CEO Quỹ ThinkZone: Chúng tôi không đầu tư vào Founders ‘chưa biết mùi đời’! Chưa vấp ngã thì cái tôi cao, không tin nhà đầu tư
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 16:13, 22/11/2022
“Đa phần các quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam đặt trụ sở tại Singapore, thì trụ sở chính của ThinkZone ở Việt Nam. Chúng tôi cũng là quỹ duy nhất ở Việt Nam được góp vốn hoàn toàn bởi các tập đoàn Việt Nam”, ông Bùi Thành Đô - Founding Partner & CEO Quỹ ThinkZone Ventures – chia sẻ tại Đại hội Sales và Marketing toàn quốc VSMCamp và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing CSMOSummit.
ThinkZone Ventures có quy mô vốn 60 triệu USD, được góp vốn bởi IPA Investment – tập đoàn đang đầu tư vào CTCP Chứng khoán VnDirect và CTCP Giải pháp phần mềm Tài chính (FSS), Phú Thái Holdings của doanh nhân Phạm Đình Đoàn, và Stavivan – tập đoàn liên quan đến mảng sản xuất các vật liệu xuất khẩu trên 100 quốc gia.
4 tiêu chí đầu tư: Không chọn Founders “chưa biết mùi đời”, biết cần gì ngoài tiền của nhà đầu tư
Chia sẻ tại sự kiện, ông Đô cho biết ThinkZone có 4 tiêu chí đầu tư.
Một là, chỉ tập trung đầu tư vào các công ty có khả năng tăng trưởng nhanh, ở giai đoạn sớm (Early Stages).
“Tại sao ThinkZone chọn chiến lược ấy? Vì đa phần startup Việt Nam ở giai đoạn Early. Tổng thị trường đầu tư vào các công ty công nghệ Việt Nam hiện có thể lên tới 2 tỷ USD/năm, nhưng đa phần startup ở Việt Nam ở giai đoạn gọi vốn từ 1 - 3 triệu USD. Đấy là thị trường rất tiềm năng cho nhà đầu tư”, ông Đô nói và cho biết quy mô rót vốn lần đầu đầu tư của ThinkZone không quá 3 triệu USD/startup.
“Năm vừa rồi chúng tôi giải ngân 10 triệu USD cho khoảng 10 startup, nâng tổng danh mục đầu tư lên 18 công ty”.
Hai là, ThinkZone không đầu tư cho Founders lần đầu khởi nghiệp.
“Kinh nghiệm cho thấy lần đầu khởi nghiệp thất bại hết. Cái tôi rất cao, nhà đầu tư nói gì cũng không tin. Chưa vấp ngã thì chưa biết mùi đời”, ông Đô nói thẳng.
Ba là, đầu tư vào các mô hình Emerging Sectors (các lĩnh vực mới nổi) - những phân khúc đang thu hút vốn đầu tư mạo hiểm, thu hút nhu cầu và giải quyết các pain-point (nỗi đau) thị trường.
Ví như với tổng lượng vốn rót vào các startup Việt Nam, thì một nửa đầu tư vào các startup trong lĩnh vực DFS (Digital Financial Services – các dịch vụ tài chính số).
“Thị trường Việt Nam đang hưởng lợi, với tốc độ tăng trưởng nền kinh tế số nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, mà Đông Nam Á là khu vực tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới”.
“Chúng ta có thị trường gần 100 triệu dân, sử dụng internet rất nhiều, cho nên các nhà đầu tư trên thế giới rất quan tâm vào startup công nghệ Việt. Một điểm rất quan trọng là chúng ta đã chứng minh cho thế giới thấy chúng ta có những mô hình có thể trở thành Unicorn (Kỳ lân – các startup có định giá trên 1 tỷ USD – PV). Tôi tham dự nhiều diễn đàn trên thế giới về đầu tư, có nhiều quỹ đầu tư đang đầu tư vào các thị trường ngách và có một điểm rất buồn - Dù có thống lĩnh cả thị trường thì cũng không đủ để trở thành Unicorn. Trong khi đó, Việt Nam đang có 4 Unicorn, và hai trong số đó nằm trong lĩnh vực Fintech là VnPay và MoMo”, ông Đô bày tỏ.
Bốn là, ThinkZone chỉ đầu tư vào các mô hình hiểu rõ các startup cần gì ngoài tiền của ThinkZone.
“Quan điểm quản trị rủi ro của các quỹ đầu tư rất khác nhau. Với ThinkZone, nếu mình không giúp gì được người ta chứng tỏ mình chẳng hiểu gì cả. Mình không hiểu gì tức là không đánh giá đúng sự hấp dẫn của mô hình đầu tư ấy”.
“Khi đầu tư, có một điểm rất quan trọng trong tổng chỉ số đầu tư của chúng tôi là Added Value (giá trị tăng thêm) – ThinkZone có thể mang lại được gì ngoài tiền? Khi đầu tư vào giai đoạn Early, tiền không phải yếu tố quan trọng nhất, mà quan trọng là bạn giúp được gì cho công ty ấy ngoài tiền. Còn tiền thì quỹ đầu tư nào cũng có, không phải USP (Unique Selling Point – Lợi thế duy nhất) của một quỹ đầu tư”, CEO ThinkZone bày tỏ.
Một trong những giá trị ngoài tiền ThinkZone có thể mang lại cho các startup, ông Đô cho biết, là mạng lưới hợp tác. Khi ThinkZone công bố một khoản đầu tư, luôn có các nhà đầu tư nước ngoài đồng hành, và các nhà đầu tư nước ngoài có thể đưa các startup trong danh mục vươn ra thế giới.
Những tập đoàn ThinkZone kết nối có thể kể đến Amazon Web Services, Google…, doanh nghiệp Việt thì có FPT.
“ThinkZone có nhiều vòng làm việc rất riêng tư giữa các startup, đưa các bạn Founders đến gặp anh Hoàng Nam Tiến (Chủ tịch HĐQT FPT Telecom) trên bàn ăn, để có thể hỗ trợ chốt các đề xuất hợp tác”, ông Đô lấy ví dụ.