Cơ cấu lại nền kinh tế để đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh
Truyền thông - Ngày đăng : 10:36, 21/11/2022
Một số định hướng phát triển cụm liên kết ngành
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa một số quốc gia, dịch bệnh COVID-19 và biến đổi khí hậu với những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và chưa từng có tiền lệ, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng tìm kiếm những địa điểm đầu tư mới. Các địa điểm đầu tư này phải đáp ứng được nhiều tiêu chí, trong đó có cả sức chống chịu của chuỗi cung ứng, thay vì chỉ là lợi thế về vị trí địa lý, chi phí lao động rẻ...
Dù có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về sức chống chịu của chuỗi cung ứng, những đặc điểm chung trong các cách nhìn nhận này đều là việc "xích lại gần hơn" thị trường tiêu thụ và các nhà cung ứng. Theo đó, dù vẫn nhìn nhận vai trò của các hiệp định thương mại tự do (FTA), các nhà đầu tư nước ngoài cũng cân nhắc đến yêu cầu và khả năng đa dạng hóa các cơ sở sản xuất. Chính ở đây, các quốc gia đã hình thành hoặc có nhiều tiềm năng hình thành các cụm liên kết ngành có nhiều cơ hội để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài hơn.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương mới đây đã khảo sát kinh nghiệm xây dựng các cụm liên kết ngành ô tô của Thái Lan, cụm liên kết ngành nho Maharashtra và cụm liên kết ngành ngành công nghệ thông tin của Ấn Độ, qua đó rút ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng như: Chính phủ chú trọng và khuyến khích việc xây dựng và thực thi các chính sách "từ dưới lên", với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân và các bên liên quan tại địa phương. Mặt khác, kết hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa cách tiếp cận "từ trên xuống" và "từ dưới lên" trong quá trình ban hành và thực thi các chính sách nhằm cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành;
Đồng thời, quy hoạch, phân bố không gian phù hợp để xây dựng và hình thành các cụm liên kết ngành là quan trọng; Triển khai và đảm bao các chính sách kinh tế của Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các cụm liên kết ngành, đặc biệt là các đơn vị sản xuất trong cụm. Những chính sách này cần tập trung vào đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực, thu hút FDI...
Bên cạnh đó là đẩy mạnh liên kết giữa các thành viên hình thành qua các hoạt động sản xuất. Các thành viên trong cụm cần liên kết thành một chuỗi dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh và khép kín, đồng thời hình thành mạng lưới chia sẻ thông tin kỹ thuật, phục vụ công tác cải tiến công nghệ.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hình thành, phát triển cụm liên kết ngành trong thời gian vừa qua. Các hình thái ban đầu của cụm liên kết ngành đã được hình thành tại một số khu công nghiệp, khu kinh tế như: Cụm dệt may ở khu vực TP. Hồ Chí Minh (Cụm vệ tinh trong chuỗi giá trị toàn cầu), Khu phức hợp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải tại Khu kinh tế mở Chu Lai, hay các tổ hợp sản xuất của doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG, các doanh nghiệp Nhật Bản lớn (tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long)...
Hướng tới tương lai, trao đổi, đối thoại và nghiên cứu chính sách đều nhấn mạnh yêu cầu hình thành cụm liên kết ngành theo các định hướng sau: Hình thành và nâng cấp hệ thống cụm liên kết các ngành công- nông nghiệp chuyên môn hóa và các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao theo lợi thế của các địa phương tại một số vùng, địa bàn trọng điểm;
Tăng cường liên kết vùng và tích hợp kết nối chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp, nông nghiệp vào quá trình xây dựng và thực thi quy hoạch phát triển địa phương, vùng và quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho sự chuyên môn hóa địa phương và hợp tác liên vùng trên cả nước;
Cơ cấu lại các khu kinh tế, khu công nghiệp theo hướng bền vững, sinh thái gắn với hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp, các mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp có tính đến lợi thế so sánh của từng địa bàn, vùng theo hướng tăng cường hỗ trợ và kết nối các chuỗi cung ứng trong nước nhằm thúc đẩy sự hội nhập của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả hơn.
Các mô hình mới góp phần tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam
Thứ nhất, gia tăng ứng dụng chuyển đổi số trong thương mại nhằm thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh mới. Thực tế gần ba năm chống chọi với đại dịch COVID-19 đã minh chứng tầm quan trọng thiết yếu của các phương thức sản xuất - kinh doanh dựa trên nền tảng số. Từ chỗ chuyển đổi số bước đầu có phần ngập ngừng với hi vọng quay lại cách làm cũ sau khi hết dịch COVID-19, chúng ta đã thay đổi tư duy theo hướng chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Ngay tại thời điểm, khi nói đến phục hồi và phát triển kinh tế, chúng ta cũng nói nhiều hơn đến chuyển đổi số, thậm chí là phục hồi số. Các Hiệp định Đối tác Kinh tế số của Singapore và Úc, của Singapore với New Zealand và Chile đang được lưu tâm rất nhiều vì những tiêu chuẩn cao gắn với thương mại không giấy tờ, dịch chuyển dữ liệu..v.v.
Đối với Việt Nam, hoạt động thương mại đã trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm qua. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, mà trọng tâm là các FTA, đã mở đường cho Việt Nam cải thiện tiếp cận và đa dạng hóa các thị trường xuất nhập khẩu, đồng thời tạo thêm tác động lan tỏa đối với thu hút đầu tư nước ngoài, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngay cả trong bối cảnh dịch COVID-19 kể từ năm 2020, việc tiếp tục thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, trọng tâm là các FTA thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA) đã mở rộng đáng kể không gian cho hoạt động thương mại của Việt Nam, qua đó giúp giảm bớt những hệ lụy tiêu cực của đại dịch đối với xuất nhập khẩu cũng như nền kinh tế Việt Nam.
Trên thực tế, Việt Nam đã có một số định hướng chính sách theo hướng thúc đẩy chuyển đổi số gắn với hoạt động thương mại. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030, và mới đây nhất là Quyết định số 411/QĐ- TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hưởng đến năm 2030.
Thứ hai, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm sớm bắt nhịp phục hồi kinh tế và chuyển đổi xanh ở Việt Nam. Dù đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội, đất nước ta đang phải đối mặt với không ít thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những thách thức này trở nên phức tạp hơn khi mà chúng ta đang tiếp tục quá trình gia tăng dân số, đô thị hóa, và công nghiệp hóa, trong khi còn chậm chuyển đối từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống sang cách tiếp cận đa chiều, hiện đại, kéo theo hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên (bao gồm đất đai), lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Theo đó, việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam phải hướng tới tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Quyết định số 687/QĐ-TTg mới chỉ là một trong những nỗ lực đầu tiên nhằm xác định lộ trình, yêu cầu và định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Ngoài ra, một nhiệm vụ quan trọng, để sớm cụ thể hóa các định hướng trên là xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó cụ thể hóa các tiêu chuẩn, điều kiện phù hợp nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp, ngành và tăng tính tự chủ và khả năng chống chịu trước các "cú sốc" từ bên ngoài. Bên cạnh đó, để xây dựng chuỗi liên kết ngành thành công, cần xác định các doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi chỉ khi các doanh nghiệp có sự liên kết với nhau, thì lúc đó chuỗi giá trị liên kết ngành mới thực sự bền chặt và mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế./.