Liên kết thương mại điện tử nước ngoài để mở rộng kênh tiêu thụ hàng Việt

Truyền thông - Ngày đăng : 18:24, 21/11/2022

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hỗ trợ hàng hóa, nông sản Việt quảng bá và tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử ở nước ngoài như Amazon, Alibaba, Google, Shopee, Voso, Tiki, Lazada….

Nhằm tăng cường quảng bá và mở rộng kênh tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản Việt, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết sẽ tổ chức các hoạt động liên kết thương mại điện tử ở nước ngoài, bên cạnh các hoạt động kết nối thương mại điện tử trong nước. Theo đó, hàng Việt, nông sản Việt sẽ được xuất hiện, quảng bá qua các kênh thương mại điện tử ở nước ngoài như Amazon, Alibaba, Google, Shopee, Voso, Tiki, Lazada…. Những hoạt động này sẽ giúp mở rộng thị trường, thúc đẩy các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới cho doanh nghiệp Việt.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết Cục đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai hợp tác chặt chẽ với đối tác thương mại điện tử trong và ngoài nước, kết nối đối tác với doanh nghiệp để thực hiện chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp, nâng cao kiến thức về các quy định, chính sách pháp luật liên quan đến thương mại điện tử.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng được đào tạo những kỹ năng cần thiết để tham gia thương mại điện tử và thương mại xuyên biên giới. Chẳng hạn, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp ở các vùng nông thôn, sẽ được học cách mở gian hàng, vận hành thực hiện các đơn hàng, cách quản lý khâu hậu cần, lưu kho, vận chuyển đơn hàng và quản lý chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài. Các chương trình thương mại điện tử sẽ được tổ chức bàn bản, giúp doanh nghiệp nắm bắt về xu hướng tiêu thụ mới, cách làm thương mại điện tử quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu ra các thị trường lớn.

Thực tế, trong thời gian dịch COVID-19 vừa qua, do khó khăn về kinh tế cũng như các hoạt động kinh doanh, bán hàng, các doanh nghiệp, địa phương trên cả nước đã từng bước hỗ trợ và đào tạo nhà bán hàng quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử trong nước, đặc biệt là ứng dụng các công cụ, giải pháp chuyển đổi số giúp nâng cao năng suất sản phẩm, bổ sung kênh tiêu thụ hàng hóa ngoài các kênh truyền thống.

Hàng loạt chương trình kết nối thương mại điện tử để tiêu thụ nông sản, đi chợ online đã trở thành giải pháp hữu hiệu trong mùa dịch, nhằm kết nối lưu thông, tăng cường tiêu thụ hàng hoá, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Những phương pháp mua, bán hàng này tiếp tục được duy trì sau khi dịch đã được kiểm soát thành công. Hàng nghìn tấn nông sản, hàng hoá thiết yếu, hàng tiêu dùng đã được phân phối qua kênh thương mại điện tử.

Các cơ quan quản lý Nhà nước đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp địa phương chuyển đổi số, thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt qua kênh thương mại điện tử, góp phần lưu thông hàng hoá, kết nối cung cầu các sản phẩm địa phương, nông sản vùng miền, hàng Việt qua thương mại điện tử./.

HA