Chuyển đổi số cần phát huy thế mạnh của địa phương
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 11:11, 21/11/2022
Nhằm nâng cao nhận thức về CĐS cho lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Sóc Trăng, ngày 21/11, UBND tỉnh phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị về CĐS tỉnh Sóc Trăng năm 2022. Tham dự có ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban chỉ đạo Ban CĐS tỉnh Sóc Trăng; bà Hồ Thị Cẩm Đào, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng; ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Uỷ viên Uỷ ban CĐS Quốc gia.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Trung tâm Văn hoá và Hội nghị tỉnh, kết hợp trực tuyến với 120 điểm cầu của các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn; với hơn 3.000 đại biểu tham dự.
Phát huy lợi thế nông nghiệp để CĐS
Phát biểu trực tuyến, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện. Với một tổ chức, vì là sự thay đổi, nên trước tiên đó là việc của lãnh đạo, của người đứng đầu, vì nếu không thì không ai dám làm và có thể làm. Vì là tổng thể và toàn diện nên đó là việc của tất cả mọi thành viên trong tổ chức.
Thứ trưởng cho biết Sóc Trăng có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp. Vậy hãy thực hiện CĐS từ thế mạnh sẵn có của mình - CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thách thức hiện nay được Thứ trưởng nhận định là làm sao để nâng cao hiệu quả, nâng cao hiệu năng, nâng cao thu nhập cho người nông dân. "Xét ở góc độ này, dư địa cho nông nghiệp phát triển đột phá trong giai đoạn tới là rất lớn. Nói không quá, nông nghiệp sẽ là yếu tố then chốt để kinh tế của Sóc Trăng và cả của Việt Nam phát triển đột phá một cách bền vững trong thời gian tới".
Thứ trưởng cũng nhận định khó khăn lớn nhất của CĐS là thay đổi thói quen. Thách thức lớn nhất của CĐS là có nhận thức đúng. Để nhận thức về CĐS được nhân rộng, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 10/10 hàng năm là ngày CĐS quốc gia với ý nghĩa số 1 và 0 là hai số của hệ thống số nhị phân - là ngôn ngữ của CNTT và công nghệ số; gắn với CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Tỉnh Sóc Trăng cũng đã chọn đây là ngày CĐS của tỉnh. Thứ trưởng hy vọng đây là hoạt động thường niên để Tỉnh thúc đẩy việc nâng cao nhận thức và thói quen của người dân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh về CĐS.
Thứ trưởng mong muốn và hy vọng các kết quả triển khai CĐS của tỉnh Sóc Trăng sẽ mang lại những kết quả thiết thực nhất cho người dân và DN trên địa bàn tỉnh. "Chỉ có những đánh giá, phản hồi từ chính người dân, DN mới thể hiện rõ được sự hiệu quả của CĐS trên địa bàn".
CĐS cần phải được tiến hành khẩn trương, kiên trì, liên tục
Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định đẩy nhanh quá trình CĐS là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, vấn đề cơ bản, quan trọng trong CĐS chính là xuất phát từ sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về CĐS của người đứng đầu các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị, cho đến cộng đồng DN và mỗi người dân.
Để triển khai yêu cầu trên, ngày 27/10/2021, Tỉnh ủy Sóc Trăng cũng ban hành Nghị quyết số 07 về CĐS tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh đã ban hành Đề án số 03 ngày 06/10/2022 về CĐS trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến 2030. Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch CĐS theo ngành, lĩnh vực, địa phương.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Sóc Trăng cho biết tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, Trung tâm Giám sát điều hành của tỉnh phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.
Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối từ cấp tỉnh đến cấp xã. 100% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), quản lý văn bản điện tử từ tỉnh đến cơ sở được liên thông qua môi trường số; hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng đối với cấp tỉnh, cấp huyện đạt từ 80% - 90%; người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch đang còn hoạt động tại các ngân hàng đạt trên 40% trên tổng số dân tỉnh.
Chủ tịch Trần Văn Lâu cũng nhấn mạnh: Nguồn nhân lực cho CĐS được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; tình hình an toàn thông tin (ATTT) mạng cơ bản được kiểm soát. Và nhất là nhận thức của các các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân có nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của CĐS.
Mặc dù trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền để tăng cường ứng dụng CĐS trên tất cả các lĩnh vực, nhưng Chủ tịch Trần Văn Lâu đã chỉ ra vẫn còn một số hạn chế nhất định như: công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, nhất là ở cơ sở; tỷ lệ người dân, DN sử dụng DVCTT còn rất ít; việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước và DN chưa đi vào chiều sâu; nhận thức về tầm quan trọng và giá trị của CĐS ở một số cán bộ, công chức và người dân chưa đầy đủ.
Chủ tịch Trần Văn Lâu nhận định: "CĐS là một việc khó, nhưng là xu hướng tất yếu khách quan, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã - hội nhanh và bền vững. Mục tiêu gần nhất của chúng ta là sớm hoàn thành các chỉ tiêu về CĐS của tỉnh đến năm 2025 theo Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy là: ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số để điều chỉnh phương thức hoạt động, cấp trúc lại quy trình, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo quản trị điều hành của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh".
Vì thế, theo Chủ tịch Trần Văn Lâu, nhiệm vụ CĐS cần phải được tiến hành khẩn trương, kiên trì, liên tục; kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ, các ứng dụng và dữ liệu số đã có, đi đôi với đổi mới sáng tạo; thường xuyên tổng kết, đánh giá và đề ra các giải pháp, lộ trình phù hợp, hiệu quả sẽ thực hiện hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2030.
Nỗ lực đạt tăng hạng chỉ số xếp hạng DTI
Thông tin về tình hình CĐS của tỉnh Sóc Trăng trong 1 năm vừa qua, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Sở TT&TT Sóc Trăng cho biết về thể chế, Sóc Trăng đã có Đề án số 03/ĐA-UBND ngày 06/10/2022 của UBND tỉnh Sóc Trăng về CĐS tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, 13 quyết định, 9 kế hoạch, văn bản hướng dẫn, thông báo, chỉ đạo về CĐS. Sở TT&TT đang trình 03 văn bản và đang xây dựng 06 văn bản nhằm phục vụ cho công tác CĐS của tỉnh.
Cuối năm 2021, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng hoàn tất Trung tâm Giám sát điều hành tỉnh (IOC) gồm phân hệ: y tế, giáo dục, hành chính công, cổng TTĐT, băn bản điện tử, tài nguyên môi trường, du lịch, kinh tế xã hội, phản ánh hiện trường, camera giám sát, bản đồ nền. Các phân hệ cơ bản đã cập nhật số liệu để phục vụ công tác chỉ đạo, lãnh đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh. Hiện tại Trung tâm IOC của tỉnh đang trong giai đoạn phân tích, đánh giá, hoàn thiện số liệu.
Triển khai thực hiện Quyết định số 186/QĐ-BTTTT ngày 11/02/2022 của Bộ TT&TT về việc phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ CĐS, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, Tỉnh đã triển khai một số nền tảng: (1) Nền tảng điện toán đám mây tỉnh (đã triển khai cho Trung tâm tích hợp dữ tỉnh); (2) tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LSGP); (3) hệ thống điều hành thông minh tỉnh (IOC); (4) hóa đơn điện tử (ngành thuế đã triển khai); (5) định danh người dân và xác thực điện tử (đã phối hợp Công an tỉnh hoàn thành công tác chuẩn bị kết nối và đã được Bộ Công an chấp thuận cho kết nối); (6) truy xuất nguồn gốc nông sản (https://txng.soctrang.gov.vn/); (7) bảo tàng số (triển khai trong 2022 - 2024); (8) khảo sát, thu thập ý kiến người dân (dự kiến triển khai từ năm 2023); (9) địa chỉ số (Bưu điện tỉnh đã triển khai rà soát, dự kiến triển khai trong năm 2023); (1) bản đồ số (Bưu điện tỉnh đã triển khai rà soát, dự kiến triển khai trong năm 2023).
Một số nền tảng nữa sẽ được triển khai gồm các nền tảng: tổng hợp, phân tích dữ liệu (triển khai trong dự án xây dựng Kho CSDL dùng chung); dạy học trực tuyến; nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở (MOOC); dữ liệu số nông nghiệp; hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, quản lý tiêm chủng, hồ sơ sức khỏe điện tử, trạm y tế xã; phát thanh số (trực tuyến); truyền hình số (trực tuyến), khảo sát, thu thập ý kiến người dân; họp trực tuyến thế hệ mới cho cơ quan nhà nước
Triển khai thực hiện tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã thành lập 775 tổ CNSCĐ(khóm, ấp đạt tỷ lệ 100%) với 5.466 thành viên.
Giám đốc Nguyễn Hữu Hạnh cũng nhấn mạnh Sở TT&TT cũng tập trung trong 3 tháng tới thúc đẩy sử dụng DVCTT, trong đó có hoàn thiện phần mềm, hạ tầng, giao chỉ tiêu về DVCTTT từng đơn vị Sở, ngành. Sở TT&TT cũng tập trung nâng xếp hạng Chỉ số DTI từ 40 - 45/63 tỉnh, thành.
Những đề xuất cụ thể để Sóc Trăng tăng hạng DTI
Trao đổi về tình hình CĐS và Chỉ số DTI của Sóc Trăng, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục CĐS Quốc gia - Bộ TT&TT cho biết năm 2021, giá trị DTI cấp tỉnh của Sóc Trăng, có mức tăng đáng kể nhất, khoảng 32,7%. Sóc Trăng là 12/89 bộ, tỉnh (6 bộ và 6 tỉnh) có giá trị DTI 2021 đạt từ 0,5 trở lên, chiếm 13,48%
Về 3 trụ cột DTI cấp tỉnh, giá trị 03 trụ cột (chính quyền số (CQS), kinh tế số, xã hội số - KTS - XHS) của Sóc Trăng đều tăng: chỉ số CQS tăng 19,6%; chỉ số KTS tăng 59,6%; chỉ số XHS 0,3989, tăng 37,6%. Kết quả này có được là kế thừa kết quả từ việc triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước giai đoạn trước.
Để tiếp tục thúc đẩy CĐS, Phó Cục trưởng Nguyễn Phú Tiến đã đưa ra những đề xuất. Đầu tiên là về nhận thức, Sóc Trăng đã bước đầu làm tốt về nhận thức 4/10chỉ tiêu. Theo đó, Sóc Trăng tuyên truyền bằng câu chuyện thành công, tuyên truyền bằng cách cầm tay chỉ việc
Về thể chế số, Sóc Trăng bước đầu ban hành được các văn bản 3/11chỉ tiêu. Theo đó, Sóc Trăng cần đôn đốc các đơn vị khẩn trưởng bổ sung các loại văn bản còn thiếu, tiếp tục ban hành văn bản định kỳ hàng năm nhắc nhở, chấn chỉnh quản lý chi cho CĐS.
Về hạ tầng số, Sóc Trăng đạt được 4/7chỉ tiêu. Về nhân lực số, Sóc Trăng đã bước đầu đạt 6/13chỉ tiêu, theo đó Sóc Trăng cầnbồi dưỡng, tập huấn cán bộ chuyên trách kiêm nhiệm về CĐS, ATTT; bồi dưỡng, tập huấn công chức, viên chức về CĐS hàng năm; phổ cập kỹ năng sử dụng ứng dụng, dịch vụ số đến hơn 1,3triệu dân; phổ cập việc học trực tuyến các môn khoa học tự nhiên, ngoại ngữ; người dân được phổ biến trên nền tảng OneTouch.
Về ATTT, Sóc Trăng đã bước đầu đạt 8/12 chỉ tiêu, trong đó, 6 hệ thống thông tin đã được phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ, 31 máy chủ và 299 máy trạm có kết nối chia sẻ thông tin (theo hướng dẫn Cục ATTT, Bộ TT&TT)
Về CQS, Sóc Trăng đã đạt 100% DVC đủ điều kiện mức độ 4, trong đó 71,81% DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến, 13,91% hồ sơ xử lý trực tuyến; gần 10.000 tài khoản người dân, DN trên Cổng DVC tỉnh; 91,59% mức độ hài lòng của người dân, DN khi sử dụng DVCTT. Theo đó, Sóc Trăng cần giao chỉ tiêu người đứng đầu thúc đẩy DVCTT; khuyến khích người dân, DN sử dụng DVCTT bằng cách giảm phí, lệ phí; thời gian xử lý; thí điểm tiếp nhận hồ sơ trực tuyến theo ngày... để tăng tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến; Duy trì, phát huy những thành tích đã đạt được; công tác tổ chức, tập huấn, tuyên truyền thông qua tổ CNSCĐ...
Ông Nguyễn Phú Tiến nhấn mạnh Sóc Trăng cần đưa người dân lên các nền tảng số để phục vụ cuộc sống của người dân về mọi mặt của cuộc sống như đi lại, mua sắm, đọc báo... Người dân thấy tiện ích được tạo ra từ nền tảng số thì người dân sẽ dùng như đưa người dân lên các nền tảng số thương mại điện tử để bán hàng. Kinh nghiệm của các tỉnh từ việc đưa người nông dân bán hàng lên nền tảng số, doanh thu tăng gấp 3 lần.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Tiến lưu ý lên nền tảng số là thị trường phi biên giới, rộng lớn nên phải hướng dẫn người dân có quy mô triển khai sản xuất./.