Hiệp lực phát triển kinh tế Internet Việt Nam khoẻ mạnh và bền vững

Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 16:08, 19/11/2022

Cách đây tròn 25 năm, 19/11/1997 là ngày đầu tiên Việt Nam kết nối với mạng Internet thế giới. Sự phổ cập Internet rộng rãi giúp Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, phát triển kinh tế số vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng.

Nhân dịp 25 năm Internet Việt Nam, PV Tạp chí TT&TT đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) về những đóng góp của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đối với sự phát triển của Internet Việt Nam, xu hướng và hành trình phát triển của Internet trong thời gian tới.

Hiệp lực phát triển kinh tế Internet Việt Nam khỏe mạnh và bền vững - Ảnh 1.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch VIA: Phát triển Internet chủ động, thích ứng và thích nghi với tốc độ phát triển của thế giới nhưng vẫn giữ được các nét cần giữ của chính Việt Nam

PV: Ông có thể cho biết vai trò, đóng góp của Hiệp hội Internet Việt Nam đối với sự phát triển của Internet Việt Nam?

Ông Vũ Thế Bình: Năm 2007, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Internet Việt Nam, các doanh nghiệp gồm Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel, Công ty Cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài gòn (SPT), Công ty Viễn thông điện lực (EVN Telecom) và Công ty cổ phần NetNam đã cùng nhau thỏa thuận hợp tác nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ Internet cho người dùng và thống nhất cùng vận động để thành lập Hiệp hội Internet Việt Nam.

Đến năm 2010, Hiệp hội Internet Việt Nam chính thức được thành lập. Sau 12 năm phát triển, Hiệp hội đã có gần 150 hội viên là các doanh nghiệp chủ chốt kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông, Internet.

Hiệp hội đã đóng góp tích cực vào việc liên kết cộng đồng các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, cộng đồng người dùng Internet với các cơ quan quản lý, nhằm vận động để có môi trường kinh doanh tốt hơn cho lĩnh vực viễn thông và Internet. Đồng thời nỗ lực kết nối cộng đồng trong nước với các tổ chức, doanh nghiệp và hoạt động Internet của khu vực, nhằm nắm bắt và cập nhật với sự phát triển của khu vực.

Hiệp hội cũng có những hoạt động thúc đẩy sớm các lĩnh vực, các cộng đồng chuyên biệt để thúc đẩy sự phát triển, như về điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu, an toàn thông tin mạng...

PV: Thưa ông,hiện nay kinh tế số Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Để thúc đẩy Internet Việt Nam trở thành trụ cột của nền kinh tế số, Việt Nam cần tiếp tục làm gì và Hiệp hội Internet Việt Nam có vai trò như thế nào?

Ông Vũ Thế Bình: Để thúc đẩy kinh tế số Việt Nam, gần đây Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những tuyên bố về chính sách, chiến lược. Chúng tôi nhất trí với các điểm quan trọng là cần thúc đẩy hạ tầng số, dữ liệu số và văn hóa số. Internet ban đầu được coi như một dịch vụ viễn thông, giờ đây không còn bó hẹp như vậy mà được coi là một thành phần nền tảng của kinh tế số.

Thúc đẩy Internet Việt Nam chính là thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững về hạ tầng kết nối, trung tâm dữ liệu và đám mây, cũng như thúc đẩy chuyển dịch dữ liệu số, sử dụng dữ liệu số như là một tài nguyên hay tư liệu sản xuất và xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng sao cho an toàn, tiên tiến và văn minh.

Hiệp hội tiếp tục nỗ lực để mang lại trước tiên là các lợi ích cho hội viên của mình, tiếp đó là đóng góp vào sự phát triển chung của Internet Việt Nam, kinh tế số Việt Nam, thông qua việc đưa ra và thực thi các sáng kiến mới, thúc đẩy các mảng ứng dụng, dịch vụ mới, cũng như đóng góp tích cực cho các cơ quan quản lý nhà nước để có các chính sách cởi mở, thúc đẩy sự phát triển chung của Internet Việt Nam.

PV: Hiệp hội Internet Việt Nam có nhận định gì về xu hướng, tương lai Internet Việt Nam?

Ông Vũ Thế Bình: Ngày nay công nghệ thay đổi với một tốc độ chóng mặt, vì thế dự đoán về tương lai là một điều rất thách thức. Chúng tôi chỉ quan niệm rằng, tương lai của Internet Việt Nam trước tiên không thể tách rời khỏi tương lai của Internet toàn cầu, không thể tách rời khỏi sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cũng như các nền tảng toàn cầu. Bài toán của Việt Nam là làm sao không bị tụt hậu, không bị phụ thuộc, mà có sự phát triển chủ động, thích ứng và thích nghi với tốc độ phát triển của thế giới nhưng vẫn giữ được các nét cần giữ của chính Việt Nam.

Chúng tôi kỳ vọng Internet Việt Nam sẽ có sự kết nối cởi mở với khu vực và thế giới mạnh mẽ hơn, phát triển an toàn và bền vững cũng như đóng vai trò tốt hơn trong cuộc chơi Internet của khu vực.

PV: Dự kiến Hiệp hội Internet Việt Nam sẽ chủ trì cam kết về phát triển bền vững của Cộng đồng Internet tại Việt Nam, Hiệp hội có thể chia sẻ rõ hơn về hoạt động này?

Ông Vũ Thế Bình: Nhân dịp 25 năm Internet, với vai trò của một tổ chức xã hội nghề nghiệp, chúng tôi muốn kêu gọi trước tiên là các hội viên, sau đó là mọi người chơi trong hệ sinh thái Internet Việt Nam, cùng cam kết hướng tới việc xây dựng và đóng góp vào một Internet tốt đẹp và bền vững của Việt Nam. Đó là các cam kết về việc liên tục đưa ra các dịch vụ, giá trị mới cho xã hội; cạnh tranh lành mạnh; hợp tác chân thành và tìm cách hiệp lực để cùng phát triển kinh tế Internet Việt Nam khỏe mạnh và bền vững.

Ví dụ, phương hướng đưa Việt Nam trở thành một trung tâm số (digital hub) của khu vực, là một định hướng lớn, để thành công thì cần sự hiệp lực của rất nhiều bên liên quan.

PV: Trên cương vị là Tổng giám đốc NetNam? Ông có thể chia sẻ những đóng góp của NetNam trong chặng đường phát triển Internet Việt Namtrong hành trình sắp tới?

Ông Vũ Thế Bình: NetNam là một trong 4 ISP đầu tiên của Việt Nam khi Internet chính thức được kết nối vào tháng 11/1997, sau một thời gian thử nghiệm và du nhập Internet vào Việt Nam, từ năm 1994. Sau 28 năm phát triển, đến nay, NetNam định vị mình là một nhà cung cấp dịch vụ Internet và giải pháp mạng chuyên biệt cho một số lĩnh vực, có tính đặc sắc và chuyên sâu.

NetNam tự hào được nhiều khách hàng lựa chọn vì chất lượng dịch vụ và văn hóa dịch vụ. Trong thời gian tới, NetNam tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của chính mình thông qua việc đáp ứng các nhu cầu đặc biệt, khó tính của các tập khách hàng trọng tâm, cũng như mở rộng, phát triển thêm các dịch vụ mới mà NetNam có lợi thế cạnh tranh, như các dịch vụ liên quan đến giám sát (monitoring), dịch vụ công nghệ cho sự kiện (event tech services)…

NetNam cũng là đơn vị được hình thành và phát triển với tính quốc tế, khách hàng có yếu tố nước ngoài. Trên cơ sở quá trình phát triển tốt trong hơn 12 năm qua sau khi cổ phần hoá, NetNam sẽ từng bước mở rộng phạm vi hoạt động ra các nước trong khu vực ASEAN, phát huy được giá trị khác biệt của mình trong một phạm vi thị trường rộng lớn hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Hoàng Linh