Muốn xây dựng đất nước, trước hết phải phát triển giáo dục
Truyền thông - Ngày đăng : 09:52, 20/11/2022
Sáng 19/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục, 400 nhà giáo xuất sắc tiêu biểu được lựa chọn từ hơn 1,6 triệu nhà giáo trong cả nước đã dự lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn, tri ân sâu sắc đến các thế hệ thầy cô giáo, các cán bộ giáo dục trên mọi miền Tổ quốc và gửi đến các thầy, cô lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Tinh thần tôn sư trọng đạo vốn là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tinh thần này càng được phát huy mạnh mẽ kể từ khi ngày Nhà giáo Việt Nam ra đời vào cách đây 40 năm. Cho đến nay, cả nước đã có hơn 1,6 triệu nhà giáo, hơn 900.000 nhà giáo đã nghỉ hưu vẫn đóng góp cho nền giáo dục nước nhà ở nhiều góc độ khác nhau. Ngoài ra, các trường đại học, cao đẳng sư phạm trên cả nước hiện đang đào tạo cho gần 115.000 sinh viên sư phạm, nguồn lực quan trọng sẽ tiếp tục truyền thống giáo dục trong tương lai.
Trong buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu vào chiều ngày 19/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh muốn xây dựng đất nước, trước hết phải phát triển giáo dục. Quốc gia, dân tộc muốn phát triển phải dựa vào yếu tố con người, lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu và động lực. Muốn phát triển con người phải dựa vào giáo dục và đào tạo. Hệ thống giáo dục và đào tạo muốn được vận hành tốt, có hiệu quả cao thì thầy cô giáo là những người đóng vai trò quyết định.
Để thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Thủ tướng đã nhấn mạnh một số quan điểm lớn như giáo dục và đào tạo là sự nghiệp chung của toàn xã hội. Trong đó, 3 trụ cột chính, quan trọng để phát triển giáo dục và để học sinh phát triển toàn diện là gia đình, nhà trường và xã hội.
Phát triển giáo dục - đào tạo phải bám sát nguyên tắc chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng, khuyến khích sáng tạo, tìm hiểu, tiếp thu tri thức dân tộc và nhân loại, tư duy phản biện, khát vọng cống hiến…, phát huy cao nhất tiềm năng, trí tuệ, phẩm chất của mỗi học sinh.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục dành sự quan tâm và đầu tư cho giáo dục, có những hoạt động hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn nữa. Ngoài ra, các đơn vị, cơ quan quản lý về giáo dục cũng cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức tương xứng với công sức của mình./.