Bắc Giang: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 16:17, 24/11/2022

Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang sau hơn 4 năm thực hiện đã mang lại kết quả tích cực, trở thành hàng hoá có uy tín, thương hiệu, từng bước tham gia vào chuỗi sản phẩm quốc gia.

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bắc Giang đã triển khai rất tích cực, xác định đây là nội dung trọng tâm và giải pháp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới bền vững; góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân. 

Hiện nay, ngành nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang đã cơ bản phát triển ổn định, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Toàn tỉnh có 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên thuộc 10/10 huyện, thành phố, trong đó có 42 sản phẩm đạt 4 sao, 138 sản phẩm đạt 3 sao. Có 78,4% chủ thể sản xuất là Hợp tác xã (HTX) ; 8,2% là doanh nghiệp (DN) và 13,4% là cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD). 

Và vùng cây ăn quả trên 51.000 ha, trong đó vùng vải thiều tập trung 28.000 ha; vùng cây có múi gần 11.000 ha, vùng rau an toàn gần 12.000 ha; đàn lợn gần 1 triệu con, đàn gia cầm trên 20 triệu con; vùng sản xuất gỗ nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến 80.000 ha, sản lượng khai thác bình quân gần 1 triệu m3 gỗ/năm… 1 sản phẩm nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch là Du lịch sinh thái văn hoá Bản Ven ở Yên Thế, nhiều sản phẩm đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng như Gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, na dai Lục Nam, chè Yên Thế, mỳ chũ Lục Ngạn,... tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm, nhiều nông sản nổi tiếng ở tầm quốc gia vươn tới xuất khẩu.

Bắc Giang: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng - Ảnh 1.

Vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm OCOP tiêu biểu của Bắc Giang

Bắc Giang: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng - Ảnh 2.

Đặc sản gà đồi Yên Thế, tỉnh Bắc Giang

Bắc Giang đã hỗ trợ hơn 100 lượt HTX, DN với khoảng 350 lượt sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu đặc trưng tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn kết nối cung cầu; hỗ trợ các chủ thể sản xuất xây dựng các điểm trưng bày sản phẩm và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (hơn 80% sản phẩm OCOP giao dịch trên các sàn thương mại điện tử).

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Giang cho biết, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, chương trình OCOP của tỉnh Bắc Giang đã mang lại kết quả tích cực, trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa trong khu vực nông thôn, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì chương trình OCOP của Bắc Giang vẫn còn một số khó khăn, hạn chế do nguồn lực triển khai chương trình chủ yếu là lồng ghép các chương trình, dự án khác đang triển khai trên địa bàn. Công tác tuyên truyền chưa đa dạng, nhiều chủ thể sản phẩm OCOP tiềm năng chưa hiểu rõ và nhận thức đầy đủ về lợi ích khi tham gia OCOP.

Đứng trước những khó khăn trong phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang, thời gian tới các cơ quan quản lý cần tăng cường kết nối giữa các chủ thể OCOP với các đơn vị phân phối, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước; Hỗ trợ các chủ thể OCOP đầu tư máy móc, thiết bị chế biến sâu, ứng dụng công nghệ mới. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cấp các chứng nhận về quy trình sản xuất để chủ thể tự tin đưa các sản phẩm đi xa hơn và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, mỗi chủ thể OCOP cần tự có trách nhiệm với sản phẩm của mình từ mẫu mã, bao bì, chất lượng và an toàn vệ sinh sản phẩm bởi mỗi sản phẩm OCOP được công nhận đã góp phần gia tăng giá trị không chỉ về kinh tế mà cả về giá trị văn hóa cho địa phương.

Để sản phẩm OCOP của Bắc Giang phát triển bền vững và nâng tầm vị thế thì chính quyền, DN, cơ sở sản xuất, HTX cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông về sản phẩm; hoàn thiện việc xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ... hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về chương trình OCOP./.

Đỗ Thêu