phổ biến trong Chương trình đối tác ĐMST Việt Nam - Phần Lan (IPP). Một số nhà nghiên cứu đã sử dụng từ tương đương "Innovation" trong tiếng Việt là "đổi mới" hay "đổi mới sáng tạo". Theo IPP (2013), ĐMST là việc sử dụng tri thức phù hợp làm tăng giá trị cho các sản phẩm và dịch vụ mới. Ở cấp độ quốc gia, ĐMST gắn liền với hệ thống ĐMST quốc gia (NIS); còn ở cấp độ DN, ĐMST là quá trình tạo ra các sản phẩm, quy trình mới, phương thức mới về tổ chức, quản lý và tiếp cận thị trường đáp ứng tốt các yêu cầu của khách hàng và được xã hội thừa nhận.
Quá trình ĐMST bao gồm tập hợp các hoạt động tương tác được lặp đi lặp lại theo thứ tự phi tuyến tính nhằm đạt được mục tiêu ĐMST. Theo Luật KH&CN (2013), ĐMST (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.
Như vậy, ĐMST trong DN có hoạt động KH&CN được hiểu là hoạt động ĐMST của DN để thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ KH&CN, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển KH&CN. ĐMST được chia ra làm bốn loại (OECD, 2005): ĐMST sản phẩm, ĐMST quy trình, ĐMST quản lý/tổ chức, ĐMST tiếp thị.
ĐMST sản phẩm là việc đưa ra sản phẩm hoàn toàn mới, hoặc sản phẩm có những cải tiến về tính năng hoạt động hay mục đích sử dụng. Ví dụ cải tiến về tiêu chuẩn kỹ thuật, vật liệu sử dụng, phần mềm tích hợp,... ĐMST sản phẩm có thể dựa vào kinh nghiệm, kiến thức hoặc dựa vào cách thức áp dụng mới hay kết hợp với những kiến thức và công nghệ hiện có. ĐMST sản phẩm mang lại lợi ích về năng suất của DN bằng cách tạo ra một nguồn nhu cầu tiềm năng có khả năng làm tăng hiệu ứng quy mô hoặc yêu cầu ít đầu vào hơn so với các sản phẩm cũ (Burcu Fazhoglu, 2016), đồng thời cho phép DN có được sản phẩm mới hoặc sản phẩm được cải thiện tới thị trường trước các đối thủ cạnh tranh (Distanont & Khongmala, 2018). ĐMST sản phẩm của DN có thể được đo lường theo các tiêu chí sau:
- DN có đưa ra được các sản phẩm mới mà lần đầu tiên có trên thế giới và khu vực?
- DN có đưa ra thị trường sản phẩm hoàn toàn mới so với các đối thủ cạnh tranh?
- DN có đưa ra thị trường các sản phẩm mới mà trước đây DN chưa sản xuất?
- DN có thường xuyên bổ sung thêm sản phẩm mới vào chủng loại sản phẩm hiện tại?
- DN có thường xuyên cải tiến và nâng cao chất lượng các sản phẩm?
ĐMST quy trình là việc áp dụng một phương pháp/cách thức sản xuất mới. ĐMST quy trình bao gồm các thay đổi một cách căn bản trong phương thức sản xuất, thiết bị, máy móc hay phần mềm. ĐMST quy trình có thể được tiến hành nhằm giảm chi phí sản xuất hay phân phối, nâng cao chất lượng sản phẩm hay tạo ra/cung ứng sản phẩm mới. ĐMST quy trình của DN có thể được đo lường theo các tiêu chí sau:
- DN có phương pháp sản xuất mới để sản xuất sản phẩm?
- DN có thường xuyên cải tiến phương pháp sản xuất để sản xuất sản phẩm?
- DN có thường xuyên có cải tiến đáng kể hoặc có phương pháp mới trong cung ứng, vận chuyển cung cấp đầu vào cho sản xuất sản phẩm?
- DN có thường xuyên có cải tiến đáng kể hoặc có hoạt động hỗ trợ mới cho các quá trình sản xuất kinh doanh như hệ thống bảo trì, các hoạt động mua sắm?
- DN có luôn sáng tạo trong các phương pháp sản xuất kinh doanh?
- DN có thường xuyên cải tiến, sử dụng công nghệ mới so với công nghệ hiện tại?
ĐMST quản lý/tổ chức là việc áp dụng phương pháp/cách thức quản lý/tổ chức mới trong việc thực hiện các hoạt động của DN. Chúng có mối quan hệ chặt chẽ với đổi mới cơ cấu tổ chức và quy trình quản lý, từ đó dẫn tới việc áp dụng cách thức quản lý mới hiệu quả; làm tăng hiệu quả của DN thông qua giảm chi phí giao dịch và thủ tục hành chính, cải thiện các mối quan hệ với bên ngoài để nâng cao năng lực, kiến thức, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và hiệu quả công việc; đồng thời giúp DN giảm chi phí hành chính hoặc chi phí giao dịch, cải thiện sự hài lòng và gia tăng năng suất lao động, làm tăng tính linh hoạt của DN (Burcu Fazhoglu và cộng sự, 2016). ĐMST quản lý/tổ chức có thể được đo lường theo các tiêu chí sau:
- DN có luôn cải tiến, điều chỉnh về cơ cấu tổ chức để nâng cao hiệu lực quản lý?
- DN có luôn áp dụng các phương pháp quản trị mới (ví dụ quản trị chuỗi cung ứng, thiết kế mô hình hoạt động, quản trị tri thức, sản xuất sạch, quản trị chất lượng)?
- DN có luôn thực hiện phương pháp mới trong tổ chức lao động và ra quyết định?
- DN có luôn áp dụng phương pháp mới để thúc đẩy mối quan hệ đối ngoại với các tổ chức hoặc DN khác (ví dụ sử dụng liên minh, đối tác, dịch vụ bên ngoài)?
ĐMST về tiếp thị/marketing là việc áp dụng cách thức/phương pháp tiếp thị mới liên quan đến những thay đổi trong thiết kế mẫu mã, bao gói sản phẩm, phân phối sản phẩm, truyền thông và định giá sản phẩm. ĐMST tiếp thị tập trung vào việc xác định nhu cầu của khách hàng, tìm kiếm thị trường mới, định vị sản phẩm mới nhằm tăng doanh thu/lợi nhuận; đồng thời đổi mới tiếp thị có quan hệ mật thiết với sản phẩm, giá cả, phân phối và truyền thông.
ĐMST tiếp thị làm gia tăng sự hài lòng của khách hàng cũng như trực tiếp hướng sự quan tâm của khách hàng tới DN, giúp DN thích ứng hơn với sự thay đổi của các điều kiện thị trường; đồng thời giúp việc bán hàng và phân phối sản phẩm được hiệu quả hơn (Gurhan Gunday và cộng sự, 2011; Burcu Fazhoglu và cộng sự, 2016). ĐMST tiếp thị có thể được đo lường theo các tiêu chí sau:
- DN có luôn tích cực tìm kiếm và phát triển được nhiều thị trường mới trong thời gian qua?
- DN có thay đổi cơ bản về thiết kế thẩm mỹ hoặc bao bì cho sản phẩm?
- DN có luôn áp dụng công nghệ mới hoặc phương tiện truyền thông mới để khuếch trương sản phẩm (ví dụ áp dụng các kênh quảng cáo trực tuyến mới, hình ảnh thương hiệu mới, bán hàng qua mạng)?
- DN luôn có phương pháp mới trong bán hàng hay trong phân phối sản phẩm (ví dụ lần đầu thực hiện bán hàng trực tiếp, phân phối độc quyền)?
- DN có luôn áp dụng phương pháp mới trong định giá sản phẩm, dịch vụ (ví dụ lần đầu sử dụng phương pháp định giá dựa vào đánh giá nhu cầu, các hệ thống giảm giá)?
Các yếu tố cơ bản của quản trị ĐMST trong DN theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO)
Quản trị ĐMST sẽ giúp DN có sự điều chỉnh phù hợp cho việc phân bổ nguồn lực, sản phẩm, quá trình thực thi để thích nghi với sự bất định của môi trường; đồng thời quá trình quản trị ĐMST phụ thuộc nhiều vào tầm nhìn, định hướng chiến lược của DN, kế hoạch hành động để hiện thực hóa mục tiêu ĐMST và đặc biệt cần sự quyết tâm của lãnh đạo cấp cao (Kowang, 2015). Đây được coi là một phần quan trọng, được tích hợp trong hoạt động quản lý chung của DN, là yếu tố thúc đẩy định hướng chiến lược của DN, là nền tảng thiết lập các chính sách, mục tiêu, chiến lược, quá trình nhằm hỗ trợ để đạt được mục tiêu ĐMST của DN thông qua việc lập kế hoạch, vận hành, tổ chức thực hiện, kiểm soát và đánh giá hiệu suất.
Tiêu chuẩn quốc tế là tiêu chuẩn do một tổ chức tiêu chuẩn quốc tế hoặc tổ chức quốc tế có hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn công bố. ISO (International Organization for Standardization) là một tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế độc lập, phi chính phủ được đặt tại Geneva (Thụy Sĩ). Theo ISO 56002 (2019), sự thành công của ĐMST thông qua bốn động lực chính: sự hợp tác sáng tạo (creative collaboration), tư duy ĐMST (innovation mind-set), hệ thống công việc (systems of work) và văn hóa ĐMST (innovation culture). Theo đó, hệ thống quản lý ĐMST trong DN (IMS) bao gồm các yếu tố và tương tác cần thiết để thiết lập khả năng ĐMST của DN nhằm mục tiêu đạt được ĐMST một cách hiệu quả và bền vững. Các yếu tố cơ bản của IMS gồm:
- Bối cảnh của DN: DN xác định các yếu tố bên trong và bên ngoài có ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu ĐMST của DN. Chúng bao gồm các cơ hội, mối đe dọa, những điểm mạnh điểm yếu của DN.
- Lãnh đạo: nhà quản trị cấp cao thể hiện sự cam kết đối với IMS, trong đó thiết lập một tầm nhìn, chiến lược và chính sách ĐMST, đồng thời xác định vai trò và trách nhiệm cần thiết của các bộ phận liên quan.
- Lập kế hoạch: từ tầm nhìn và cam kết của nhà quản trị cấp cao, DN xác định các hoạt động cụ thể để tận dụng các cơ hội và né tránh các rủi ro. Qua đó, DN thiết lập các mục tiêu ĐMST và kế hoạch để đạt được mục tiêu, ví như các nguồn lực cần thiết, mô hình tổ chức của DN, danh mục đầu tư ĐMST.
- Hỗ trợ: các hỗ trợ cần thiết để thiết lập IMS, ví như nguồn nhân lực, tài chính và các nguồn lực khác, khả năng nhận thức, công cụ và phương pháp, chiến lược quản trị tài sản trí tuệ của DN.
- Các hoạt động triển khai: xây dựng các dự án, chương trình hoặc các hoạt động khác để triển khai các quá trình ĐMST phù hợp với mong muốn, mục tiêu trong DN.
- Đánh giá hiệu suất: Đánh giá hiệu suất của IMS bằng các chỉ số ĐMST liên quan theo tầm nhìn, kế hoạch và mục tiêu của DN.
- Cải thiện: Dựa trên đánh giá hiệu suất của IMS, DN thực hiện các cải tiến liên tục, trong đó, tập trung vào cải tiến, điều chỉnh liên quan tới các yếu tố như bối cảnh, lãnh đạo, lập kế hoạch, hỗ trợ, hoạt động triển khai.
Thực tế cho thấy, IMS hiệu quả bị tác động bởi các hệ thống quản lý khác trong DN. Do đó, IMS có thể được tích hợp ở nhiều cấp độ khác nhau. IMS được tích hợp với các tiêu chuẩn hệ thống quản lý khác, giúp DN cân bằng việc khai thác các sản phẩm, dịch vụ và hoạt động hiện có với việc thăm dò và tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ mới thông qua hoạt động ĐMST (Hà Minh Hiệp, 2019). Các yếu tố khác nhau của một hệ thống quản lý DN, bao gồm IMS có thể được tích hợp thành một hệ thống quản lý duy nhất, hay còn gọi là hệ thống quản lý tích hợp.
Tóm lại, quản trị ĐMST trong DN có hoạt động KH&CN được hiểu là quá trình lập kế hoạch, tổ chức hoạt động, tạo động lực, kiểm soát các nguồn lực về hoạt động ĐMST của DN nhằm mang lại giá trị, đạt được mục tiêu của DN ở trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trong điều kiện môi trường luôn biến động và khó lường.
Một số khuyến nghị nâng cao hoạt động quản trị ĐMST trong DN có hoạt động KH&CN thông qua chương trình bồi dưỡng
Mặc dù đến nay, đã có một số chương trình bồi dưỡng hướng tới việc nâng cao năng lực quản trị ĐMST trong DN nói chung, DN có hoạt động KH&CN nói riêng. Các chương trình được triển khai với nhiều hình thức khác nhau (trực tiếp, trực tuyến, phối hợp giữa trực tiếp và trực tuyến), có sự tham gia của nhiều tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học và đã đạt được những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, các chương trình bồi dưỡng chưa thực sự xuất phát từ đặc điểm của DN có hoạt động KH&CN, chưa dựa trên các tiêu chí đánh giá hoạt động ĐMST theo loại hình; chưa gắn kết với nhu cầu thực tiễn của DN có hoạt động KH&CN và hệ thống quản trị ĐMST theo tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy, trong thời gian tới, để nâng cao hoạt động quản trị ĐMST trong DN có hoạt động KH&CN thông qua chương trình bồi dưỡng thì cần thiết phải thiết kế chương trình với các chuyên đề/module đồng bộ, dựa vào nhu cầu, đặc điểm, bối cảnh của DN có hoạt động KH&CN, cụ thể:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của DN có hoạt động KH&CN về sự cần thiết phải xây dựng chương trình bồi dưỡng quản trị ĐMST theo nhu cầu thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
Chương trình bồi dưỡng quản trị ĐMST bao gồm các thủ tục, quy tắc, nguồn lực có thể huy động để phục vụ cho hoạt động KH&CN nhằm mang lại giá trị thông qua ĐMST, đạt được mục tiêu quản trị ĐMST của DN. Chúng có thể bao gồm các module/chuyên đề bồi dưỡng gắn với thứ tự, thời gian, nội dung và phương pháp bồi dưỡng, đánh giá nhằm bổ sung, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người lao động của DN.
Do đó, xây dựng chương trình bồi dưỡng để bổ sung, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc cho người lao động (nhà quản trị cấp cao, cấp trung, cấp cơ sở và nhân viên) dựa trên nhu cầu của DN nhằm đưa hoạt động KH&CN trở nên thiết thực hơn, góp phần cải thiện năng suất, chất lượng và kết quả sản xuất, kinh doanh của DN trong điều kiện môi trường luôn thay đổi.
Việc bổ sung, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng về quản trị ĐMST là cần thiết và phụ thuộc nhiều vào vị trí công việc của người lao động trong DN bên cạnh những kiến thức chung về quản trị ĐMST (Hình 3). Nhà quản trị cấp cao là nhà quản trị đứng đầu DN, chịu trách nhiệm điều hành, phối hợp các hoạt động chung, chịu trách nhiệm về đường lối, chiến lược, tổ chức hoạt động của DN trong hoạt động ĐMST và chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất, kinh doanh của DN. Nhà quản trị cấp trung gian là người đứng đầu một bộ phận, một đơn vị trong DN, là người chịu trách trước nhà quản trị cấp cao trong phạm vi hoạt động ĐMST được phân công. Nhà quản trị cấp cơ sở là nhà quản trị ở cấp bậc thấp nhất trong hệ thống cấp bậc của các nhà quản trị trong DN, hay nói cách khác, nhà quản trị cấp cơ sở là nhà quản trị thực thi công việc cụ thể trong hoạt động ĐMST của DN.
Thứ hai, xác định nhu cầu thực tiễn và xây dựng chương trình bồi dưỡng quản trị ĐMST của DN có hoạt động KH&CN nên được thực theo quy trình sau (Hình 4):
Bước 1 - Khảo sát, xác định nhu cầu: Tiến hành nghiên cứu, khảo sát để xác định nhu cầu, mong muốn của DN. Từ đó xác định các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng cần đạt của khóa bồi dưỡng quản trị ĐMST đối với kỹ sư, nhân viên và các nhà quản trị của DN.
Bước 2 - Xây dựng mục tiêu và kết quả đầu ra: Trên cơ sở nhu cầu của DN, tiến hành xây dựng mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và đưa ra yêu cầu về kết quả đầu ra của chương trình bồi dưỡng quản trị ĐMST.
Bước 3 - Xác định cấu trúc, khối lượng kiến thức: Trên cơ sở nhu cầu và mục tiêu của chương trình, tiến hành xác định cấu trúc, khối lượng kiến thức cần thiết của chương trình bồi dưỡng quản trị ĐMST nhằm bảo đảm mục tiêu bồi dưỡng và yêu cầu về kết quả đầu ra của chương trình bồi dưỡng.
Bước 4 – Đối chiếu với các chương trình đã có: Tiến hành phân tích, đối chiếu, so sánh với các chương trình bồi dưỡng cùng nội dung, hoặc tương tự của các cơ sở đào tạo trên cơ sở tổng quan các chương trình đã triển khai ở trong nước và nước ngoài, từ đó xác định khối lượng kiến thức cần thiết và hoàn thiện chương trình bồi dưỡng quản trị ĐMST trong DN có hoạt động KH&CN.
Bước 5 - Thiết kế đề cương chi tiết các module/chuyên đề: Trên cơ sở nhu cầu, mục tiêu, yêu cầu kết quả đầu ra, khối lượng kiến thức và đối chiếu với các chương trình đã có, tiền hành xác định về số lượng module/chuyên đề, thời gian, hình thức bồi dưỡng cho DN có hoạt động KH&CN về quản trị ĐMST (khối lượng kiến thức chung, kiến thức dành riêng cho từng nhà quản trị của DN).
Bước 6 - Tổ chức hội thảo lấy ý kiến: Trên cơ sở xác định lượng module/chuyên đề, thời gian, hình thức bồi dưỡng cho DN có hoạt động KH&CN về quản trị ĐMST, tiến hành tổ chức hội thảo lấy ý kiến từ DN, các chuyên gia, nhà khoa học, các giảng viên, các nhà quản lý trong và ngoài cơ sở đào tạo, đại diện DN có người tham gia chương trình bồi dưỡng. Kết quả tổng kết của hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện Chương trình bồi dưỡng quản trị ĐMST trong DN có hoạt động KH&CN.
Bước 7 - Hoàn thiện dự thảo chương trình: Trên cơ sở phân tích, tiếp thu các ý kiến phản hồi của DN, các chuyên gia, nhà khoa học, các giảng viên sẽ tiến hành hoàn thiện dự thảo chương trình; đồng thời kết hợp với việc bồi dưỡng thử nghiệm để rà soát, hoàn thiện, thống nhất chương trình cho DN có hoạt động KH&CN về quản trị ĐMST.
Bước 8 - Đánh giá và cập nhật nội dung. Để tài liệu không bị lỗi thời và gắn với thực tiễn, trong quá trình bồi dưỡng luôn phải thường xuyên cập nhật, hoàn thiên nội dung chương trình bồi dưỡng, phương pháp giảng dạy dựa trên yêu cầu của kỹ sư, nhân viên, các nhà quản trị của DN và tình hình thực tế SXKD của DN có hoạt động KH&CN.
Trên cơ sở các nội dung thống nhất của chương trình, tiến hành xây dựng chi tiết các module/chuyên đề của chương trình bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu của DN. Ngoài ra, các vấn đề về trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng quản trị ĐMST trong DN có hoạt động KH&CN cũng cần được quan tâm để mang lại hiệu quả cao cho DN thực hiện ĐMST.
Thứ ba, các chuyên đề/module bồi dưỡng trong chương trình quản trị ĐMST cần được trang bị những kiến thức về quản trị ĐMST theo vị trí việc làm của người lao động trong DN.
Đối với tất cả người lao động trong DN cần nắm được những kiến thức chung về quản trị ĐMST, như các loại hình, mô hình ĐMST, mối quan hệ giữa ĐMST với việc nâng cao năng suất lao động. Các sản phẩm mới với công nghệ được cải tiến sẽ cho phép nâng cao năng suất lao động hoặc nâng cao số lượng đầu ra được sản xuất trên một đơn vị đầu vào; các quy trình sản xuất mới được thiết kế hợp lý và khoa học hơn sẽ cho phép tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất, từ đó giảm chi phí đầu vào để tăng năng suất lao động; các phương pháp marketing mới thúc đẩy nghiên cứu thị trường, nắm bắt nhu cầu khách hàng và tìm kiếm thông tin về thiết kế sản phẩm mới với năng suất và tính năng vượt trội, đáp ứng nhu cầu khách hàng; các phương pháp quản lý, tổ chức mới cho phép nâng cao hiệu lực quản lý từ đó tác động tích cực đến cải tiến năng suất sản phẩm và dịch vụ.
Đối với các nhà quản trị trong DN, cần xác định rõ được vị trí, vai trò của ĐMST đến việc duy trì và phát huy lợi thế cạnh tranh; hiểu rõ các cách thức xác định mục tiêu chiến lược, tác nghiệp của ĐMST; có kiến thức, kỹ năng trong đánh giá, lựa chọn công nghệ phục vụ ĐMST; hiểu được hệ thống quản trị ĐMST theo Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO). Bên cạnh đó cần hiểu được quá trình chuyển đổi số, mức độ sẵn sàng cho sản xuất thông minh và các kỹ năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ phục vụ ĐMST của DN.
Thứ tư, việc chi tiết hóa các chuyên đề/module bồi dưỡng trong chương trình quản trị ĐMST cần quan tâm tới đặc điểm, bối cảnh của DN. Việc quan tâm tới đặc điểm, đặt bối cảnh của DN có hoạt động KH&CN với sự tương quan với một khung nguyên tắc chung trong quản trị ĐMST với mục tiêu hướng tới là đảm bảo việc xây dựng bền vững năng lực ĐMST, liên tục tạo ra và hiện thực hóa các giá trị mang lại cho DN và các đối tác của DN là cần thiết (Jin Chen và cộng sự, 2019), do đó việc xây dựng nguyên tắc cần đáp ứng theo các yêu cầu chung của một hệ thống hoạt động quản trị tốt, đó là tính toàn diện, tính nhất quán và đồng bộ.
Do đó, việc xây dựng các chuyên đề/module trong chương trình bồi dưỡng quản trị ĐMST trong DN cần hướng tới sự phù hợp, đảm bảo các nguyên tắc theo khung tích hợp của hệ thống quản trị ĐMST của DN (Hình 5).
Ngoài ra, các các chuyên đề/module được thiết kế phải bảo đảm được tính phù hợp của chương trình so với mục tiêu, đối tượng bồi dưỡng, thời gian thực hiện và yêu cầu của thực tiễn trong hoạt động KH&CN của DN; dựa vào nhu cầu của DN, bảo đảm tính khoa học, tính cân đối của chương trình về thời gian thực hiện đối các module, chuyên đề của hoạt động KH&CN, hướng tới việc nâng cao năng suất, chất lượng của DN; cần đảm bảo tính đặc thù của hoạt động KH&CN, các nội dung chương trình, tài liệu phải ngoài việc gắn với lý luận thì cần phù hợp với thực tiễn trong hoạt động SXKD của DN, hướng tới việc nâng cao kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng thực hành.
Bên cạnh đó, các chuyên đề/module cần hướng tới tính mở, có thể được bổ sung, thường xuyên cập nhật để nâng cao hoạt động KH&CN của DN; đồng thời các chuyên đề/module cần được trình bày khoa học, sử dụng ngôn ngữ chính xác để các nhà quản trị, các nhân viên của DN dễ dàng tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và vận dụng kiến thức ĐMST vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh./.
Tài liệu tham khảo:
1. Chương trình Đối tác ĐMST Việt Nam - Phần Lan (IPP, 2013), Tổng quan về đổi mới sáng tạo, Hà Nội.
2. Bộ KH&CN (2019), Quyết định số 1038/QĐ-BKHCN Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Bộ KH&CN, Hà Nội.
3. Hà Minh Hiệp (2019), Sản xuất thông minh trong Cách mạng công nghiệp 4.0, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.
4. Nguyễn Hữu Xuyên (2021), Quản lý sáng chế và công nghệ (Kiến tạo chính sách phục vụ đổi mới sáng tạo), NXB Khoa học và Kỹ thuật.
5. Alexandru Ionescu, Nicoleta Rossela Dumitru (2015), The role of innovation in creating the company's competitive advantage, "Stefan cel Mare" University of Suceava, Romania, Faculty of Economics and Public AdministrationEconomy, Business Administration and Tourism Department.
6. Burcu Fazhoglu et al, (2016), The Effect of Innovation on Productivity: Evidence from Turkish Manufacturing, MPRA Paper No. 75773.
7. Distanont, A. and Khongmalai, O. (2018). The role of innovation in creating a competitive advantage, Kasetsart Journal of Social Sciences (2018). p. 1-7.
8. Gurhan Gunday, Gunduz Ulusoy, Kemal Kilic, Lutfihak Alpkan (2011). Effects of innovation types on firm performance, Int. J. Production Economics 133 (2011). p. 662-676.
9. EC (European Commisstion) (1995). Green Paper on Innovation.
10. OECD/Eurostat (2005). Oslo Manual: Guidelines for Collecting and Interpreting Innovation Data, 3rd Edition. The Measurement of Scientific and Technological Activities. OECD Publishing. Paris.
11. OECD (2018). Promoting innovation in established SMEs. Parallel session 4. SME Ministerial Conference. 22-23 February 2018. Mexico City.
12. Kowang (2015), Innovation Management and Performance Framework for Research University in Malaysia, DOI:10.5539/ies.v8n6p32.
13. ISO 56002 (2019), Innovation management system: Guidance, first edition.
14. Jin Chen và cộng sự (2019), The routledge companion to innovation management, First published 2019, ISBN: 978-1- 138-60749-1 (hbk).
15. William R. Kerr (2016). Innovation and Business Growth. Moving to the Innovation Frontier. WPZ Research Frontier No. 3 (2016). p.41-53.
16. http://www.most.gov.vn/vn/Pages/Vanbanphapluat.aspx: Văn bản pháp luật liên quan tới đổi mới sáng tạo.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2022)