Lâm Đồng đẩy mạnh đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị, lên sàn TMĐT
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 20:47, 21/11/2022
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được coi là điểm nhấn để phát huy lợi thế của địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp với việc tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng riêng có.
Tính đến hết năm 2021, tỉnh Lâm Đồng có 155 sản phẩm OCOP, trong đó, 09 sản phẩm 5 sao, 79 sản phẩm 4 sao, 67 sản phẩm 3 sao và có 93 chủ thể tham gia chương trình…
Từ những thành tựu ban đầu đạt được trong giai đoạn năm 2018 - 2021, Chương trình OCOP Lâm Đồng tiếp tục huy động nguồn lực để triển khai nhiều hoạt động đồng bộ, thăng hạng cấp sao đối với những nhóm sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương giai đoạn năm 2022 - 2025.
Đáng chú ý, trong đợt 1/2022 vừa qua, Hội đồng OCOP tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức trao 23 sản phẩm xếp hạng OCOP 3 - 4 sao của 13 chủ thể là doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ nông dân trên địa bàn. Theo đó, gồm 100% sản phẩm nông nghiệp các loại sơ chế, chế biến như cà phê bột; bột rau má, cần tây, cỏ ngọt, diếp cá; trà ô long, trà đen; rau xà lách thủy canh; cà rốt baby; bơ 034…
Lũy kế trong 4 năm qua, toàn tỉnh Lâm Đồng đã phân loại 200 sản phẩm OCOP của 116 chủ thể trên địa bàn. Phân loại gồm 9 sản phẩm OCOP hạng 5 sao; 109 sản phẩm OCOP 4 sao và 82 sản phẩm OCOP 3 sao.
Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết, qua gần 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã bắt đầu tiếp cận với người dân, HTX, DN. Thông qua công tác tuyên truyền, các hoạt động xúc tiến thương mại cùng với sự thành công của các chủ thể đi trước, đã tạo động lực mạnh mẽ cho các chủ thể mới tham gia chương trình. Nhiều địa phương đã thấy được tiềm năng, thế mạnh phát triển OCOP, nâng cao thu nhâp, thực hiện tốt tiêu chí tổ chức sản xuất của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới…
Mục tiêu đến năm 2025, Chương trình OCOP tỉnh Lâm Đồng tiếp tục nâng cấp, thăng hạng 50% sản phẩm OCOP hiện có, nhằm đạt ít nhất 230 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và 20 sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Đồng thời, ưu tiên phát triển các chủ thể DN vừa và nhỏ, xây dựng chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, gắn với vùng nguyên liệu ổn định, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Trong đó, từ 30% - 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...; phấn đấu mỗi huyện, thành phố trong tỉnh Lâm Đồng có ít nhất 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP./.