Biện pháp bảo vệ trẻ an toàn trực tuyến trước giả mạo hồ sơ trực tuyến
An toàn thông tin - Ngày đăng : 06:08, 20/11/2022
Lấy cắp hình ảnh trẻ em trên mạng và dùng vào ý đồ xấu
Theo phản ánh của nhiều tổ chức truyền thông thế giới, các nền mạng xã hội đang gặp thất bại trong việc truy quét những kẻ ấu dâm chuyên ăn cắp ảnh của những người có ảnh hưởng đến trẻ em, tạo lập hồ sơ giả và kết nối với những kẻ ấu dâm khác với ý đồ xấu.
Một cuộc điều tra của trang iNews (Anh) đã tìm thấy hàng chục tài khoản Twitter và Instagram hiển thị những hình ảnh trẻ em mà chúng lấy cắp trên mạng Internet, và đưa ra nhiều bình luận kích dục bên dưới, một số bình luận bằng các biểu tượng cảm xúc. Các tài khoản mạng xã hội có các bình luận khiêu dâm bên dưới, có các đường chỉ dẫn đến dark web.
Các tài khoản này để chế độ công khai trên Instagram, có hàng nghìn người theo dõi, trong đó chứa nhiều ảnh và video của các bé gái vị thành niên, một số bức ảnh chụp hình các em làm người mẫu hoặc đang khiêu vũ. Kẻ xấu đã lấy cắp những bức ảnh, video này trong hồ sơ của cha mẹ hoặc người giám hộ của các em.
Khi iNews báo cáo những tài khoản này với các công ty khổng lồ truyền thông xã hội, một số tài khoản đã bị xóa nhưng không phải tất cả.
Hiệp hội quốc gia phòng chống hành vi đối xử tàn bạo với trẻ em (NSPCC) cho rằng ngày càng nhiều kẻ xấu lấy cắp hình ảnh trẻ em trong tài khoản của cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ, và tạo ra hồ sơ giả mạo. Những kẻ ấu dâm thường vào các tài khoản giả mạo đó, bình luận, kết nối và trao đổi đủ loại mưu mẹo xấu trước khi liên kết với các khu vực khác của Internet - chính là các web đen - nơi tụ tập các hình thức lạm dụng và bóc lột trẻ em bất hợp pháp.
Các nhà vận động đã cáo buộc các công ty công nghệ lớn “hoàn toàn thất bại trong nỗ lực bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” khi để những kẻ xấu hoạt động mạnh mẽ trên nền tảng của họ, gây nhiều ảnh hưởng, hệ lụy và nguy hiểm cho trẻ em.
Mặc dù các nền tảng mạng xã hội luôn khẳng định “không khoan nhượng đối với hành vi bóc lột trẻ em” và sẽ xóa “nội dung khiêu dâm trẻ em một cách rõ ràng, cũng như các loại hình kích dục tinh vi, xóa các tài khoản chia sẻ hình ảnh của trẻ em cùng với những bình luận không phù hợp”.
Tuy nhiên, báo cáo hàng năm do WeProtect Global Alliance và CRISP Consulting đồng tác giả đã tiết lộ rằng các tương tác liên quan đến những nội dung có hại về lạm dụng trẻ em đã tăng lên gần 20 triệu vào năm 2021, tăng từ khoảng 5,5 triệu vào năm 2020.
Các công ty truyền thông xã hội bao gồm Meta, TikTok và Twitter hiện không có nghĩa vụ pháp lý nào về việc xóa nội dung “có hại nhưng hợp pháp”, có nghĩa là hình ảnh hợp pháp về mặt kỹ thuật nhưng những nội dung đó vẫn có thể tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng.
Dự luật An toàn Trực tuyến của Anh dự kiến sẽ buộc các công ty truyền thông xã hội phải chịu trách nhiệm tài chính đối với việc giải quyết những nội dung “có vẻ vô tội” nhưng lại “vẽ đường” cho việc bóc lột trẻ em.
Các nền tảng mạng xã hội chậm phản ứng, ngăn chặn nội dung lạm dụng trẻ em
NSPCC cho biết những kẻ phạm tội sử dụng hồ sơ giả mạo có hình ảnh trẻ em để tạo thành mạng trực tuyến và tổ chức hành vi lạm dụng trẻ ở những nơi khác trên Internet, đồng thời nói thêm rằng việc cha mẹ và con cái nhìn thấy hình ảnh của mình bị đánh cắp và sử dụng làm “mồi kỹ thuật số” dẫn đến những trang web đen, có thể khiến các bậc cha mẹ và con cái cảm thấy vô cùng đau khổ.
Các tổ chức từ thiện cũng cảnh báo với các thuật toán truyền thông xã hội, bất kỳ nội dung công khai nào đều có thể lọt vào tay kẻ xấu và bị lạm dụng.
Richard Collard, Giám đốc chính sách tại NSPCC cho biết: “Với cách làm của rất nhiều nền tảng mạng xã hội, các thuật toán sẽ bắt đầu hiển thị cho bạn những thứ mà bạn quan tâm. Vì thế, với thuật toán này, những kẻ lạm dụng dễ dàng tìm thấy thứ chúng quan tâm, dễ dàng kết nối với những kẻ xấu khác và mở rộng mạng lưới”.
Các tổ chức từ thiện về an toàn trực tuyến cho trẻ em đã ghi nhận hiện tượng hình ảnh trẻ em bị sử dụng làm “mồi kỹ thuật số” dẫn đến web đen gia tăng trong nhiều năm qua. Các tổ chức từ thiện đã cáo buộc các công ty truyền thông xã hội không nhanh chóng, kịp thời xóa những nội dung bóc lột, ngay cả khi đã được gắn cờ.
Lyn Kennedy đến từ Collective Shout - một tổ chức từ thiện đấu tranh bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, cho biết các công ty truyền thông xã hội "rất, rất rất chậm và miễn cưỡng hành động" khi bà báo cáo nội dung bóc lột. Các công ty còn nói rằng họ không có thời gian xem xét nội dung đó hoặc công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc người kiểm duyệt đã quyết định nội dung đó không đi ngược lại nguyên tắc cộng đồng.
“Những nền tảng này không thể tuyên bố quan tâm đến sự an toàn của trẻ em trong khi tiếp tục phục vụ mạng lưới những kẻ săn mồi trẻ em và hỗ trợ cho hoạt động buôn bán nội dung bóc lột trẻ em ngày càng gia tăng trên toàn cầu”, bà nói.
Các tổ chức bảo vệ an toàn trẻ em cho biết bất kỳ nội dung công khai nào cũng có thể lọt vào hồ sơ giả mạo của những kẻ lạm dụng, vì thế họ khuyến cáo các bậc cha mẹ nên cẩn thận.
“Bất cứ lúc nào nội dung của trẻ được công bố công khai, không được đặt cài đặt quyền riêng tư cao nhất, về cơ bản nghĩa là bạn đang cấp cho những kẻ săn mồi quyền truy cập mở vào nội dung của trẻ”, bà Kennedy nói.
Collective Shout là tổ chức từ thiện có trụ sở tại Úc nhưng theo dõi tình trạng lạm dụng trực tuyến trên toàn cầu, công bố một báo cáo trong tháng 11/2022, đã ghi lại tình trạng những kẻ xấu lấy cắp nội dung liên quan đến trẻ em.
Bà Kennedy mô tả Internet là "hố sâu rủi ro không đáy đối với các bé gái", giải thích rằng mặc dù các bé trai cũng bị bóc lột nhưng cho biết rất nhiều hình ảnh của các bé gái bị nam giới lớn tuổi đánh cắp.
Cơ quan giám sát truyền thông của Vương quốc Anh, Ofcom, vừa qua đã xuất bản báo cáo về quy định đối với các nền tảng chia sẻ video (VSP) - bao gồm TikTok, Snapchat, Twitch, Vimeo và OnlyFans - sau khi giới thiệu các quy tắc xử lý nội dung nhằm mục đích bảo vệ trẻ vị thành niên và những người khác xem trực tuyến nội dung video có hại trên các nền tảng.
Các biện pháp nhằm bảo vệ trẻ an toàn trực tuyến
Có một số biện pháp phòng ngừa mà cha mẹ và người chăm sóc trẻ có thể thực hiện để bảo vệ con cái trên môi trường trực tuyến. Tổ chức Internet Watch Foundation đã đưa ra những khuyến nghị sau: Nói chuyện với con cái về nguy cơ lạm dụng tình dục trực tuyến, lắng nghe mối quan tâm của con; Đưa ra các quy tắc cơ bản về cách sử dụng công nghệ trong gia đình; Tìm hiểu về các nền tảng và ứng dụng mà con trẻ yêu thích và quan tâm đến cuộc sống trực tuyến của con; Cha mẹ biết cách sử dụng các công cụ, ứng dụng và cài đặt có thể giúp bảo vệ con an toàn khi trực tuyến.
NSPCC cũng đưa ra lời khuyên cho các bậc cha mẹ khi đăng hình ảnh con cái: Trước tiên, hãy suy nghĩ những hình ảnh đó chứa nội dung gì, không bao giờ đăng những hình ảnh hiển thị các bộ phận nhạy cảm của cơ thể; Đảm bảo không có gì trong ảnh hoặc video, chẳng hạn như biểu trưng trường học, biển báo đường hoặc tên câu lạc bộ có thể cho phép nhận dạng vị trí hoặc danh tính của trẻ; Kiểm tra xem trẻ có hài lòng với việc bố mẹ, người thân chia sẻ hình ảnh trẻ hay không và bật cài đặt quyền riêng tư để đảm bảo chỉ những người bạn bè mới có thể xem hồ sơ và ảnh của bạn.
Sẽ rất hữu ích nếu tắt cài đặt vị trí địa lý để những người theo dõi không thể tìm ra nơi gia đình sống. Nếu muốn tải lên hình ảnh có con của người khác, trước tiên phải đảm bảo sự cho phép của cha mẹ và trẻ.
Ngoài ra, NSPCC đã vận động thành công để sửa đổi luật pháp nhằm ngăn chặn những kẻ lạm dụng sử dụng hình ảnh trẻ em trên nền tảng mạng xã hội để dẫn dụ đến web đen hoặc những nội dung bất hợp pháp khác. Luật pháp phải buộc các nhà quản lý cấp cao của các trang mạng xã hội chịu trách nhiệm cá nhân vì đã đặt trẻ em vào nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng. Có như vậy, các nền tảng mạng xã hội mới ưu tiên cao nhất cho sự an toàn của trẻ trên môi trường mạng.
Những nỗ lực bảo vệ trẻ em trên mạng Internet đang diễn ra trên toàn cầu. Vừa qua, cơ quan Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) đã đóng góp 815.000 AUD góp phần thiết lập cơ sở dữ liệu (CSDL) về bóc lột tình dục trẻ em quốc tế (ICSE) của INTERPOL.
CSDL ICSE là một công cụ đột phá để thúc đẩy các cuộc điều tra bóc lột trẻ em thông qua việc tăng cường chia sẻ thông tin toàn cầu. Ra mắt cách đây 13 năm, ICSE hiện kết nối các nhà điều tra chuyên gia ở 68 quốc gia và cho đến nay đã hỗ trợ xác định danh tính hơn 31.000 nạn nhân, trong đó có 860 nạn nhân ở Úc./.