Còn nhiều dư địa để mô hình “nhận lương linh hoạt” qua ứng dụng phát triển
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 08:13, 17/11/2022
Mô hình vẫn đang trong giai đoạn giáo dục thị truờng
Theo thông tin từ Nano, ứng dụng trả lương linh hoạt Vui App đã phát triển ấn tượng trong giai đoạn thị trường khó khăn, với hơn 100.000 cán bộ nhân viên (CBNV) tại các tập đoàn hàng đầu như FPT Retail, Central Retail, Family Mart, Kangaroo, Gỗ Trường Thành,… có thể nhận lương linh hoạt qua ứng dụng Vui App. Trung bình, một nhân viên nhận lương sớm 3,8 lần/tháng qua Vui App, cho thấy người lao động (NLĐ) thực sự có nhu cầu và sẵn sàng đón nhận phúc lợi thiết thực này. Nano đặt mục tiêu sớm phục vụ 500.000 NLĐ, đặc biệt trong thời kỳ vật giá leo thang hiện nay.
Còn với GIMO, tính đến thời điểm hiện tại, ứng dụng GIMO đã hợp tác với gần 80 công ty và phục vụ hơn 350.000 NLĐ trên cả nước. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, quy mô khách hàng, số tiền tạm ứng… đều đã tăng trưởng từ 5 - 10 lần so với năm 2021.
Đại diện Nano cho biết, hiện tại vẫn là giai đoạn đầu của mô hình "nhận luơng linh hoạt" tại Việt Nam. Những doanh nghiệp (DN) đã tiên phong áp dụng mô hình trả lương này là những DN đã nhận ra xu huớng và sẵn sàng áp dụng sáng kiến mới để tận dụng lợi thế cạnh tranh, đón đầu. Khi mà mô hình này đã rất thành công tại các nước phát triển và đang phát triển - những nơi các hoạt động này đã đi sâu vào đời sống, và các DN nào đi trước là nguời được hưởng lợi. Từ đó, các đơn vị này sẵn sàng trao quyền cho NLĐ, xây dựng tổ chức theo triết lý "không ai bị bỏ lại phía sau".
Đại diện Nano cũng đã đưa ra một vài đặc điểm của nhóm DN tiên phong ứng dụng mô hình này, đó là: Những tên tuổi lớn đang dẫn đầu trong lĩnh vực của mình; Những DN quan tâm chăm lo đời sống nhân viên, ưu tiên vấn đề phúc lợi; Những DN có lực lượng lao động lớn hay có nhu cầu tuyển dụng lớn để duy trì nhịp sản xuất; Những DN đang đón đầu nguồn lao động trẻ - thế hệ gen Z; Những DN đã có chính sách ứng lương truyền thống và có nhu cầu hiện đại hóa quy trình ứng lương.
Theo các chuyên gia, do kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, nên các nền tảng "nhận luơng linh hoạt" giống như một phúc lợi mới của DN dành cho NLĐ, thay vì tăng luơng hàng năm như truớc đây. Bởi vì, thời gian qua đã cho thấy các DN có nhu cầu rất lớn trong việc tăng phúc lợi cho NLĐ, đặc biệt trong thời kỳ COVID-19.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Bình Nam, CEO Opla CRM cho biết đã quan sát sự phát triển của mô hình "nhận luơng linh hoạt" nhưng duờng như nó phát triển chậm hơn mong đợi. Lý do cho điều này, ông Nam cho rằng, do mô hình này còn mới nên sẽ cần thời gian để "giáo dục" (educate) thị trường. "Cũng giống như bà bầu nào cũng cần 9 tháng mới có thể sinh em bé, mô hình này cũng phải cần 1, 2 năm để tạo các mô hình thành công để từ đó gây dựng niềm tin cho DN và đưa câu chuyện lan tỏa nhanh hơn", ông Nguyễn Bình Nam lý giải.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực B2B, một nguyên nhân khác có thể đến từ yếu tố kỹ thuật. Đó là việc tích hợp giữa hệ thống chấm công, chi trả lương với nền tảng chi trả/thanh toán của các nhà cung cấp như GIMO, Vui App…. không hề đơn giản và tốn nhiều thời gian để thực hiện, nên dẫn đến thời gian triển khai khá chậm trễ, làm giảm mức độ tiếp cận doanh nghiệp của mô hình.
"Việc này không phải không có sở cứ, khi mà thời gian qua, các ứng dụng này mới chỉ tiếp cận những doanh nghiệp lớn, có đông lao động, thay vì những DN vừa và nhỏ", vị chuyên gia này cho biết thêm.
Cùng quan điểm, theo ông Đoàn Hải Nam, Quản lý Chương trình Tăng tốc khởi nghiệp của ThinkZone Ventures, "nhận lương linh hoạt" vẫn là một mô hình mới ở Việt Nam. Do đó cần một thời gian nhất định để các startup "giáo dục" thị trường, để các DN Việt làm quen với các mô hình này. Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng cũng phụ thuộc vào nhu cầu của từng tập NLĐ khác nhau. Ví dụ, tập nhân viên văn phòng có thu nhập trung bình khá trở lên, có nhiều giải pháp tài chính từ ngân hàng, sẽ ít có nhu cầu ứng lương hơn so với tập NLĐ thu nhập thấp, chưa có tài khoản ngân hàng và khả năng quản lý tài chính không cao.
Từ thực tế triển khai của GIMO với các DN, tỷ lệ ứng lương khá cao cho thấy giải pháp của GIMO thực sự giải quyết được nhu cầu của NLĐ. "Bài toán giá trị sản phẩm đã được kiểm chứng, do đó vấn đề trước mắt của startup là "giáo dục" thị trường để mở rộng tệp khách hàng. Tôi tin rằng giải pháp này sẽ ngày càng phổ biến trong thời gian tới", ông Đoàn Hải Nam nói.
Sẽ phát triển bền vững vì đáp ứng được 3 trụ cột chính tham gia mô hình
Đánh giá về rào cản cho mô hình này ở Việt Nam, ông Đoàn Hải Nam khẳng định, bài toán lớn nhất là tìm kiếm nguồn vốn vay giá rẻ để ứng truớc cho NLĐ. Do bản chất mô hình là ứng lương, nên startup cần có nguồn vốn sẵn có để ứng cho NLĐ trước khi được DN thanh toán vào cuối tháng. Do nguồn vốn này thường là vốn vay nên startup cần tìm được đơn vị tài chính cho vay với lãi suất đủ thấp để tạo được lợi nhuận lâu dài cho DN.
Một số bài toán khác mà các startup chi lương linh hoạt phải đối mặt khi gia nhập thị trường Việt Nam bao gồm: "Giáo dục" thị trường nhằm thuyết phục các DN áp dụng giải pháp chi lương mới; Các quy định của Nhà nước về lĩnh vực công nghệ tài chính chưa thực sự rõ ràng, Áp lực cạnh tranh từ các công ty tương tự trên thị truờng.
Để giải quyết các bài toán này, startup cần: Tích cực thuyết phục các DN về lợi ích của mô hình ứng lương linh hoạt, xây dựng quy trình ứng lương phù hợp, thuận tiện để tạo trải nghiệm khách hàng tốt; Theo dõi cập nhật về các quy định mới, tham gia các chương trình thử nghiệm (sandbox) của các cơ quan pháp lý; Xây dựng sản phẩm và trải nghiệm khách hàng thật tốt, nhanh chóng mở rộng thị phần để dẫn đầu thị trường.
"Tôi tin rằng mô hình "nhận lương linh hoạt" sẽ phát triển bền vững tại thị trường Việt Nam, vì mô hình này tạo nên giá trị thật cho xã hội, giải quyết bài toán xã hội rất lớn là bài toán tín dụng đen cho NLĐ", ông Đoàn Hải Nam khẳng định.
Còn theo ông Nguyễn Bình Nam, mô hình này đã làm hài lòng cả 3 trụ cột bao gồm DN, NLĐ và nhà cung cấp dịch vụ. Vấn đề ở đây là giải pháp kỹ thuật, liên quan tới việc tích hợp, bảo mật giữa DN và nhà cung cấp còn nhiều rào cản. Các ứng dụng nhận lương linh hoạt phải xem mình là đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng lấy công nghệ là nền tảng thì việc đầu tư công nghệ mới được chú trọng và giúp tăng tốc nhanh hơn.
"Mô hình này đã thành công tại các nuớc phát triển, đang phát triển và là một xu huớng bền vững vì đáp ứng đuợc nhu cầu của cả 3 trụ cột tham gia chính", ông Nguyễn Bình Nam cho biết thêm.
Rào cản đến từ việc giáo dục thị trường và khung pháp lý tại Việt Nam
CEO Opla CRM cho rằng, mọi người đã chứng kiến những cuộc cạnh tranh từ nhiều nhà cung cấp dịch vụ trước khi ví điện tử trước khi bùng nổ và đạt được đỉnh điểm như bây giờ. Cả mô hình "mua truớc trả sau" (BNPL) và "nhận lương linh hoạt" đều còn nhiều dư địa. Vì vậy, ông Nam dự đoán cả 2 mô hình fintech mới này đều sẽ theo kịch bản tương tự, sẽ có nhiều hơn nhà cung cấp tham gia thị trường và có sự cạnh tranh khốc liệt. Để rồi, người tiêu dùng sẽ hưởng lợi nhiều trước khi thị trường đi vào bão hòa và chọn được người chiến thắng.
Ông Nguyễn Bình Nam khằng định, fintech ở Việt Nam không cần sáng tạo ra những mô hình mới mà chỉ cần tham khảo các mô hình đã thành công ở các nước phát triển và "nội địa hóa" cũng đã có rất nhiều thứ để làm. Tuy nhiên, khó khăn chính vẫn là rào cản công nghệ và hành lang pháp lý.
Bởi vì, các nước phát triển có sự phát triển đồng bộ về hạ tầng công nghệ từ chính phủ tới DN nên áp dụng công nghệ sẽ dễ dàng hơn. Còn tại Việt Nam, do hành lang pháp lý còn nhiều thủ tục rườm ra nên đã và sẽ tạo ra rào cản cực lớn cho fintech nói riêng hay bất kì mô hình công nghệ nói chung muốn phát triển.
"Tôi nghĩ cả DN, thị trường lẫn cơ quan quản lý biết rõ điều này nhưng chưa có sự phối hợp và thực thi hiệu quả nên kết quả đang còn hạn chế. Hy vọng trong thời gian tới sẽ thấy nhiều kết quả tích cực hơn", ông Nguyễn Bình Nam bày tỏ.
Trong khi đó, ông Đoàn Hải Nam cũng cho rằng, mô hình "nhận lương linh hoạt" và "mua trước trả sau" đều sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Điều này sẽ đuợc thể hiện ở số công ty gia nhập thị trường, số vốn đầu tư vào các công ty, và quan trọng nhất là từ thị trường cho nhu cầu với 2 mô hình này. Số lượng người dùng của 2 mô hình này ngày càng tăng cho thấy thị trường thực sự có nhu cầu.
Chưa kể, do đã được chứng minh ở các thị trường khác trên thế giới như Mỹ, Úc, Ấn Đô,... nên với Việt Nam, nhờ đặc điểm phát triển thị trường đi sau và tương đồng với các thị trường đó, khả năng cao cũng sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của 2 mô hình này.
Đại diện ThinkZone Ventures cho biết, các mô hình fintech mới phát triển ở Việt Nam đều sẽ gặp 2 bài toán lớn là giáo dục thị trường và khung pháp lý chưa hoàn thiện.
Để "giáo dục" thị trường, startup cần tích cực thể hiện giá trị mà sản phẩm của mình mang lại như "nhận lương linh hoạt" giúp NLĐ giải quyết nhu cầu tài chính phát sinh, còn BNPL giúp người tiêu dùng giảm áp lực tài chính khi mua sắm, thể hiện rằng giải pháp này đã được áp dụng rộng rãi và thành công trên thế giới (nếu có), và thiết kế trải nghiệm khách hàng thật tốt để khách hàng tin dùng.
"Quá trình có được những khách hàng đầu tiên sẽ rất khó khăn, nhưng dần dần khi thị trường đã quen dần và startup đã có những khách hàng lớn dùng sản phẩm, việc thuyết phục khách hàng mới sẽ dễ dàng hơn", ông Đoàn Hải Nam khẳng định.
Về bài toán hoàn thiện khung pháp lý, các startup cần tích cực đưa ra nguyện vọng, tiếng nói của mình thông qua các bài báo, diễn đàn, hội thảo,... để cơ quan pháp lý hiểu rõ bản chất mô hình, vấn đề hiện tại, và đưa ra được khung pháp lý phù hợp. Khi có chương trình sandbox thử nghiệm khung pháp lý mới, startup nên tích cực tham gia các chương trình này để giúp hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan./.