Đến năm 2025, cả nước có 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 21:33, 22/11/2022
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sau hơn 4 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP (Chương trình OCOP), đến ngày 31/10/2022, 63/63 tỉnh thành đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm. Cả nước đã có 8.565 sản phẩm đạt 3 sao trở lên. 4.392 chủ thể OCOP có sản phẩm đạt 3 sao trở lên.
Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy suất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn. Bên cạnh đó, chương trình cũng thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhóm yếu thế…
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, tồn tại như số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững; thiếu sự chủ động của các chủ thể khi tham gia vào chương trình; chưa tập trung đến các giải pháp về chuẩn hóa chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm; hoạt động xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn nhằm tạo ra không gian phát triển kinh tế, văn hóa cho khu vực nông thôn và nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng hiệu quả và thực chất hơn.
Một trong những giải pháp trọng tâm phát triển sản phẩm OCOP là nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể OCOP; tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa địa phương. Đặc biệt là phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn. Chương trình đề ra mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên./.