Tương tác là mấu chốt của truyền thông hiện đại
Truyền thông - Ngày đăng : 08:10, 16/11/2022
Cùng nhau quản lý trên không gian mạng là nhu cầu cấp thiết
Tại Tọa đàm trực tuyến Bảo vệ doanh nghiệp (DN) trước tin giả, Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) chính phủ tổ chức ngày 15/11, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lê Quang Tự Do cho biết: Trung tâm xử lý tin giả của Cục PTTH&TTĐT được thành lập vào tháng 4/2021, lúc ấy là cao điểm về chống dịch COVID-19, đặc biệt là các tỉnh phía Nam.
Đến nay Trung tâm đã tiếp nhận gần 5.000 tin giả gửi đến và phân loại xử lý, đóng dấu tin giả được 50 tin. Có những tin không phải tin giả, mà là những tin xúc phạm nhân phẩm, danh dự, những tin cạnh tranh giữa các DN, chúng tôi đã chuyển đến những nơi khác để xử lý.
Ngoài ra, Cục cũng có những đường dây nóng để tiếp nhận những phản ánh, tổng đài điện thoại phối hợp với Viettel để tiếp nhận email cho người dân gửi đến. Số tổng đài hotline của Trung tâm xử lý tin giả là: 1800.8108.
Cục trưởng Lê Quang Tự Do cũng cho biết, ở các địa phương, Bộ TT&TT cũng đề nghị tổ chức tiếp nhận phản ánh của người dân, vì ngay trên địa bàn của mình, địa phương dễ xác minh và xử lý. Địa phương sẽ tiếp nhận qua Sở TT&TT và Văn phòng ỦBND, nơi phát ngôn cũng như là nơi chuyển cho các sở, ngành có liên quan để xử lý các thông tin đó.
Cục PTTH&TTĐT cũng có tài khoản, fanpage trên facebook để tiếp nhận. Đồng thời, có mạng lưới với các tỉnh thành, các bộ, ngành để tiếp nhận và xử lý tin giả. Người dân có thể gửi về Cục PT-TH&TTĐT, hoặc có thể gửi về các đầu mối ở sở hay văn phòng UBND. Cục cũng thường xuyên nhận phản ánh tin giả từ DN, tổ chức, trực tiếp từ các cá nhân, các cơ quan báo chí.
Ngoài ra, người dân, DN có thể gửi trực tiếp công văn về Cục PTTH&TTĐT, gửi đơn khiếu nại, thậm chí là tố cáo, Cục đều xử lý, mặc dù số lượng rất lớn.
"Hiện nay fanpage Thông tin Chính phủ trên facebook là nơi làm điển hình để giới thiệu với các địa phương về việc vừa thông tin, tuyên truyền trên mạng xã hội, vừa là nơi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của người dân. Ý tưởng kết hợp giữa Cục PTTH&TTĐT với Cổng TTĐT Chính phủ để sử dụng được những phản ánh của người dân qua fanpage là rất hay. Chúng tôi sẽ triển khai trong thời gian tới", ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TT&TT triển khai tổ chức Hội nghị toàn quốc về truyền thông chính sách trong tháng 11 hoặc đầu tháng 12/2022; đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực truyền thông chính sách cho các bộ, ngành, địa phương.
Bộ TT&TT cũng đang tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị tất cả các bộ, ngành, địa phương phải cùng tham gia quản lý thông tin trên không gian mạng, với phương châm mình đang quản lý lĩnh vực nào ở ngoài đời thực thì quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng. Do đó, việc cùng nhau quản lý trên không gian mạng là nhu cầu cấp thiết vì không gian mạng hiện nay là thế giới thứ 2 của loài người.
Nguyên lý truyền thông trong thời đại số là tính minh bạch
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Quốc Vinh, nhà báo, chuyên gia truyền thông cho rằng, tương tác là mấu chốt của truyền thông hiện đại, chúng ta phải chủ động tiếp cận người dân. Trong kỷ nguyên số, càng cởi mở bao nhiều thì càng tạo ra cơ hội tiếp xúc với công chúng, trực tiếp giải thích các vấn đề công chúng đang băn khoăn, lo lắng.
Nguyên lý truyền thông trong thời đại số là tính minh bạch. Tính minh bạch là chúng ta sẽ chủ động nói với công chúng ngay cả khi những điều công chúng chưa quan tâm đến. Chúng ta có thể đo lường được sắp tới mọi người sẽ quan tâm tới gì, lo lắng vì tin đồn gì thì chúng ta chủ động nói trước.
"Đừng bao giờ để đến khi công chúng thắc mắc một vấn đề gì đó họ phải tự đi tìm kiếm thông tin. Mình là người chủ động đưa ra thông tin ngay khi mình đo lường sức nóng vấn đề thì nó mới tạo ra niềm tin cho công chúng. Khi để họ băn khoăn, lo lắng đi tìm hiểu vài ba ngày, thậm chí vài ba tuần rồi mới trả lời thì ta đi sau truyền thông và lúc đó khó lấy lại niềm tin từ công chúng", ông Lê Quốc Vinh chia sẻ.
Ông Lê Quốc Vinh cho biết, truyền thông bây giờ là đi trước một bước, đi trước là dự báo được câu chuyện gì sẽ cần phải nói, thông tin gì sẽ cần phải nói. Có điều gì không phải là bí mật của DN, tổ chức thì phải đưa thông tin lên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các kênh truyền thông của chính mình như trên các trang điện tử, trang web, fanpage. Khi mà có vấn đề ta chọn dữ liệu, thông tin có sẵn đó để thông tin./.