Tân Bắc đặt mục tiêu trở thành thành phố “net zero”

Đô thị thông minh - Ngày đăng : 10:52, 20/11/2022

Là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, các thành phố của Đài Loan đang thực hiện các giải pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Đặc biệt, thành phố Tân Bắc đang nỗ lực hướng đến mục tiêu trở thành thành phố “net zero” (phát thải ròng bằng 0).

Thành phố Tân Bắc, với dân số đông nhất, số lượng doanh nghiệp (DN) và nhà máy đã đăng ký cao nhất ở Đài Loan, là một trong những đô thị đầu tiên ở Đông Á công bố đánh giá sự tự nguyện của địa phương (VLR) và cam kết đạt net zero vào năm 2050.

Trước những thách thức do biến đổi khí hậu và môi trường xây dựng cũ kỹ mang lại, thành phố đã tích cực đầu tư vào một loạt chương trình thí điểm nhằm đạt được mục tiêu net zero – và một trong số đó là mục tiêu Bali net zero zone 2030 (Bali đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030).

Thông qua các giải pháp tiên tiến và sáng tạo, các kế hoạch hành động vì khí hậu của Tân Bắc nhằm mang lại sự chuyển đổi đô thị trong mọi khía cạnh của cuộc sống người dân, bao gồm các tòa nhà xanh hơn, giao thông thông minh hơn, năng lượng sạch hơn, phân bổ nguồn lực hiệu quả và cuộc sống bền vững hơn.

Thành phố Tân Bắc đặt mục tiêu trở thành thành phố “net zero” - Ảnh 1.

Thành phố Tân Bắc cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bali - Khu vực net zero đầu tiên tại Đài Loan

Bali với phong cảnh đẹp và các điểm tham quan văn hóa phong phú đã đưa khu vực này trở thành một điểm đến phổ biến. Với sự phát triển công nghiệp và thương mại đang bùng nổ, nhu cầu năng lượng của Bali dự kiến sẽ tăng nhanh. Hiện tại ở khu vực này, 42% lượng khí thải nhà kính đến từ ngành công nghiệp, trong khi khu dân cư/thương mại và giao thông vận tải là hai lĩnh vực phát thải chính khác.

Năm 2021, Bali được chỉ định là khu vực triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng 0, nơi các chiến lược, công nghệ và giải pháp sáng tạo khử carbon được triển khai và thử nghiệm để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng trong tất cả các lĩnh vực.

Theo đó, Bali cam kết không sử dụng than vào năm 2023; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh giới thiệu hệ thống quản lý năng lượng thông minh và nhiên liệu khử carbon bằng cách sử dụng nhiên liệu sinh học và hydro trong lĩnh vực công nghiệp. Các công ty xây dựng, sản xuất và dịch vụ cảng ở Bali đã cùng nỗ lực và cam kết sử dụng khí tự nhiên thay thế than và dầu mỏ.

Ngoài ra, bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng của các cơ sở công nghiệp như máy nén khí, máy bơm nhiệt, quạt thông gió và hệ thống đốt trong các nhà máy, Bali đã xác định các vấn đề và cung cấp tư vấn để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của các nhà máy sản xuất trong khu vực.

Đặc biệt, để hoàn thành lộ trình chuyển đổi năng lượng, Bali cũng đã tăng cường xây dựng các cơ sở phát điện tái tạo sử dụng năng lượng mặt trời, hydro và khí sinh học. Đến năm 2030, công suất năng lượng mặt trời được lắp đặt ở Bali dự kiến sẽ đạt 30WMh và các công nghệ sản xuất hydro sẽ được sử dụng rộng rãi trong các quy trình công nghiệp để đẩy nhanh quá trình khử carbon.

Quản lý năng lượng thông minh

Sử dụng trí tuệ nhân tạo vạn vật (AIoT), dữ liệu lớn và công nghệ đám mây giúp quản lý năng lượng thông minh trong các hệ thống tòa nhà và giao thông, cải thiện hiệu quả năng lượng, cho phép người dùng cuối kiểm soát mức tiêu thụ năng lượng của họ.

Thành phố Tân Bắc đặt mục tiêu trở thành thành phố “net zero” - Ảnh 2.

Hệ thống quản lý năng lượng tòa nhà trực quan.

Đối với các tòa nhà công cộng, việc yêu cầu công khai đầy đủ mức tiêu thụ năng lượng giúp thành phố điều chỉnh các biện pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả.

Trong khi đó, đối với các tòa nhà thuộc sở hữu tư nhân, chính quyền địa phương hợp tác với các DN và cơ quan quản lý bất động sản quan trọng để nắm bắt dữ liệu tiêu thụ năng lượng từ các cơ sở công cộng trên các nền tảng giao dịch nhà ở, giúp thị trường bất động sản có thể chuyển đổi để đạt được mục tiêu net zero. Hiện nay tại Bali, các hệ thống quản lý năng lượng tòa nhà thông minh được lắp đặt tại 45 cộng đồng, giúp tiết kiệm 1,5% điện năng tiêu thụ.

Thành phố Tân Bắc đặt mục tiêu trở thành thành phố “net zero” - Ảnh 3.

Bali có trạm đổi pin xe tay ga điện chạy bằng năng lượng mặt trời đầu tiên ở Đài Loan.

Bên cạnh đó, Bali cũng đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông công cộng và điện khí hóa, bao gồm cả việc mở rộng các tuyến đường sắt nhẹ và trạm sạc.

Ngoài ra, khu vực quản lý giao thông xanh cũng được chỉ định để giảm quãng đường di chuyển của các phương tiện chạy bằng nhiên liệu, giúp khu vực an toàn và thân thiện hơn đối với các phương thức di chuyển xanh.

Hợp tác để tăng cường quản trị khí hậu

Trên con đường trở thành "thành phố net zero", Tân Bắc không chỉ nỗ lực giảm lượng khí thải bằng các giải pháp hợp tác liên ngành mà còn tích cực đẩy mạnh hợp tác công - tư với các DN, đại diện cộng đồng và người dân để tăng cường quản trị khí hậu. Và Bali chính là điểm khởi đầu trên chặng đường nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng không đầu tiên của Tân Bắc.

Sẽ còn nhiều thách thức ở phía trước, nhưng Tân Bắc đã thể hiện rõ tham vọng và quyết tâm của mình trong việc theo đuổi các mục tiêu net zero nhằm tạo ra một thành phố bền vững cho tất cả mọi người./.


AD