Khơi dậy và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng

Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 10:51, 28/11/2022

Ngày nay, trong thời đại cách mạng công nghệ, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, của tri thức nhân loại, mỗi người và hơn thế nữa là mỗi quốc gia cần xây dựng văn hóa đọc. Điều đó sẽ tạo ra được một nền văn hoá đọc phát triển, góp phần xây dựng và tạo nên một xã hội học tập phát triển.

Lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng

Kể từ đầu năm 2020 đến nay, văn hóa đọc của người Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi đại dịch COVID-19. Dịch bệnh khiến cho người Việt, không chỉ thay đổi thói quen đọc sách mà còn góp phần khơi dậy, lan tỏa văn hóa đọc trước nỗi lo mai một trong thời đại công nghệ số. 

Đặc biệt, trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, các bộ, ngành, đơn vị liên quan mật thiết đến phát triển văn hóa đọc đã xác định hướng đi, có nhiều cách làm mới, sáng tạo với mục tiêu tăng số lượng người đọc, tăng thời gian đọc, chú trọng hình thành thói quen ham đọc trong giới trẻ.

Thời gian qua, Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đẩy mạnh chương trình "Đọc sách cùng bạn" với các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao kỹ năng và phương pháp đọc sách. Hoạt động giới thiệu sách trực tuyến của các thư viện trong nước cũng được đẩy mạnh. Nhiều thư viện đưa ra các sáng kiến phục vụ bạn đọc tốt hơn, như nhận phục vụ nhu cầu mượn sách qua email và gửi sách đến nhà cho bạn đọc; mở dịch vụ miễn phí đọc sách cho học sinh, sinh viên trong những ngày các em phải nghỉ học; tư vấn hướng dẫn bạn đọc sử dụng thư viện trực tuyến…

Các thư viện cũng đặc biệt chú trọng thay đổi hình thức phục vụ để bắt kịp xu hướng và đáp ứng tốt nhu cầu bạn đọc. Xây dựng, nâng cấp thư viện trở thành thư viện điện tử, trên cơ sở triển khai các dịch vụ như đăng ký mượn sách trực tuyến, gia hạn sách trực tuyến, tư vấn cho bạn đọc qua trang facebook, website của thư viện…

Thông điệp, đọc sách ngày giãn cách là một trong những hoạt động được nhiều người dân hưởng ứng. Ở nhiều địa phương trong cả nước đã hình thành nhiều nhóm đọc sách trên Facebook. Họ chia sẻ cho nhau đọc các cuốn sách hay, sách nên đọc. Đồng thời, phát động phong trào "30 phút đọc sách mỗi ngày", "Đọc sách là niềm vui", "Đọc sách mỗi ngày"... thu hút hàng nghìn người quan tâm, chia sẻ.

Khơi dậy và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng - Ảnh 1.

Việc khuyến khích đọc sách và phát triển văn hóa đọc là một dòng chảy ngầm bất chấp dịch bệnh.

Có thể nói, quãng thời gian "sống chậm" vừa qua cũng là thời điểm cộng đồng có thêm thời gian đọc sách. Đặc biệt, với sự phát triển của mạng xã hội và Internet, hàng loạt những bài điểm sách hoặc những hội nhóm chia sẻ, giới thiệu và trao đổi sách ra đời. Một mạng lưới và cộng đồng đọc sách khổng lồ, có sự liên kết và tương tác cùng với thói quen chọn sách, mua sách, thảo luận, bình luận về sách đã hình thành và tạo thuận lợi cho việc phát triển văn hóa đọc trong tương lai. Và như vậy, việc khuyến khích đọc sách và phát triển văn hóa đọc là một dòng chảy ngầm bất chấp dịch bệnh.

Theo Vụ Thư viện, trong hai năm triển khai Đề án "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ" và "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", số lượt người sử dụng sách báo tăng lên hơn 50 triệu lượt người. Số sách, báo trong thư viện công cộng và 30 tỉnh, thành phố lên đến hơn 180 triệu. Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 do Bộ VHTT&DL phát động đã có sự tham gia của hơn 1 triệu học sinh, sinh viên từ gần 5.400 trường tiểu học, THCS, THPT, Đại học, Học viện, nhà trường, trong đó có cả những em khiếm thị.

Hội sách trực tuyến quốc gia lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 19/4/2020 với chủ đề "Đọc sách, nâng cao trí tuệ, vượt qua nỗi lo dịch bệnh" tại trang web book365.vn, đã thu hút hàng triệu lượt truy cập với hàng trăm ngàn người tham gia.

Năm 2021, Triển lãm sách trực tuyến kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức từ ngày 4/6-15/6/2021với 12 đơn vị tham gia triển lãm đã thu hút 541.543 lượt người truy cập, tổng số sách cung cấp đến tay bạn đọc là 3.706 cuốn sách với doanh số bán được là 415 triệu đồng.

Đặc biệt, Hội sách trực tuyến quốc gia chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 8 tổ chức trên Sàn sách quốc gia Book365 (diễn ra từ ngày 17/4 đến 21/5/2021) đã thu hút đông đảo bạn đọc trong khắp cả nước kể cả nước ngoài quan tâm dõi theo. Với thông điệp "Sách cho mọi nhà, đưa sách đi xa," mục tiêu của Hội sách là đưa sách đi muôn nơi, tới khắp mọi miền đất nước, không phân biệt vùng miền, không phân biệt khoảng cách địa lý, đặc biệt hướng tới bạn đọc vùng sâu vùng xa mong mỗi cuốn sách sẽ được gửi tới những người cần sách.

Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) cho biết: Hội sách trực tuyến quốc gia lần này với gần 100 đơn vị xuất bản trong và ngoài nước tham dự (tăng 20 đơn vị so với năm 2020), hội sách đã cung cấp hơn 40.000 cuốn sách tới bạn đọc, tăng 3 lần so với năm 2020 (13.000 cuốn). Hội sách trực tuyến quốc gia lần thứ hai có hơn 5,9 triệu lượt độc giả truy cập, tăng 3 lần so với năm trước; hơn 27.000 đơn vận được thực hiện, gấp 2,5 lần số đơn vận so với năm 2020.

Đây là những con số biết nói, minh chứng rõ, Hội sách quốc gia được tổ chức bằng hình thức trực tuyến trong 2 năm vừa qua đã được đông đảo bạn đọc quan tâm, chia sẻ, đồng thời góp phần lan tỏa mạnh mẽ văn hóa đọc đi khắp cộng đồng.

Hình thành thói quen đọc sách

Theo một khảo sát quốc tế năm 2016, cho thấy: Việt Nam chỉ có 30% số người được khảo sát có đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Thời gian dành cho việc đọc sách của người Việt Nam trung bình mới đạt khoảng 1 giờ/người/tuần. Đây là con số rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Khơi dậy và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng - Ảnh 2.

Đọc sách online là một xu thế mới thường được các bạn trẻ lựa chọn.

Theo thống kê số người đọc sách ở Việt Nam của Cục Xuất bản In và Phát hành: Trong ba năm gần đây bình quân mỗi năm Việt Nam xuất bản khoảng 400 triệu cuốn sách. Trong đó, sách giáo khoa chiếm 300 triệu cuốn. Như vậy chỉ khoảng 100 triệu cuốn sách chia cho hơn 100 triệu dân. Điều này cho thấy, văn hóa đọc của giới trẻ nói riêng và của người Việt nói chung còn rất thấp, mỗi năm một người Việt đọc chưa tới một cuốn sách.

Có thể thấy, việc phát triển văn hóa đọc trong những năm gần đây luôn được quan tâm và trở nên bức thiết. Đó không chỉ là nhu cầu mà còn là đòi hỏi tất yếu của một xã hội phát triển.

Theo các chuyên gia văn hóa, văn hóa đọc đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển nhân cách cá nhân, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển con người, cũng chính là sự phát triển, thịnh vượng của mỗi quốc gia, dân tộc. Trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã đề cao vai trò của nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, được xác định là một trong 3 đột phá chiến lược. Từ thực tiễn và những mục tiêu phát triển đất nước, từ ý nghĩa của việc đọc sách, thiết nghĩ, cần tăng cường lan tỏa hơn nữa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Đọc sách để bồi dưỡng trí tuệ và tâm hồn mỗi con người, để mỗi người có một tâm hồn đẹp, giàu giá trị nhân văn, nhân ái; để chúng ta bắt kịp với sự tiến bộ và phát triển của nhân loại. Tuy nhiên, cũng cần hình thành cho mình một thói quen hàng ngày để việc đọc sách không chịu bất kỳ sự áp lực nào, để nó trở thành nhu cầu tự thân như việc chúng ta phải ăn, uống và hít khí trời mỗi ngày.

Ngày nay, trong thời đại cách mạng công nghệ, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, của tri thức nhân loại, mỗi người và hơn thế nữa là mỗi quốc gia cần xây dựng văn hóa đọc. Điều đó sẽ tạo ra được một nền văn hoá đọc phát triển, góp phần xây dựng và tạo nên một xã hội học tập phát triển./.

Trường Thanh