Long An ứng dụng công nghệ cao xây dựng nền nông nghiệp hiện đại
Truyền thông - Ngày đăng : 19:14, 14/11/2022
Theo UBND tỉnh Long An, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI chọn Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là 1 trong 3 chương trình đột phá. Kế thừa những kết quả của giai đoạn 2016 - 2020, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tập trung ứng dụng CNC vào 4 cây (lúa, rau, thanh long, chanh) và 2 con (tôm thẻ, bò thịt).
Năm 2025, có ít nhất 50% hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC hoạt động hiệu quả
Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết, định hướng của chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh là nhằm xây dựng vùng sản xuất nông sản chủ lực đạt tiêu chuẩn an toàn, hiệu quả và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thị trường.
Cụ thể, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, diện tích ứng dụng CNC trên cây lúa 60.000 ha, thanh long 6.000 ha, rau 2.000 ha, cây chanh 3.000 ha, chăn nuôi bò thịt và tôm nước lợ 100 ha. Đồng thời, xây dựng các vùng SXNN ứng dụng CNC (7 vùng lúa, 1 vùng chanh, 1 vùng thanh long) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, các mô hình điểm, mô hình nhân rộng ứng dụng CNC, trong đó, đẩy mạnh việc sử dụng giống lúa đạt cấp xác nhận, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, CNC, công nghệ hiện đại, tự động hóa, công nghệ số,... vào các khâu trong sản xuất; áp dụng quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp (DN) để bảo đảm đầu ra cho nông sản.
Phấn đấu lợi nhuận người dân trong vùng triển khai chương trình tăng ít nhất 10% so với ngoài vùng; Củng cố các tổ hợp tác, HTX hiện có và thành lập mới ở những nơi đủ điều kiện. Đến năm 2025, có ít nhất 50% HTX SXNN ứng dụng CNC hoạt động hiệu quả.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thanh Truyền cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp để hoàn thành các kế hoạch đề ra như đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh về chương trình, trong đó xây dựng chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền định kỳ hàng quý trên Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, hệ thống truyền thanh các cấp.
Đồng thời, củng cố, xây dựng và phát triển HTX, tổ hợp tác nông nghiệp ứng dụng CNC; tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC; sắp xếp bộ máy tổ chức và tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp ngành nông nghiệp bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, đáp ứng tốt nhiệm vụ; tăng cường công tác xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa; hỗ trợ đưa các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch điện tử.
Tỉnh cũng sẽ thu hút các DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp CNC, đưa công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, hỗ trợ các DN chứng nhận DN ứng dụng CNC nhằm nâng cao giá trị nông sản.
Cùng với đó, tập trung xây dựng chuỗi liên kết tăng giá trị sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ,... theo yêu cầu thị trường xuất khẩu; Tập trung chuyển đổi số trong nông nghiệp, trong đó tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản; Phát huy công tác dự báo, phân tích đánh giá, quản lý và phát triển thị trường nông sản.
Những điểm sáng trong ứng dụng CNC
Huyện Cần Đước, Cần Giuộc (tỉnh Long An) là 2 địa phương trọng điểm thực hiện Chương trình ứng ứng dụng CNC trên cây rau và con tôm. Theo đó, những năm qua, huyện Cần Đước, Cần Giuộc tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, khai thác tốt các tiềm năng sẵn có ở địa phương, tranh thủ các nguồn lực từ huyện đến tỉnh để hỗ trợ nông dân, HTX phát triển diện tích rau và tôm ứng dụng CNC.
Sau thời gian thực hiện, điểm nổi bật tại huyện Cần Đước và Cần Giuộc chính là xây dựng, duy trì và phát triển được nhiều HTX trồng rau ứng dụng CNC, góp phần thay đổi nhận thức của người dân từ trồng rau theo phương thức truyền thống sang ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Điển hình như HTX Rau an toàn Việt (xã Long Trạch, huyện Cần Đước), 7 ha rau của HTX đều được trồng theo phương thức hữu cơ. Với cách làm này, sản phẩm của HTX luôn được thị trường đón nhận, đặc biệt là bảo đảm được sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường.
Chị Nguyễn Thị Kim Thy (đại diện HTX Rau an toàn Việt) bày tỏ: "Với mong muốn đem đến cho khách hàng sản phẩm sạch, chất lượng và bảo vệ môi trường, HTX quyết định trồng rau hữu cơ. Thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt cỏ hoặc sâu thì HTX chọn cách làm truyền thống là cho công nhân nhổ cỏ, bắt sâu. Trường hợp sâu nhiều, HTX sẽ dùng lá khuynh diệp nấu lên rồi phun diệt trừ sâu. Dù tốn nhiều chi phí và thời gian hơn nhưng sản phẩm đạt hữu cơ 100% và được người tiêu dùng đón nhận. Trung bình, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 300 kg rau/ngày với giá 10.000 đồng/kg, tiêu thụ chủ yếu các siêu thị, cửa hàng rau sạch".
Ông Nguyễn Hồng Chương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Đước cho biết: Huyện được chọn ứng dụng CNC trên con tôm và rau. Cụ thể, trên rau, huyện đang củng cố, nâng chất lượng khoảng 500 ha rau ứng dụng CNC. Hiện nay, huyện có 19 HTX nông nghiệp, trong đó có 6 HTX sản xuất theo hướng CNC như HTX Rau an toàn Phước Hòa, HTX Rau an toàn Mười Hai... Những HTX này đều sản xuất theo hướng hữu cơ, có chiến lược sản xuất, kinh doanh rất rõ ràng, góp phần để huyện hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng vùng rau ứng dụng CNC./.