Giải bài toán thiếu hụt nhân lực an ninh mạng
An toàn thông tin - Ngày đăng : 19:13, 14/11/2022
An ninh mạng luôn là mối quan tâm hàng đầu đối với nhiều tổ chức chính phủ, doanh nghiệp (DN) và cá nhân trên khắp thế giới. Trong thời gian gần đây, ngành an ninh mạng (ANM) luôn đứng trong nhóm ngành hàng đầu về nhu cầu nhân lực. Theo báo cáo của tổ chức Chứng chỉ bảo mật hệ thống thông tin quốc tế, dù lực lượng nhân sự ANM thế giới tăng 25% trong năm 2020 với 3,5 triệu người, thì tính trên phạm vi toàn cầu vẫn thiếu hơn 3 triệu chuyên gia bảo mật. Đáng lưu ý, khu vực châu Á - Thái Bình Dương thiếu hụt trầm trọng khoảng 2 triệu chuyên gia.
Tại Việt Nam, vấn đề này cũng không phải ngoại lệ. Theo Cục ATTT (Bộ TT&TT), nguồn nhân lực ANM chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt tại địa phương. Theo khảo sát của CyberJutsu Academy thực hiện trên một cộng đồng bảo mật tại Việt Nam, số bài tuyển nhân sự bảo mật năm 2021 cao gần gấp 3 năm 2020. Riêng 4 tháng đầu năm nay, số lượng bài tuyển dụng đã bằng 70% so với cả năm trước đó và đang xu hướng tăng vọt những tháng gần đây, khi nhiều công ty mở rộng hoạt động sau thời gian gián đoạn vì COVID-19.
Chiến lược an toàn an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng nêu rõ, an toàn an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, là trụ cột quan trọng tạo lập niềm tin số vào sự phát triển thịnh vượng trong kỷ nguyên số.
Một trong những yếu tố cốt lõi để thực hiện được yêu cầu của chiến lược là nhân lực làm ANM. Thực tế cho thấy rất hiếm đơn vị, tổ chức nào, nhất là các đơn vị hành chính sự nghiệp có đủ nhân lực phục vụ cho công tác đảm bảo ATTT mạng. Do đó, nhiệm vụ cấp thiết là phải rút ngắn khoảng cách giữa lực lượng lao động và nhu cầu việc làm trong lĩnh vực an ninh mạng.
Cùng chung tay xây dựng lực lượng lao động ANM
Thực tế cho thấy lực lượng lao động trong lĩnh vực ANM lại luôn trong tình trạng thiếu hụt. Theo Cybersecurity Ventures, năm 2025 thế giới sẽ có 3,5 triệu việc làm về an ninh mạng, tăng 350% so với 8 năm trước.
Để giải quyết bài toán trên, trong nhiều năm qua, Microsoft đã hợp tác với các tổ chức chính phủ và DN trên thế giới để phát triển các chương trình kỹ năng an ninh mạng tại địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu riêng của từng khu vực.
"Cam kết của chúng tôi là xây dựng một đội ngũ chuyên gia an ninh mạng có thể nhanh chóng tham gia, hỗ trợ và thành công trong việc bảo vệ không gian mạng. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã tăng cường đầu tư vào an ninh mạng và mở rộng nỗ lực của mình trên phạm vi toàn cầu", Microsoft cho biết.
Tại hội thảo Phát triển nguồn nhân lực ANM (Cybersecurity Workforce Development) do Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức mới đây, Microsoft đã chia sẻ những sáng kiến và nỗ lực của mình nhằm phát triển nguồn nhân lực ANM trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng kết nối, điều đó có nghĩa là cơ hội cho tội phạm mạng cũng ở khắp mọi nơi. Trong khi đó, chúng ta cũng ghi nhận một khoảng cách rất lớn về kỹ năng và sự thiếu hụt nhân tài an ninh mạng trên toàn thế giới. Là một công ty công nghệ lớn, Microsoft có trách nhiệm hợp tác với các tổ chức, DN và cộng đồng, đào tạo và trang bị những kiến thức an ninh mạng từ cơ bản đến cao cấp cho tất cả mọi người trong xã hội.
Theo đó, Microsoft đang áp dụng phương pháp tiếp cận an ninh mạng cho các tổ chức và DN với 3 trụ cột chính là bảo mật ngay từ khâu thiết kế, cập nhật thường xuyên thông tin tình báo về mối đe dọa an ninh mạng và áp dụng nguyên tắc Zero Trust. Microsoft cũng xây dựng một danh mục đào tạo các kỹ năng bảo mật toàn diện, từ cơ bản đến nâng cao, từ trực tuyến đến trực tiếp, để giúp các tổ chức, DN và cộng đồng nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo mật.
"Vai trò của công nghệ dù có lớn đến đâu cũng sẽ có giới hạn. Đối với Microsoft, con người mới là nguồn sức mạnh lớn nhất. Đó là lý do vì sao chúng tôi không ngừng nỗ lực mở rộng các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng an ninh mạng đến với không chỉ các tổ chức và DN mà cả cộng đồng học sinh, sinh viên, phụ nữ, hay bất kỳ ai trên thế giới có mong muốn trở thành chuyên gia an ninh mạng hay đơn giản là có đủ kỹ năng tự bảo vệ mình trên không gian mạng", bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo.
Đầu năm 2022, Microsoft cùng với quỹ ASEAN Foundation triển khai Chương trình Đào tạo nâng cao kỹ năng ANM khu vực ASEAN (ASEAN Cybersecurity Skilling Program) với mục tiêu nâng cao nhận thức về các vấn đề an ninh mạng, từ đó góp phần chống lại tội phạm mạng trong khu vực thông qua việc phát triển nguồn nhân lực.
Chương trình này cung cấp các khóa đào tạo về an ninh mạng cho 560 giáo viên nguồn (ToT) là các nhà giáo dục và các điều hành viên tổ chức phi chính phủ ở Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Sau đó, các giáo viên nguồn này sẽ đào tạo lại cho 30.000 thanh niên, góp phần tạo ra một hệ sinh thái số an toàn trên toàn khu vực ASEAN.
Tại Việt Nam, Microsoft đã phối hợp cùng tổ chức The Dariu Foundation để triển khai chương trình Đào tạo nâng cao kỹ năng ANM khu vực ASEAN tại Việt Nam. Theo đó, chương trình đặt mục tiêu sẽ đào tạo cho 80 giáo viên nguồn, từ đó đào tạo tiếp cận và trang bị kiến thức/kỹ năng cho 4.000 thanh niên nông thôn, nhóm ít có cơ hội tiếp cận cơ hội giáo dục kỹ năng số, thanh niên đang tìm việc hoặc những người đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến mất việc làm.
Cũng trong năm 2022 vừa qua, Microsoft đã hợp tác với Quỹ Giáo dục Last Mile để cung cấp các suất học bổng về an ninh mạng cho ít nhất 25.000 sinh viên đến năm 2025. Microsoft cũng tiếp tục hợp tác với Girl Security để trao quyền cho trẻ em gái vị thành niên, phụ nữ và cộng đồng thiểu số thông qua các hoạt động giáo dục an ninh mạng và phát triển các kỹ năng quan trọng tại nơi làm việc./.