Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới
Truyền thông - Ngày đăng : 13:54, 22/11/2022
Những yêu cầu mạnh mẽ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng của công tác thông tin đối ngoại. Không những thế, công tác xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định, thu hút sự ủng hộ, chia sẻ của cộng đồng quốc tế cũng được quan tâm, chú trọng.
Trước những tác động, biến đổi mạnh mẽ và phức tạp của tình hình mới, nhiều vấn đề trong công tác bảo vệ tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch thường xuyên đặt ra. Trong bối cảnh này, công tác lãnh đạo, định hướng thông tin đối ngoại luôn được Đảng chủ động nắm bắt và đưa ra những đường lối lãnh đạo kịp thời. Công việc này đã góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Quá trình toàn cầu hóa cùng với cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Sự thay đổi này tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, cả trong nước và trên thế giới. Hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế lớn của Việt Nam và quốc tế, nhưng trong quá trình đó, vẫn có những xung đột phức tạp, các thế lực thù địch vẫn ra sức chống phá. Các thế lực thù địch, phản động và phần tử cơ hội chính trị đang lợi dụng những tiến bộ của các ứng dụng công nghệ mới để có những hành động chống phá.
Vì thế, những yêu cầu mạnh mẽ đã được Đảng và Nhà nước đặt ra trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, sao cho bạn bè quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nắm rõ thông tin, hiểu biết sâu sắc hơn nữa về Việt Nam là điều vô cùng quan trọng.
Thí điểm phổ biến, bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị trên Internet
Đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau nhiều năm đổi mới, giúp nâng cao uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Các hoạt động nâng cao tư tưởng, kiến thức lý luận chính trị thường xuyên được tổ chức. Mới đây, Tọa đàm khoa học “Phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet” đã được Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Hà Nội.
Theo đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tọa đàm khoa học được tổ chức nhằm nâng cao sức mạnh đấu tranh phản bác mọi quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới và tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Các vấn đề về nội dung bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho các cán bộ, đảng viên trên Internet đã được bàn thảo tại Tọa đàm, trong đó tập trung góp ý sâu vào các nội dung như kiến thức lý luận chính trị; nghiệp vụ công tác lý luận chính trị; kiểm tra đánh giá. Ngoài ra, Tọa đàm cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị của các chuyên gia, nhà khoa học về việc triển khai “Đề án thí điểm phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet”.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu đã được đưa ra, góp ý về những nội dung phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet hiệu quả. Hầu hết các đại biểu, chuyên gia cho rằng để đạt được các mục tiêu về tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, lý luận chính trị trên Internet hiệu quả, cần có hạ tầng kỹ thuật tốt, nội dung phải cập nhật phù hợp, có sự chọn lọc kỹ và phân chia để phù hợp với từng đối tượng. Đặc biệt, phần mềm phải dễ sử dụng, giao diện thân thiện để cán bộ, đảng viên thuận tiện trong truy cập, học tập và phát huy hiệu quả đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.
Trong Tọa đàm khoa học về “Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên Internet trong giai đoạn hiện nay” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hồi tháng 9/2022, đồng chí Phạm Thị Vui, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc triển khai bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên Internet. Điều này đặc biệt cần thiết trong xu thế phát triển của cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Vì thế, công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên mạng Internet nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, thù địch cũng là một phần quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII về chiến lược chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Chú trọng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, thù địch trên mạng Internet cũng nhằm khuyến khích các cán bộ, đảng viên ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị. Việc triển khai phổ biến các nội dung lý luận chính trị trên mạng Internet cũng đem lại sự tiện lợi trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh môi trường công tác.
Vì tính tiện lợi và hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng Internet và các nền tảng số trong tuyên truyền và phổ biến kiến thức về chống lại những thế lực thù địch, nhiều nhà khoa học đề xuất xây dựng nền tảng công nghệ hiện đại và ổn định để mang lại khả năng tiếp cận tiện lợi cho người học và người sử dụng. Trong quá trình xây dựng và thực thi, công tác kiểm tra giám sát cần phải tăng cường và đảm bảo chất lượng nội dung theo yêu cầu, tránh hiện tượng hợp thức hóa bằng cấp, chứng chỉ.
Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW, đồng chí Lê Hải Bình cho biết Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ động đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì tổ chức thí điểm việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet, phù hợp với từng đối tượng. Từ đó, Cổng thông tin chung về lý luận chính trị sẽ được xây dựng một cách khoa học, hệ thống giúp cán bộ đảng viên tra cứu, học tập, bồi dưỡng, cập nhật thường xuyên.
Theo lộ trình, ngay đầu năm 2023, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ triển khai thí điểm việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet ở 12 địa phương, cơ quan, đơn vị và sau đó sẽ triển khai trên toàn quốc./.