Tăng cường chuỗi liên kết để phát triển các làng nghề Việt Nam
Truyền thông - Ngày đăng : 09:14, 24/11/2022
Nhằm tăng cường các chương trình liên kết chuỗi cung ứng cho hàng Việt Nam, Hội nghị “Hợp tác phát triển sản phẩm làng nghề Hà Nội và các tỉnh phía Bắc” đã được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức. Hội nghị được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện, cơ hội gặp gỡ cho các làng nghề, cơ sở sản xuất với các nhà phân phối và người tiêu dùng. Thông qua Hội nghị, các đơn vị liên quan sẽ nắm bắt được các thông tin về các sản phẩm, làng nghề, từ đó có phương án thúc đẩy, hợp tác để sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm của địa phương.
Ngoài ra, chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững thuộc Danh mục của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025 cũng được bàn thảo tại Hội nghị.
Để sản phẩm của các làng nghề được sản xuất và tiêu thụ, phát triển bền vững, ông Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, khuyến nghị tập trung giải quyết một số vấn đề căn bản nhưng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các làng nghề. Các vấn đề được đưa ra bao gồm lên phương án xây dựng thương hiệu; phát triển quy hoạch và nguồn nguyên liệu; định hướng ứng dụng công nghệ, sản xuất sạch. Ngoài ra, các làng nghề cũng cần được hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, phát triển và mở rộng thị trường, từ đó có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước và quốc tế.
Trong thời đại công nghiệp 4.0, các làng nghề cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; tiếp cận các sàn thương mại điện tử để thiết lập kênh bán hàng online trên sàn, triển khai tương tác trực tiếp để bán hàng….
Làng nghề không chỉ sản xuất và bán sản phẩm mà còn có thể phát huy tiềm năng về du lịch làng nghề, giới thiệu, quảng bá nền văn hóa làng nghề cho du khách. Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề cho rằng để có thể phát triển du lịch làng nghề, các địa phương cần hợp tác, liên kết với nhau. Các Hiệp hội làng nghề sẽ là cầu nối triển khai các chương trình hợp tác, liên kết cho các làng nghề. Chương trình hợp tác, liên kết không chỉ giúp các làng nghề mở rộng cơ hội giao thương, mà còn góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề một cách bền vững.
Tổng giám đốc Công ty CP gốm Chu Đậu, ông Nguyễn Hữu Thức, cũng đề xuất tăng cường liên kết, tổ chức các chương trình du lịch với các làng nghề, tổ chức các chương trình trải nghiệm cho du khách đến tham quan. Để đạt hiệu quả cho các chương trình du lịch này, các bên liên quan cần tích cực quảng bá hình ảnh, nét văn hóa của các làng nghề truyền thống đối với bạn bè trong nước và quốc tế./.