TPTM phải đảm bảo khả năng xử lý dữ liệu nhanh chóng và liền mạch
Đô thị thông minh - Ngày đăng : 16:32, 13/11/2022
Nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy tỷ lệ dân số thế giới sống ở các thành phố dự kiến sẽ tăng từ 55% lên 80% vào năm 2050. Trên thực tế, Ericsson ước tính rằng 37 tỷ cảm biến và điện thoại thông minh dự kiến sẽ được kết nối với mạng di động vào năm 2027. Để quản lý các mức độ đô thị hóa này, các nhà quy hoạch và quản lý thành phố đang chuyển sang sử dụng các công nghệ hiện đại và mạng tiên tiến, tận dụng Internet of Things (IoT) để hỗ trợ các giải pháp "TPTM".
Dữ liệu và khả năng xử lý dữ liệu nhanh chóng và liền mạch là yếu tố quan trọng đối với các TPTM, khả năng kết nối chính là mạch máu cho các thành phố. Việc sử dụng các thiết bị IoT đã tăng lên trong vài năm qua và số liệu từ Statista cho thấy sẽ có hơn 29 tỷ thiết bị IoT trên toàn thế giới vào năm 2030.
Lý do cho sự tăng trưởng nhanh chóng này là số lượng ứng dụng IoT trong những ngôi nhà thông minh, an ninh đường phố, giám sát nước, chăm sóc sức khỏe, chiếu sáng giao thông, kiểm soát giao thông và quản lý chất thải thông minh…
Theo Weaver Labs, một công ty chuyên về các giải pháp đổi mới trong chuỗi cung ứng viễn thông, những dự báo này rất đáng báo động trong lĩnh vực viễn thông vì hiện tại không có nghiên cứu điển hình nào có thể giải quyết vấn đề này. Một giải pháp khả thi được Weaver Labs đưa ra để đối phó với nhu cầu kết nối là mở cửa và đa dạng hóa chuỗi cung ứng viễn thông.
Xét cho cùng, TPTM là nói đến việc các thành phố sử dụng công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) và cơ sở hạ tầng viễn thông để nâng cao hiệu quả và chất lượng sống của người dân. Trong đó, vấn đề cốt lõi quan trọng khi nói về TPTM chính là sự kết nối. Theo Ủy ban Châu Âu (EC), kết nối đề cập đến tất cả các công nghệ và dịch vụ cho phép người dùng cuối kết nối với mạng truyền thông. Nó bao gồm khối lượng dữ liệu ngày càng tăng, các giao thức và tiêu chuẩn không dây và có dây, và các kết hợp khác. Nói cách khác, kết nối là cho phép mọi người, chính phủ và doanh nghiệp sử dụng các lợi ích của công nghệ số theo nhiều cách khác nhau.
Tuy vậy, sự kết nối sẽ không có và các ứng dụng sẽ không hoạt động trơn tru trừ khi các chiến lược phát triển TPTM dựa trên IoT lấy cơ sở dữ liệu (CSDL) làm nền tảng. Với việc TPTM có nhiều hệ thống IoT hoạt động, dữ liệu sẽ ngày càng nhiều lên. CSDL hiện đại sẽ có thể tự động hóa việc cung cấp thông tin chi tiết, hoạt động song song với các nền tảng dữ liệu thời gian thực, từ đó phân tích khối lượng lớn dữ liệu trên toàn thành phố, được thu thập thông qua các hệ thống IoT. Tất cả dữ liệu được nhập và xử lý trong thời gian thực, từ quy mô gigabyte đến petabyte và được phân phối để đảm bảo có thể đưa ra các quyết định quan trọng ngay lập tức.
Dữ liệu được xử lý trong thời gian dưới mili giây và hơn thế nữa, dữ liệu được xử lý mà không bị lỗi. Điều này cho phép các dịch vụ của thành phố được tối ưu hóa thông qua luồng dữ liệu thông minh và tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực từ năng lượng thông minh, môi trường bền vững đến an toàn an ninh công cộng… tất cả nhằm tạo ra một thành phố đáng sống.
Weaver Labs cho rằng trở thành một TPTM có nghĩa là các thành phố phải đặt phúc lợi của người dân và tăng trưởng kinh doanh làm trọng tâm chiến lược. TPTM là lời hứa về một nơi cung cấp các giải pháp số tốt nhất và cung cấp kết nối cho tất cả mọi người./.