Xu hướng gia tăng startup công nghệ chống biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á

Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 16:52, 15/11/2022

Sự nóng lên toàn cầu và tàn phá môi trường đang gây nguy hiểm cho sức khỏe và hạnh phúc của con người trên toàn thế giới.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, các công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu ở Đông Nam Á đang có những cách sáng tạo để giải quyết vấn đề này.

Xung đột châu Âu gây ra cản trở chống biến đổi khí hậu

Là một phần của hiệp định khí hậu Paris năm 2015, hầu hết các quốc gia cam kết sẽ đẩy nhanh việc giảm phát thải khí nhà kính để hạn chế sự nóng lên của trái đất trong vòng dưới 2oC. Tuy nhiên, mọi thứ không diễn ra tốt đẹp như mong đợi. Xung đột Nga -Ukraine gần đây đã làm tăng giá dầu, khí đốt và than đá lên rất nhiều. Việc tăng giá nhiên liệu hóa thạch này gióng lên hồi chuông cảnh báo ở các vùng dễ bị tổn thương về khí hậu. Theo một báo cáo do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố, tổng lượng khí thải đã tăng lên đáng kể so với mức trước đại dịch.

Ở châu Âu, cả dầu và khí đốt đều đang ở rất gần mức giá cao nhất mọi thời đại. Gần đây, khí đốt tự nhiên đạt mức cao kỷ lục 335 € mỗi megawatt-giờ, có nghĩa là một số nhà máy điện thấy đốt than đá tiết kiệm hơn là khí đốt. Trong bối cảnh này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã đặt ra bài toán hóc búa về việc quản lý nhiệt độ và nhu cầu năng lượng tăng.

Bất chấp xung đột, các khu vực dễ bị tổn thương về khí hậu như Đông Nam Á vẫn tiếp tục dựa vào than và khí đốt làm nguồn năng lượng chính. Indonesia là quốc gia giàu tài nguyên, mong muốn sản xuất xanh nhưng than đá vẫn là nguồn năng lượng chính, một mặt hàng xuất khẩu chủ chốt và góp phần trực tiếp vào sự nóng lên toàn cầu. Philippines nhập khẩu hơn 80% lượng than mà nước này sử dụng để phát điện, trong khi Thái Lan là nước tiêu thụ lớn than, dầu và thậm chí khí đốt từ các nước khác khi trữ lượng của nước này cạn kiệt.

Xu hướng gia tăng startup công nghệ chống biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á  - Ảnh 1.

Theo báo cáo mới đây của ADB về hỗ trợ hệ sinh thái cho các startup, số startup môi trường (greentech) cũng đang tăng lên (Ảnh: adb.org)

Tại sao doanh nghiệp (DN) phải quan tâm đến biến đổi khí hậu?

Thực tế, chi phí đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu rất tốn kém. Nó có nguy cơ tạo ra hiệu ứng gợn sóng trong toàn bộ nền kinh tế, từ người tiêu dùng có thể phải đối mặt với chi phí bảo hiểm cao hơn cho đến các DN dựa vào thị trường hàng hóa ngày càng biến động. Ngoài việc tăng nhiệt độ, các đợt nắng nóng và độ ẩm sẽ làm tăng nhu cầu năng lượng, đồng nghĩa với việc phát triển nhiều hơn các nhà máy điện ở Đông Nam Á.

Cũng cần lưu ý rằng các nhà đầu tư đã đổ xô đầu tư vào các tài sản xanh với hy vọng tạo ra lợi nhuận cao hơn theo thời gian. Tuy nhiên, COP27 có khả năng sẽ kích thích ngành tài chính xanh, đặc biệt là khi một trong những mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh này là khuyến khích tài chính tư nhân để cho phép toàn bộ nền kinh tế chuyển đổi sang không phát thải ròng bằng 0.

Việc tích hợp công nghệ tiên tiến, gia tăng mối quan tâm về quy định đối với các tài sản phát thải cao và giá khí thải carbon tăng sẽ mở ra cơ hội mới cho các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ khí hậu. Đặc biệt, chi phí carbon tăng cao tạo ra cơ hội đáng kể cho các công ty có thể phát triển các sản phẩm và giải pháp có tín chỉ carbon (carbon credit).

Vai trò của startup công nghệ khí hậu ở Đông Nam Á trong giải quyết vấn đề

Ở Đông Nam Á, đầu tư vào công nghệ khí hậu đang tăng tốc khi một số tập đoàn và quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn vào các startup để phát triển các giải pháp giải quyết các thách thức về môi trường. Năm ngoái, Wavemaker Partners đã ra mắt một liên doanh công nghệ khí hậu có tên là Wavemaker Impacts vào tháng 10, trong khi Microsoft khởi động Thử thách công nghệ xanh Singapore (Singapore GreenTech Challenge) vào tháng 11.

Với việc giảm chi phí năng lượng mặt trời, các startup công nghệ khí hậu có thể tận dụng lợi thế của thị trường. Tại Philippines, Cleverheat đặt mục tiêu sử dụng năng lượng mặt trời thay vì điện để làm lạnh. Giá điện cắt cổ của quốc gia này đã góp phần làm cho tỷ lệ rau sau thu hoạch bị hư hỏng cao trong khoảng thời gian trước đây.

Sáng kiến của Cleverheat cho phép nông dân làm lạnh cây trồng của họ bằng cách sử dụng năng lượng nhiệt, dẫn đến ít chất thải hơn, tăng thu nhập cho nông dân và giảm lượng khí thải carbon.

Trong khi đó, East Ventures của Indonesia và tập đoàn địa phương Saratoga đã đầu tư 21,5 triệu USD vào Xurya, một startup về năng lượng tái tạo tập trung vào việc cho thuê các tấm pin mặt trời trên mái nhà. Hiện tại, hơn 50 công ty ở Indonesia sử dụng các tấm pin mặt trời của startup này trong các tòa nhà của họ.

Thúc đẩy việc sử dụng xe điện là một biện pháp khác để giảm việc đốt cháy carbon dioxide. Vào tháng 5/2022, Indonesia đã ký một thỏa thuận với Tesla để xây dựng một nhà máy pin và xe điện ở Trung Java. Chính phủ nước này đặt mục tiêu xuất khẩu 200.000 xe điện vào năm 2025, chiếm gần 20% tổng lượng xe xuất khẩu.

VinFast, một startup công nghệ của Việt Nam, mong muốn trở thành thương hiệu hàng đầu trong thị trường xe điện. Hoạt động của VinFast cũng phản ánh sự chú trọng của Việt Nam trong việc tích hợp công nghệ mới nổi với các cơ sở sản xuất của mình. VinFast có một nhà máy sản xuất trong nước với khả năng sản xuất khoảng 950.000 xe điện (EV) mỗi năm và hiện đang nhanh chóng mở rộng ra nước ngoài.

Startup công nghệ Đông Nam Á trong chống biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Trạm xạc xe điện Vinfast

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trở nên tồi tệ hơn ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, các startup công nghệ khí hậu tại Đông Nam Á đang mở đường cho một tương lai tươi sáng hơn bằng cách áp dụng kỹ thuật số và công nghệ sáng tạo để giải quyết các thách thức khí hậu toàn cầu. Những thành tựu và tác động của họ có khả năng mang lại lợi ích cho toàn bộ hành tinh và cứu khu vực khỏi sự hủy diệt hoàn toàn./.

Hoàng Linh