Thủ tướng chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW

Truyền thông - Ngày đăng : 16:40, 14/11/2022

Để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho vùng Tây Nguyên, Chương trình hành động của Chính phủ sẽ có nhiều điểm mới về định hướng phát triển, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho vùng.

Sáng 14/11, tại Hà Nội, Bộ kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo về việc tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo thông tin từ buổi họp báo, Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20/11/2022. Tại buổi Họp báo công bố thông tin, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết Hội nghị sẽ diễn ra tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, với chủ đề "Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị. 

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Hội nghị sẽ công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW. Không những thế, Hội nghị sẽ có các hoạt động xúc tiến đầu tư. Theo đó, Hội nghị sẽ kêu gọi các nhà đầu tư, các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và quốc tế, các đối tác phát triển đồng hành với Chính phủ để đưa nền kinh tế Tây Nguyên đi lên, tăng trưởng vững mạnh theo hướng xanh, hài hòa và bền vững. Các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên sẽ được triển khai với sự chung sức của nhiều thành phần, từ các nhà đầu tư đến các hiệp hội và đối tác và các cơ quan Chính phủ.

Tây Nguyên được xem là một điểm tựa phát triển của miền Trung, vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, là nóc nhà của 3 nước Đông Dương về phát triển kinh tế. Quy mô kinh tế của vùng Tây Nguyên đang tăng nhanh. Một số sản phẩm nông sản chủ lực được sản xuất tại Tây Nguyên với quy mô lớn, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Tại Tây Nguyên, hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông đang được quan tâm đầu tư, vì thế sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng, và giữa vùng Tây Nguyên với cả nước đã được cải thiện mạnh mẽ. Một số địa phương là những điểm sáng phát triển kinh tế trong vùng và cả nước.

Tuy vậy, Tây Nguyên cũng đang gặp một số khó khăn, bất cập trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình lên Chính phủ, trong đó các quan điểm, mục tiêu luôn được bám sát, các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 23-NQ/TW được cụ thể hóa, nhằm quyết tâm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết đặt ra. 

Để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho vùng Tây Nguyên bứt phá, phát triển, Chương trình hành động của Chính phủ dự kiến sẽ có nhiều điểm mới về định hướng phát triển, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cũng như các giải pháp gắn với một số chủ trương lớn về xây dựng cơ chế chính sách đặc thù. Đây sẽ là cơ sở và là cơ hội cho vùng Tây Nguyên phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, đảm bảo xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại./.

HA