Thúc đẩy phát triển Du lịch chăm sóc sức khỏe nghỉ dưỡng tại Việt Nam

Truyền thông - Ngày đăng : 14:50, 17/11/2022

Tại Việt Nam, du lịch chăm sóc sức khỏe có nhiều tiềm năng và đã bước đầu phát triển mạnh do nhu cầu gia tăng du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Khách du lịch ở bất kỳ phân khúc thị trường nào cũng quan tâm tới hình thức du lịch an toàn, sản phẩm du lịch đảm bảo sức khỏe về tinh thần và thể chất. Đây là một trong những xu hướng sẽ có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường du lịch quốc tế và trong nước.

Tiềm năng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam

Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, với nhiều bãi tắm biển đẹp và thuận lợi cho du lịch nghỉ dưỡng. Các bãi tắm nổi tiếng từ Bắc đến Nam có thể kể đến như Trà Cổ, Hạ Long, Đồ Sơn, Cát Bà, Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Lăng Cô, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu, Phú Quốc... Ngoài ra, vùng ven biển có 2.773 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có nhiều bãi biển nhỏ, tĩnh lặng, an bình, rất phù hợp cho du lịch nghỉ ngơi, chữa bệnh.

Từ cuối thế kỷ thứ XIX đầu thế kỷ XX, người Pháp đã xây dựng nhiều khu nghỉ dưỡng kết hợp và chữa bệnh ở các khu vực như: Sa Pa, Mẫu Sơn, Tam Đảo, Bạch Mã, Bà Nà, Đà Lạt... Các khu nghỉ dưỡng này thường ở độ cao trên 1.000m so với mặt biển và được khách du lịch trong nước và quốc tế biết đến.

Việt Nam có nguồn tài nguyên nước khoáng phong phú, đa dạng, có giá trị sử dụng chữa bệnh, điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Ngành địa chất nước ta đã phát hiện khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng trên cả nước, trong đó đã điều tra, nghiên cứu và phân tích 287 nguồn và phân thành 11 loại khác nhau, vừa có tác dụng chữa bệnh, vừa có thể khai thác thành nước uống đóng chai phục vụ đời sống con người. Việt Nam là nơi hội tụ của hầu hết các loại nước khoáng chính được biết trên thế giới, nước khoáng của Việt Nam được mở rộng chữa trị với nhiều loại bệnh khác nhau. Những địa điểm có nguồn nước khoáng nóng này đã trở thành những nơi nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe được nhiều khách du lịch ưa chuộng.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có hệ thống cây dược liệu vô cùng phong phú với khoảng 3.850 loài thực vật, 406 loài động vật được sử dụng làm thuốc. Hiện nay, Bộ Y tế đã cấp số đăng ký cho trên 2.000 chế phẩm thuốc y học cổ truyền do trên 450 cơ sở y dược cổ truyền sản xuất. Việt Nam có nền y học dân tộc cổ truyền nổi tiếng với đông đảo đội ngũ thầy thuốc y dược học cổ truyền, 5 Viện Nghiên cứu có khoa nghiên cứu về y dược học cổ truyền, 40 bệnh viện y học cổ truyền cấp tỉnh, 80% các bệnh viện lớn có khoa hoặc tổ y học cổ truyền.

Ở Việt Nam, bên cạnh hệ thống di tích lịch sử phong phú; có nhiều chùa, tịnh xá, với hệ thống thiền viện rất đặc sắc với cảnh quan hấp dẫn có thể khai thác để phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch gắn với thiền, yoga nói riêng.

Tất cả những vấn đề nêu trên đã khẳng định, tiềm năng về phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe thông qua các tài nguyên và y dược học cổ truyền ở Việt Nam là rất lớn. Để phát triển loại hình du lịch này đòi hỏi phải có sự tổ chức phối hợp khoa học và chặt chẽ giữa các bên liên quan để phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe (CSSK).

Thúc đẩy phát triển Du lịch chăm sóc sức khỏe nghỉ dưỡng tại Việt Nam - Ảnh 1.

Hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh đang được nhiều người quan tâm. Ảnh: Internet

Hiện trạng phát triển sản phẩm du lịch CSSK ở Việt Nam

Cùng với sự phát triển của ngành du lịch, du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đã có bước phát triển nhất định với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Du lịch chăm sóc sức khỏe trên cơ sở khai thác nước khoáng, nước nóng, khoáng bùn tự nhiên: Hiện nhiều nguồn suối nước khoảng nóng ở Việt Nam được các nhà đầu tư lớn dầu tự khai thác như: khu suối khoáng nóng Quang Hanh (Quảng Ninh), Thanh Thủy (Phú Thọ) được tập đoàn YoKo của Nhật đầu tư khai thác theo mô hình Onsen của Nhật Bản, khu du lịch suối khoáng nóng Mỹ Lâm Tuyên Quang đang được đầu tư... Một số khu du lịch cung cấp dịch vụ tắm bùn, spa, xông hơi, mát-xa như khu du lịch Trăm Trứng (Khánh Hòa), khu du lịch V- resort (Hòa Bình), khu du lịch khoáng nóng Sài Gòn Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu)...

Du lịch spa và nghỉ dưỡng: Loại hình spa với quy trình trị liệu tổng hợp cả giáo dục chăm sóc sức khỏe, tập thể dục, ăn uống, điều trị mới xuất hiện ở Việt Nam. Spa nằm trong các khách sạn nghỉ dưỡng đóng góp thị phần lớn vào sự phát triển của toàn ngành.

Việt Nam hiện có 38.000 cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) với trên 780.000 buồng, trong đó 90% CSLTDL đã đi vào hoạt động bình thường sau thời gian tạm ngừng do đại dịch COVID-19. Tổng số 561 CSLTDL hạng 4-5 sao, trong đó 180 khách sạn nghỉ dưỡng đã triển khai các hoạt động spa và các chương trình chăm sóc sức khỏe cho khách lưu trú, được nhiều khách đánh giá cao.

Khu vực thu hút sự quan tâm đầu tư và yêu thích của các thương hiệu spa và resort nước ngoài là vùng duyên hải miền Trung và miền Nam, nơi có những bãi biển đẹp và các điểm đến du lịch nổi tiếng. Giải thưởng World Luxury Spa & Restaurant Awards năm 2015, 2017 vinh danh các spa và nhà hàng sang trọng nhất thế giới đã trao giải Spa của năm thuộc về Harnn Heritage Spa của InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Đà Nẵng, giải spa chăm sóc sức khỏe của ASEAN năm 2019 đã trao cho 5 đại diện của Việt Nam trong và ngoài khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao sao.

Du lịch chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền: Việc khai thác y học cổ truyền bắt đầu được quan tâm. Sản phẩm đầu tiên là Chương trình du lịch châm cứu nâng cao sức khỏe và chữa bệnh của GS. Nguyễn Tài Thu vào năm 2006. Khu du lịch chữa bệnh Bảo Long thuộc Tập đoàn Y Dược Bảo Long (Sơn Tây, Hà Nội) kết cấu theo mô hình du lịch kết hợp khám chữa bệnh, du khách được trực tiếp tham quan vườn trồng cây thuốc quý hiếm, nơi bào chế thuốc, siêu thị thuốc chứa hàng ngàn sản phẩm Đông dược. Công ty du lịch Hoàn Mỹ, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình du lịch nghỉ dưỡng "Sức khỏe là vàng", mô hình nghỉ dưỡng được thiết kế, tổ chức phù hợp đa số người có nhu cầu.

Du lịch thiền, yoga: Bên cạnh các tour du lịch nghỉ dưỡng, khám phá, các công ty du lịch bắt đầu giới thiệu sản phẩm du lịch thiền - yoga tới du khách trong và ngoài nước, có huấn luyện viên hướng dẫn. Theo các đơn vị tổ chức tour, đây là những nơi thiên nhiên còn hoang sơ, yên tĩnh, không khi trong lành thích hợp cho du khách tập yoga, ngồi thiền, tận hưởng các liệu pháp spa giải tỏa căng thẳng.

Du lịch giảm cân: Du lịch giảm cân cũng là một loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, phù hợp với địa hình thiên nhiên vừa có núi, vừa có biển. Du khách tham gia được thực hiện chế độ ăn kiêng ở một khu nghỉ dưỡng, được huấn luyện viên hướng dẫn các bài tập vận động: chạy bộ trên bãi biển, bơi lội, leo núi... Sau mỗi buổi tập, du khách thư giãn với các hoạt động mát xa, ngâm bùn khoáng, tắm thuốc thảo dược hay đi cắm trại trên đảo, bãi biển, thảo nguyên...

Nhìn chung, ở Việt Nam việc khai thác tài nguyên để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe đã đạt những thành công nhất định. góp phần đa dạng hóa sản phẩm, kéo dài thời gian lưu trú cũng như tăng chi tiêu của khách du lịch ở Việt Nam. Tuy nhiên, những thành công này chưa tương xứng với tiềm năng đặc sắc đang có. Các sản phẩm du lịch CSSK còn ít, chưa đa dạng, chưa có nhiều cơ sở dịch vụ CSSK đủ tầm cỡ về quy mô, chất lượng để đón khách, nhất là khách du lịch có khả năng chi trả cao. Phần lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch CSSK như spa và tắm nước khoáng, nước nóng tắm bùn, thiền, Yoga, làm đẹp... vẫn hạn chế về quy mô, nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật: dịch vụ chỉ ở mức đáp ứng nhu cầu cơ bản của khách du lịch. Bên cạnh đó, chưa khai thác tốt hệ thống cây dược liệu phong phú và nền y học cổ truyền nổi tiếng để phát triển loại hình du lịch CSSK.

Một số giải pháp để phát triển du lịch CSSK

Để biến những tiềm năng thành hiện thực thì cần phải giải quyết được những thách thức khó khăn nêu trên là những bước đầu của các giải pháp. Trong nhiều hội thảo, báo cáo, nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia đều có chung những quan điểm về đề xuất các giải pháp. Cụ thể là:

Đầu tiên cần phải xây dựng chính sách phát triển tổng thể du lịch chăm sóc sức khỏe - wellness tourism đi cùng với chiến lược phát triển du lịch chung quốc gia đến 2025 và định hướng 2030. Mặc dù nhiều doanh nghiệp mạnh và tiềm lực to lớn nhưng vẫn cần phải có một chiến lược chung của quốc gia về lĩnh vực/ngành du lịch này để không gặp phải mạnh ai nấy làm.

Thứ hai, trong tổng thể quy hoạch phát triển du lịch hoặc quy hoạch sử dụng đất đai quốc gia cần phải có quy hoạch đất đai cho du lịch gắn liền với việc bảo tồn tài nguyên môi trường thiên nhiên, đặc biệt trong bối cảnh nhiều cảnh báo về rủi ro biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết cực đoan, nhiệt độ trái đất ấm dần lên, nước biển dâng, lũ lụt...

Thứ ba xây dựng mạng lưới kết nối và phối hợp nhiều lĩnh vực ngành nghề chuyên môn như y tế - thể thao - văn hóa - nghệ thuật - tín ngưỡng trong tổng thể du lịch để bổ sung và gia tăng chất lượng cũng như cũng như giá trị kinh tế của du lịch CSSK.

Thứ tư là tạo một cơ chế để có thêm một kênh dẫn nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư loại hình này trong tổng thể các kênh dẫn vốn của các loại hình đầu tư kinh doanh như bất động sản, du lịch, y tế, thể thao văn hoá...Vấn đề người nước ngoài được phép mua Condotel không chỉ giải quyết 1 phần về vốn cho chủ đầu tư, giải quyết các khó khăn tắc nghẽn của bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay mà còn là để hấp dẫn thêm khách nước ngoài đến du lịch nghỉ dưỡng CSSK.

Thứ năm là tăng cường năng lực quản lý từ việc tiêu chuẩn tiêu chí dịch vụ, giám sát chất lượng, sự an toàn và đặc biệt vấn đề chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến sức khỏe của khách sử dụng dịch vụ.

Thứ sáu là tăng cường xúc tiến quảng bá tiếp thị du lịch CSSK tại Vietnam ra thị trường quốc tế thông qua việc gia tăng ngân sách quảng cáo, tổ chức sự kiện qua nhiều kênh truyền thông cũng như nhiều hình thức ngoại giao - văn hóa - thể thao - kinh tế.

Khi những giải pháp trên được đồng bộ và kết hợp thì trong khoảng 5 năm tới, cùng với sự phát triển của GDP kinh tế quốc gia nói chung, du lịch chăm sóc sức khỏe - wellness tourism sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp lớn hơn trong tỉ trọng cơ cấu kinh tế quốc gia hoặc mỗi địa phương và từ đó sự xuất hiện của Vietnam trên bản đồ Wellness Toursim có một vị thế quan trọng tích cực hơn./.

TĐH