Các nước ASEAN chung tay hành động nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đại dương

Truyền thông - Ngày đăng : 10:40, 13/11/2022

Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Trong đó, khu vực Đông Nam Á đã nổi lên như một điểm nóng về ô nhiễm nhựa do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh mẽ.

Thực trạng đáng lo ngại

Theo thống kê, lượng rác nhựa thải ra ngoài đại dương đã đến mức báo động 100 triệu tấn, trong đó có 80-90% nguồn phát thải là ở đất liền. Vấn đề này thực sự nghiêm trọng hơn đối với các nước trong khu vực khi lượng nhập khẩu rác nhựa từ các nước phát triển vào khu vực tăng mạnh, nhất là sau khi nước láng giềng Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu chất thải vào đầu năm 2018.

Theo nhóm Bảo tồn Đại dương có trụ sở tại Mỹ, Đông Nam Á từ lâu đã là nguồn khởi phát lớn cho tình trạng ô nhiễm đại dương trên thế giới và nay bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 khiến rác thải nhựa trong khu vực tăng vọt. Chỉ riêng tại 6/10 quốc gia thành viên ASEAN, hơn 31 triệu tấn chất thải nhựa đã được tạo ra trong một năm.

Một nghiên cứu năm 2021 do EEF công bố cho thấy, trong số 10 quốc gia có vấn đề về ô nhiễm chất thải nhựa, có đến 5 quốc gia tại khu vực ASEAN. Đây cũng là những quốc gia đang bùng nổ nhu cầu về sản phẩm tiêu dùng nhưng thiếu cơ sở hạ tầng để xử lý rác thải, nhất là sự gia tăng của các loại túi nhựa.

Rác thải nhựa đang là thách thức lớn đối với tình trạng ô nhiễm đại dương, bờ biển, sông ngòi và các tuyến đường thủy nội địa khác, đồng thời ảnh hưởng đến sinh kế của các cộng đồng ven biển của các nước ASEAN. Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Hải dương học - Viện Khoa học Indonesia (LIPI) mỗi năm có khoảng từ 300 nghìn tấn đến 500 nghìn tấn rác nhựa thải ra biển của quốc gia này. Sự gia tăng đột ngột về chất nhựa dẻo sử dụng một lần trong đại dịch COVID - 19 cũng gây thêm áp lực cho các quốc gia đang cố gắng giải quyết thách thức này.

Theo Tiến sĩ Selva Ramachandran, Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Philippines cho biết, rác thải nhựa đại dương gây ra các chi phí lớn về môi trường, kinh tế và xã hội cho Philippines. Trong bối cảnh đô thị hóa, phát triển kinh tế và gia tăng dân số diễn ra nhanh chóng, rác thải nhựa ước tính sẽ tiếp tục gia tăng và gây ra nhiều thách thức đối với Philippines. Cuộc khủng hoảng ô nhiễm thải nhựa hiện nay đang đặt ra những yêu cầu cấp bách về những giải pháp xử lý bền vững.

Các nước ASEAN chung tay hành động nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đại dương - Ảnh 1.

Tại 6/10 quốc gia thành viên ASEAN, hơn 31 triệu tấn chất thải nhựa đã được tạo ra trong một năm.

Nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp

Trước thực trạng trên, các quốc gia Đông Nam Á đã và đang chuẩn bị kế hoạch hành động và lộ trình kinh tế tuần hoàn, trong đó ưu tiên các chính sách liên quan đến nhựa. Tuy nhiên, các nước không thể giải quyết các thách thức này một mình mà đòi hỏi những giải pháp xuyên biên giới. Năm 2019, ASEAN đã ra Tuyên bố Bangkok về chống nhựa biển.

Ngày 28/5/2021, ASEAN ban hành Kế hoạch Hành động chống rác thải biển giai đoạn 2021-2025 nhằm cung cấp chiến lược chung tập trung vào giải pháp cho vấn đề này Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cho rằng, kế hoạch Hành động chống rác thải biển của ASEAN là phản ứng của tập thể, hướng tới tương lai của các nước thành viên ASEAN, nhằm hỗ trợ các chính sách và nền tảng khu vực và huy động các nguồn lực để bổ sung cho các hành động quốc gia hiện có. Kế hoạch Hành động thể hiện một cột mốc quan trọng đối với ASEAN, thể hiện một cam kết tập thể mới, mạnh mẽ hơn thông qua các hành động khu vực, phù hợp với các chương trình nghị sự quốc gia nhằm giải quyết thách thức môi trường nghiêm trọng.

Cùng với các tuyên bố chung, các quốc gia trong khu vực ASEAN cũng đã có những giải pháp riêng để tháo gỡ tình hình. Năm 2022, Thái Lan chính thức cấm 4 loại đồ nhựa dùng một lần, bao gồm túi nilon mỏng có độ dày dưới 36 micron, hộp xốp đựng thực phẩm, ống hút nhựa và ly nhựa. Riêng ở Campuchia, nhiều siêu thị lớn đã áp dụng thu phí 0,1 USD/túi nhựa đựng hàng để giảm việc sử dụng túi nhựa. Tại Lào, nước này đang khuyến khích sử dụng túi tái chế tại khu vực công cộng, thay cho túi nhựa…

Là thành viên tích cực của ASEAN, vấn đề này cũng đang nhận được sự quan tâm của các nhà quản lý, địa phương, doanh nghiệp… tại Việt Nam. Mới đây, trong chương trình Thử thách tái chế rác thải nhựa Đông Nam Á do Mạng lưới Vườn ươm Doanh nghiệp, kết hợp cùng Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Liên minh xử lý chất thải nhựa tổ chức, ngoài 3 nước trong khối ASEAN (Indonesia, Philippines, Thái Lan), với sáng kiến bền vững Plastic People, công ty Plastic People (Việt Nam) đã trở thành 1 trong 5 đơn vị đổi mới xuất sắc nhất được lựa chọn từ thử thách này.

Sáng kiến Plastic People đưa ra đã giải quyết được bài toán thu gom và xử lý rác thải nhựa bền vững. Qua đó, tạo dựng niềm tin cho mọi người nâng cao nhận thức, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người thu gom nhựa và những đối tác cảm thấy nhựa là vật liệu tiềm năng.

Bên cạnh những sáng kiến, giải pháp đổi mới tập trung sáng chế và thu gom nhựa, Việt Nam còn triển khai nhiều chương trình hành động mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa. Trong đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với việc bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon. Trong Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025 và 75% vào năm 2030.

ASEAN đã và đang hướng tới sự bền vững bằng việc chuyển đổi cách thức cũng như việc sử dụng sản phẩm từ nhựa. Và để làm được điều đó, khu vực cần phải có các khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ hơn, với các mô hình kinh doanh sáng tạo hơn. Tuy nhiên, các chính phủ cần có những cơ chế chính sách cụ thể để thực thi kinh tế tuần hoàn nhằm giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư vào các mô hình sản xuất bền vững và giảm thiểu rác thải nhựa./.

PV