Giải pháp bảo vệ và hỗ trợ người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 21:17, 22/11/2022

Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) nhằm hỗ trợ phát triển, ổn định và mở rộng thị trường; phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp (DN); bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước được thành lập từ năm 2003 trên cơ sở Nghị định số 81/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động về NLĐ Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Theo đó, Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, được thành lập nhằm phát triển thị trường lao động ngoài nước; nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế; đồng thời, hỗ trợ rủi ro cho NLĐ và DN trong hoạt động xuất khẩu lao động.

Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.

Nội dung chi và mức chi đối với các nhiệm vụ của Quỹ thực hiện theo quy định tại Điều 67 Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, theo đó, (1) Hỗ trợ đối với NLĐ trong trường hợp sau đây: NLĐ phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc; NLĐ phải về nước trước thời hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác; 

NLĐ phải về nước trước thời hạn do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 6 của Luật này; Giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến NLĐ trong hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Hỗ trợ thân nhân NLĐ trong trường hợp người lao động chết, bị mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài. 

(2). Hỗ trợ đối với DN trong trường hợp sau đây: Khai thác, phát triển, ổn định thị trường lao động ngoài nước; Giải quyết những rủi ro liên quan đến người lao động do mình đưa đi. 

(3). Hỗ trợ cho hoạt động liên quan trực tiếp đến NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 

(4). Chi phí quản lý Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Bộ LĐTB&XH đánh giá, sau gần 20 năm thành lập và hoạt động, Quỹ đã khẳng định được đây là một giải pháp hết sức đúng đắn góp phần đẩy mạnh hiệu quả hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hoạt động của Quỹ đã góp phần rất tích cực trong việc ổn định các thị trường lao động truyền thống, mở rộng và phát triển các thị trường lao động mới thông qua hỗ trợ cho các đoàn đi khảo sát, mở rộng thị trường lao động mới; có các hoạt động nhằm củng cố, duy trì thị trường lao động truyền thống bằng việc tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến thị trường.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, bản chất Quỹ Hỗ trợ việc làm ở nước ngoài như một cơ chế dự phòng, nhằm khắc phục rủi ro, tai nạn của NLĐ, hỗ trợ để phát triển thị trường, giải quyết những vấn đề tranh chấp…

Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước được đánh giá như là một giải pháp quan trọng chủ động kịp thời bảo vệ và hỗ trợ NLĐ Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh khó lường trước các rủi ro, hỗ trợ mở rộng các thị trường lao động mới và ổn định phát triển các thị trường cũ. 

Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước: Giải pháp bảo vệ và hỗ trợ người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài - Ảnh 1.

Dạy tiếng Nhật cho NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài tại Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội

Ông Nguyễn Văn Sơn (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh) cho biết, khi đi lao động ở ngoài nước, NLĐ có thể xảy ra các nguy cơ rủi ro, vì thế, có một quỹ hỗ trợ như thế này, bảo đảm cho NLĐ tin tưởng, và tạo điều kiện để hỗ trợ khắc phục những rủi ro cho họ; bảo đảm được quyền lợi cũng như trách nhiệm, kể cả hỗ trợ DN an tâm hơn, giúp họ xử lý những rủi ro, mở rộng thị trường và những yếu tố khác trong vấn đề này là rất cần thiết. Trách nhiệm trước hết chính từ DN dịch vụ và bản thân NLĐ thông qua việc đóng góp vào Quỹ này như một cơ chế dự phòng, khắc phục rủi ro./.

Thảo Vân