Quảng Nam - Vùng đất mở cho khởi nghiệp ĐMST

Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 06:07, 23/11/2022

Do mỗi địa phương khác nhau, được tạo lập và phát triển dựa trên những giá trị truyền thống và điều kiện của mình, Quảng Nam xác định, cùng với khoa học và công nghệ (KH&CN), khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) là một trong ba khâu đột khá xây dựng tỉnh đến năm 2025.

Khởi động hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST từ năm 2017

Chia sẻ về các hoạt động ĐMST ở tỉnh Quảng Nam, ông Phạm Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) - Trưởng Ban Điều hành Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cho biết, Quảng Nam bắt đầu khởi động hệ sinh thái khởi nghiệp vào quý 1 năm 2017 và là địa phương thứ 4 của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cũng như thứ 10 - 15 của Việt Nam trong việc triển khai hệ sinh thái ĐMST tại địa phương.

Do hệ sinh thái khởi nghiệp/ĐMST là hệ sinh thái xã hội nên mỗi nơi, mỗi địa phương, mỗi vùng miền lại có những thành tố cấu thành khác nhau. Điều này, khiến cho việc triển khai ĐMST của địa phương có những nét tương đồng nhưng cũng có những điểm khác biệt, làm cho hệ sinh thái của Việt Nam trở nên sinh động, phong phú, đa dạng hơn. 

"Vì vậy, mỗi tỉnh, thành cần phát hiện ra các thành tố cấu thành của hệ sinh thái địa phương mình để tập trung đẩy mạnh, bền vững hơn. Việc chọn đúng thành phần cốt lõi cũng sẽ giúp phát triển, sẽ tạo nên sự gắn kết bền vững cả hệ sinh thái", ông Sinh bày tỏ.

Với tỉnh Quảng Nam, khởi nghiệp dựa trên giá trị cốt lõi, nền tảng của địa phương có truyền thống văn hóa, canh tân, đổi mới của xứ Quảng. Sau 2 năm triển khai (2017 - 2019), Quảng Nam định hình giá trị với câu slogan: "Quảng Nam vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo". Chính vì điều đó, đã truyền cảm hứng, lan tỏa giá trị, tinh thần và định vị xuyên suốt các hoạt động khởi nghiệp của Quảng Nam.

Trên tinh thần đó, Quảng Nam triển khai hệ sinh thái khởi nghiệp được nhiều cơ quan Trung ương, như: Bộ KH&CN, Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, VCCI… cũng như các chuyên gia khởi nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp đánh giá cao: Khởi nghiệp tích hợp để kết nối và chia sẻ nguồn lực nhất là nhân lực, để lan tỏa và tạo động lực, để hoàn thiện và thương mại ý tưởng, dự án khởi nghiệp;…. Kế hoạch Hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam được xây dựng trên nền tảng tích hợp tất cả các Đề án của Trung ương. Quảng Nam đã sáng tạo thêm hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, mặc dù Chính phủ chưa có Đề án cho nông dân.

Đề cao vai trò doanh nhân và đẩy mạnh xã hội hóa, doanh nhân Quảng Nam ở địa phương cũng như các tỉnh, thành khác bằng kinh nghiệm xương máu và sự từng trải đã luôn đồng hành, truyền cảm hứng và tạo niềm tin, động lực để chắp cánh cho startup, tạo nên văn hóa doanh nhân xứ Quảng. Có thể nói, tất cả các sự kiện khởi nghiệp xứ Quảng luôn có dấu ấn đậm nét của doanh nhân. 

Họ cũng đã tạo nên Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh cùng các địa phương Bắc Trà My, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hiệp Đức,… Đây là nguồn hỗ trợ kịp thời để xây dựng hệ sinh thái, giúp hoạt động khởi nghiệp diễn ra sôi nổi, sinh động và lan tỏa. Trong 5 năm vừa qua, Quảng Nam đã ký kết 15 chương trình hợp tác với các địa phương, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong cả nước và luôn xem hợp tác là nguồn lực để vận hành hệ sinh thái

Để vận hành hệ sinh thái mở, tích hợp, Quảng Nam là tỉnh đầu tiên và duy nhất sáng tạo thành lập Ban Điều hành với chức năng điều phối và hỗ trợ các thành phần Hệ sinh thái linh hoạt, tự phát triển và tương tác. Ban Điều hành luôn hướng về phía trước, tạo động lực cho cộng đồng doanh nhân, cộng đồng startup đặt mục tiêu, phấn đấu đi lên. Đây là đòn bẩy quan trọng, quyết định để kết nối nhà nước vận hành hệ sinh thái năng động và giàu nhiệt huyết. 

"Mọi người tham gia Ban Điều hành đều có sự chia sẻ, cộng tác trong công việc và cống hiến giá trị bản thân cho cộng đồng. Đó là lý do vào thời điểm cuối năm 2019, đã từng có tờ báo đã ví Ban Điều hành là "những kẻ vác tù và thời 4.0", ông Sinh chia sẻ thêm.

Về lý do tại sao phải kết nối các dự án khởi nghiệp, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, tỉnh Quảng Nam phải kết nối khởi nghiệp mở để có thể chia sẻ, có thêm nguồn lực, phát huy tối đa khả năng, thế mạnh của các cơ quan. Nếu các dự án cứ đóng kín, của đơn vị nào thì chỉ cơ quan đó biết thì các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đó sẽ không đi đến đâu. Chưa kể, về yếu tố thương mại, kết nối khởi nghiệp mở là một hình thức quảng bá thương mại ý tưởng, dự án khởi nghiệp bài bản. Chính vì định vị được điều đó, nên tất cả các dự án khởi nghiệp, các hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều thực hiện với phương thức mở. Tiêu biểu như Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam kết hợp Ngày hội khởi nghiệp Phụ nữ miền Trung - Tây Nguyên, TechFest Quảng Nam; Chương trình sinh viên Quảng Nam tại Huế; sinh viên Quảng Nam tại TP. Hồ Chí Minh…

Ngoài Cổng thông tin Khởi nghiệp sáng tạo kết hợp Sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp, Quảng Nam xây dựng chuyên mục Khởi nghiệp sáng tạo trên Báo Quảng Nam, Đài phát thanh truyền hình (PTTH) tỉnh, bản tin chuyên ngành... và toàn bộ thông tin về khởi nghiệp/ĐMST đều được cập nhật lên mạng xã hội. Việc này được chú trọng ngay từ khi bắt đầu khởi động hệ sinh thái từ năm 2017 để lan tỏa giá trị khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, hàng năm, diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tập huấn,….về khởi nghiệp diễn ra thường xuyên, sôi động nhiều cấp độ khác nhau.

"Tất cả những thứ mà Quảng Nam cũng như các địa phương có được đều được chia sẻ một cách công khai, không giữ lại bất cứ điều gì cho tỉnh mình, từ cơ chế, chính sách, mức độ đầu tư, các dự án khởi nghiệp, các chuyên gia… Đó là lý do, Bộ KHCN chọn và giao Quảng Nam kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo miền Trung – Tây Nguyên", ông Sinh chia sẻ thêm.

Trên tinh thần nếu không mở rộng kết nối thì khó mà thành công và đi xa được, Quảng Nam chủ trương thành lập Hội khởi nghiệp sáng tạo cấp huyện và các trường cao đẳng đại học, như là mái nhà chung để giúp đỡ, tạo điều kiện cùng nhau phát triển, hoạt động theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/04/2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Có lẽ, Quảng Nam là địa phương đầu tiên và tiên phong hình thành cộng đồng khởi nghiệp thông qua tổ chức hội và được chính quyền giao nhiệm vụ thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp.

Quảng Nam - Vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo - Ảnh 1.

Ông Phạm Ngọc Sinh: Cần tìm tòi, phát hiện, khuyến khích các dự án khởi nghiệp của địa phương mình.

Cần tìm tòi, khuyến khích các ý tưởng, dự án khởi nghiệp địa phương

Do đặc thù địa lý, Quảng Nam và các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên ở xa những trung tâm kinh tế, chính trị lớn nên những yếu tố tạo nên hệ sinh thái ĐMST, khởi nghiệp sẽ ít và yếu hơn. Do đó, các tỉnh miền Trung, Quảng Nam và Tây Nguyên đang hình thành các hệ sinh thái, liên kết với nhau dựa trên các yếu tố: Đầu tiên là sự kết nối và đồng hành với cơ quan quản lý địa phương. Trong đó, lấy vai trò của cơ quan quản lý địa phương làm điểm tựa, tạo thành trung tâm kết nối. 

"Chỉ có cơ quan quản lý mới có thể thực hiện được vai trò tạo giá trị kết nối, bà đỡ,… cho hệ sinh thái, điều mà các thành phần còn lại khó có điều kiện làm được", ông Sinh nói.

Yếu tố quan trọng thứ hai là cần tìm tòi, phát hiện, khuyến khích các dự án khởi nghiệp của địa phương mình. Nó có thể chỉ là một ý tưởng nhỏ, nhưng điều cần quan trọng là phải biết nuôi dưỡng, đưa vào thực tế. đào tạo và phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo các cấp. Thành công của hệ sinh thái là biết tạo dựng và phát triển các dự án khởi nghiệp sáng tạo; biết tìm tòi và phát triển các ý tưởng khởi nghiệp trong cộng đồng. 

Tỉnh cũng đã chú trọng công tác nuôi dưỡng, bồi đắp và phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp phải làm thường xuyên, thông qua các diễn đàn, các kết nối và các sự kiện, Ngày hội khởi nghiệp - thậm chí được phát hiện thông qua đối thoại và cách tìm hiểu "đi từng ngõ, gõ từng nhà". Đồng thời luôn luôn tạo sân chơi trí tuệ để họ được trình bày, kết nối và hợp tác để phát triển. Chưa kể, tỉnh Quảng Nam cũng đã vinh danh các ý tưởng, dự án khởi nghiệp là nguồn động viên tinh thần vô giá và là cơ hội quảng bá hình ảnh rộng rãi, hiệu quả.

Yếu tố tiếp theo là các lực lượng tham gia để phát triển các dự án khởi nghiệp tại địa phương. Tất nhiên, việc hợp tác này cần có một lộ trình phù hợp để dần dần tự chủ về nguồn lực. Để làm được việc này, ông Sinh đã tham mưu với UBND tỉnh để ban hành Đề án đào tạo nguồn giảng viên về khởi nghiệp sáng tạo tại Quảng Nam. Mục tiêu là có được một đội ngũ cố vấn chuyên gia giỏi từ cấp tỉnh, cấp vùng cho đến Trung ương để tạo ra một hệ sinh thái sâu rộng. 

Ông Sinh ví von: Xây dựng một bệnh viện lớn rất quan trọng, nhưng đồng thời phải chăm lo đào tạo một đội ngũ bác sĩ giỏi là cực kỳ quan trọng.

Cuối cùng, ông Sinh cho rằng, dù có bất cứ cơ chế chính sách nào cho startup mà các nhà sáng lập không bền bì với khát vọng, ý tưởng của mình thì mọi sự hỗ trợ đều không có ý nghĩa. Vì vậy, cần phải luôn lan toả văn hoá khởi nghiệp, dấn thân, đổi mới và khát vọng để vươn lên. "Các địa phương cũng nên động viên chia sẻ với những thất bại của khởi nghiệp, chính xã hội nuôi dưỡng đam mê của khởi nghiệp sáng tạo.", ông Sinh nói.

Chưa kể đến, Quảng Nam còn liên tục chăm lo bồi đắp và phát triển văn hóa khởi nghiệp thông qua việc động viên startup khi thất bại, xem điều đó như là "cơ hội" để ĐMST, cũng như khuyến khích và cổ vũ sự khác biệt, đôi lúc "điên rồ" trong hình thành và hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo. 

Từ đó, khởi dậy, đồng hành, cổ vũ sự đam mê đến cùng, khát khao cháy bỏng, dấn thân vươn lên làm giàu. Mọi cơ chế, chính sách và sự hỗ trợ của cộng đồng sẽ không phát huy hiệu quả, nửa vời, thậm chí "tác dụng ngược" nếu không có sự dấn thân và đam mê tột độ. Bất kỳ hệ sinh thái xã hội nào không dựa trên giá trị cốt lõi về văn hóa thì đó là Hệ sinh thái không bền vững.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở KHCN tỉnh Quảng Nam, một trong số những khó khăn mà tỉnh gặp phải khi phát triển hệ sinh thái là việc các nhà sáng lập khởi nghiệp vẫn chưa giành một đam mê, tâm huyết tận cùng với công việc. Tiếp theo là những hạn chế về khả năng thuyết trình, nên kêu gọi đầu tư phát triển dự án của mình vẫn chưa đủ sức thuyết phục các quỹ, các nhà đầu tư. Điều này một phần cũng do tích cách của người Việt, luôn tự ti, rụt rè, không mạnh dạn. Vì vậy, cần phải thay đổi từ từ, không thể ngày một ngày hai là có thể khắc phục được. Một hạn chế nữa là khả năng ngoại ngữ.

Bên cạnh đó, trong quá trình tiếp xúc với các startup, theo ông Sinh, nhiều dự án, các nhà sáng lập vẫn chưa biết lúc nào cần làm gì, chưa cần làm gì theo từng giai đoạn. Việc khai thác, tham gia các cơ chế hiện có của ý tưởng, dự án khởi nghiệp còn thụ động. Đồng thời, làm sản phẩm thì phải bán được nó, dù ít dù nhiều, nếu không thì khó có thể phát triển được lâu dài, làm được những việc lớn hơn. 

"Việc ĐMST, khởi nghiệp ở Quảng Nam không gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách, sự đồng hành của cơ quan quản lý địa phương. Lãnh đạo tỉnh luôn theo dõi, động viên và hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp. Đó là điều cực kỳ giá trị, tạo luồng sinh khí cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo", ông Sinh chia sẻ./.

NK