Tăng cường đầu tư, xây dựng hạ tầng số, nền tảng số thực hiện CĐS

Chính sách và chiến lược - Ngày đăng : 20:07, 15/11/2022

Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 4 diễn ra vào chiều 15/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV với 486/488 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Đối với lĩnh vực Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Quốc hội quyết nghị yêu cầu tiếp tục hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi số (CĐS); Thúc đẩy phát triển, khai thác dữ liệu số, dịch vụ số, nền tảng số Việt Nam; tăng cường đầu tư, xây dựng hạ tầng số, nền tảng số để thực hiện CĐS.

Tăng cường đầu tư, xây dựng hạ tầng số, nền tảng số thực hiện CĐS - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV

Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trong chỉ đạo, điều hành lĩnh vực phụ trách với những kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Tăng cường đầu tư, xây dựng hạ tầng số, nền tảng số để thực hiện CĐS

Đối với lĩnh vự TT&TT, Quốc hội quyết nghị yêu cầu tiếp tục hoàn thiện pháp luật về CĐS; Thúc đẩy phát triển, khai thác dữ liệu số, dịch vụ số, nền tảng số Việt Nam; tăng cường đầu tư, xây dựng hạ tầng số, nền tảng số để thực hiện CĐS.

Đồng thời, lĩnh vực có chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng số cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sớm ban hành và triển khai hiệu quả Đề án tăng cường, nâng cao năng lực CĐS từ Trung ương đến địa phương;

Lĩnh vực TT&TT cũng có giải pháp phát triển về số lượng và bảo đảm chất lượng nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin. Ban hành danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung của bộ, ngành, địa phương.

Năm 2025, lĩnh vực hoàn thành 100% các CSDL quốc gia cần ưu tiên triển khai để phục vụ phát triển Chính phủ số, chính quyền số, thúc đẩy CĐS quốc gia; Nghiên cứu đề xuất cơ chế thu phí từ việc khai thác dữ liệu để tái đầu tư, quản lý, vận hành, phát triển CSDL phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp (DN).

Lĩnh vực TT&TT đẩy nhanh thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, nhằm hỗ trợ cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo (với các thôn, bản đã có điện); trong đó, tăng cường xã hội hóa, huy động nguồn lực thực hiện các chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Tăng cường kiểm tra việc bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức, DN.

Quốc hội cũng yêu cầu, khẩn trương hoàn thiện pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tên miền, nội dung giải trí trên không gian mạng.

Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý hiệu quả các nền tảng xuyên biên giới, nhất là mạng xã hội

Cũng theo quyết nghị của Quốc hội, lĩnh vực ích cực phối hợp thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quảng cáo cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam; Có chính sách đẩy mạnh phát triển mạng xã hội trong nước, xây dựng văn hóa mạng lành mạnh, định danh người sử dụng; Rà soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động hậu kiểm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đăng tải tin giả, thông tin xấu độc trên mạng.

Lĩnh vực TT&TT cũng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến trang thông tin điện tử, mạng xã hội; Nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi cung cấp, sử dụng thông tin, ý thức, kỹ năng bảo vệ thông tin cá nhân khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng.

Quốc hội yêu cầu bảo đảm kết hợp giữa phòng, chống thông tin xấu độc với nâng cao khả năng sàng lọc, tăng "sức đề kháng" của người dân trước thông tin xấu độc; Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý báo chí, tăng cường thông tin kịp thời, khách quan, tích cực, hấp dẫn trên báo chí, phát huy tốt hơn nữa vai trò, hiệu quả tuyên truyền của báo chí trên không gian mạng.

Cùng với đó, lĩnh vực nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra, xác minh, điều tra và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng vi phạm quy định về nội dung thông tin; Tăng cường kiểm tra việc bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức, DN; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về thu thập, xử lý thông tin cá nhân./.

PV