Giải pháp căn cơ để tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng
Chính sách và chiến lược - Ngày đăng : 10:11, 29/11/2022
An toàn an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số (CĐS)
Ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) cho biết đã có nhiều vụ việc liên quan đến ATTT được truyền thông như dữ liệu cá nhân của gần 1 tỷ người dân Trung Quốc được rao bán trên mạng hay một quốc gia châu Âu đã phải ngừng hệ thống chính phủ số, chính phủ điện tử vì bị tấn công... "Những sự kiện đó nói lên một điểm cũng như một sự khẳng định an ninh mạng cần phải được coi trọng trong bối cảnh bảo đảm an ninh của từng quốc gia. Một quốc gia không an toàn nếu không gian mạng quốc gia đó không an toàn".
Ngày 10/8/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 964/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Theo Phó Chủ tịch VNISA, Chiến lược này thể hiện quan điểm an toàn, an ninh mạng là trọng tâm của quá trình CĐS, trụ cột quan trọng, tạo cho cộng đồng niềm tin số để phát triển kinh tế số và xã hội số.
Chiến lược cũng nêu rõ quan điểm tự chủ về công nghệ, sản phẩm và dịch vụ là giải pháp căn cơ để Việt Nam trở thành quốc gia có năng lực cao để bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Để thực hiện các mục tiêu lớn, Chiến lược đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và đặc biệt là đối với giới DN. Theo các chuyên gia lĩnh vực ATTT, Chiến lược này là một trong số ít những chiến lược quốc gia mà ở đó vai trò, sứ mệnh cũng như là trách nhiệm của các DN trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) và ATTT được đề cập rõ nét.
Nỗ lực phát triển sản phẩm, dịch vụ ATTT Make in Viet Nam
Tính đến tháng 10/2022, Bộ TT&TT đã cấp phép cho 101 DN ATTT, trong đó có 3 DN nhà nước, 66 công ty cổ phần và 32 công ty TNHH, trong đó 74 DN được cấp phép nhập khẩu sản phẩm, 27 DN được cấp phép sản xuất sản phẩm, 71 DN được cấp phép sản xuất sản phẩm, 71 DN được phép cung cấp dịch vụ. Tỷ lệ nhóm sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng của Việt Nam so với 22 nhóm sản phẩm của hệ sinh thái ATTT mạng nói chung đạt tỷ lệ 95%. Tỷ lệ sản xuất/tỷ lệ nhập khẩu đến tháng 9/2022 đạt 46%, có nghĩa là gần 50%. Theo VNISA, đây là một tỷ lệ nội địa khá cao.
Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia đặt ra mục tiêu doanh thu thị trường ATTT mạng hàng năm tăng trưởng từ 20 - 30% trong khoảng từ nay đến 2025. Gắn liền với đó là kinh phí đảm bảo an toàn, an ninh mạng đạt tối thiểu 10% kinh phí chi cho khoa học công nghệ, CĐS.
Ông Đào Gia Hạnh, Phó giám đốc công nghệ công ty FPT IS cho biết tăng trưởng ATTT trên thế giới dao động khoảng 12 - 14%, châu Á khoảng 10%. Với FPT, những năm gần đây công ty tăng trưởng khoảng hơn 20%, năm 2022 dự kiến là khoảng 28%. Trên thế giới, hiện nay các ngành được đầu tư ATTT khoảng 6-12%, lĩnh vực được đầu tư ATTT nhiều nhất là lĩnh vực tài chính, ngân hàng khoảng 11,5%. Nếu lĩnh vực đạt tăng trưởng khoảng 10% sẽ đóng góp vào đảm bảo ATTT.
Cũng theo chiến lược Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, một trong các nhiệm vụ cụ thể đề ra đến năm 2025 là phát triển 3 - 5 sản phẩm, dịch vụ ATTT trọng điểm, chiếm lĩnh thị trường trong nước, có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Trước mục tiêu này, ông Hạnh chia sẻ trong những năm gần đây, FPT đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu và phát triển (R&D) có thể lên tới 10%, có những quyết định còn "mạnh tay" hơn nữa.
FPT cũng tập trung phát triển nguồn lực con người, thu hút nhiều kỹ sư, đào tạo nguồn nhân lực ATTT. Lợi thế của DN ATTT Việt Nam là làm sản phẩm cho khách hàng Việt Nam nên có thể chăm sóc khách hàng Việt Nam tốt hơn. Để cạnh tranh với nước ngoài phải tăng cường tiềm lực, uy tín.
Ông Hạnh cũng cho biết, FPT đã và đang phát triển hệ sinh thái các giải pháp bảo mật, tạo nên vòng tròn khép kín bảo vệ toàn diện tài sản số của tổ chức, DN cũng như các cá nhân tham gia vào giao dịch, dịch vụ trên môi trường số.
Nhiều sản phẩm Made by FIS như: Nền tảng điều hành an ninh mạng tập trung FPT.EagleEye mSOC, nền tảng số hóa quy trình đăng ký tài khoản và dịch vụ - FPT Digital Onboarding, giải pháp chống giả mạo xác thực số FPT.IDCheck… đang ngày càng hoàn thiện, đáp ứng và giải quyết bài toán bảo mật trọng yếu tại Việt Nam. Các giải pháp của FPT IS được ứng dụng rộng rãi, giúp đảm bảo vận hành và kinh doanh an toàn, từ đó bảo vệ khách hàng và công dân trong môi trường số.
Trong khi đó, ông Hà Thế Phương, Tổng giám đốc CMC Cyber Security cho biết DN này cũng tập trung phát triển sản phẩm ATTT Make in Viet Nam, làm dịch vụ khách hàng. CMC có lợi thế phát triển sản phẩm, dịch vụ ATTT khi quy mô DN lớn, có đủ các công ty còn hoạt động trong ngành CNTT, từ viễn thông, tích hợp, bảo mật,… tới gia công phần mềm, có đại học CMC để đào tạo nhân lực…
"Chúng tôi dễ dàng cung cấp tổng thể đối với nhiều loại nhu cầu lớn nhỏ khác nhau của các khách hàng hoạt động ở nhiều ngành nghề khác nhau", ông Phương chia sẻ khi được hỏi về thế mạnh của DN Việt Nam trên thị trường ATTT.
Về chiến lược phát triển sản phẩm, dịch vụ ATTT, CMC xác định cần đầu tư cho mảng cung cấp dịch vụ. Ông Hà Thế Phương cho rằng việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng chất lượng cao hoàn toàn thuộc khả năng của các DN công nghệ như CMC, FPT… CMC phát triển 2 sản phẩm ATTT là trả phí và miễn phí, bảo vệ người dùng bằng các cách khác nhau trong khả năng nhưng việc tuyên truyền, phổ cập, nâng cao nhận thức, đưa sản phẩm tới tay người dân sẽ cần sự chỉ đạo và hỗ trợ nhiều mặt từ các cơ quan chức năng chính phủ như Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Khoa học và Công nghệ.
DN góp phần nâng cao nhận thức cho người dùng Internet
Theo Chiến lược, phấn đấu đến năm 2025, 80% người sử dụng Internet có cơ hội tiếp cận các hoạt động nâng cao nhận thức, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Theo VNISA, đây là mục tiêu thách thức đối với DN để người dùng tiếp cận Internet hoàn toàn.
Chung tay đảm bảo mục tiêu này, ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc chính sách TikTok Việt Nam cho biết trong suốt 3 năm vừa qua, với hàng tỷ người dùng, Tik Tok đã triển khai chính sách, công cụ an toàn cho người dùng trên nền tảng bằng câu chuyện nâng cao nhận thức về an toàn, an ninh mạng.
Đại diện Tik Tok cũng cho biết mặt bằng dân trí khác nhau và trong điều kiện khó khăn sau COVID-19 kinh tế có những khó khăn nên có thể thấy trên không gian mạng hiện nay các hiện tượng lừa đảo của xã hội rất là nhiều. Nhiều người nhận được rất nhiều cuộc gọi trực tuyến chuyển tiền, lừa nhiều tiền. Theo đó, Tik Tok đã xây dựng chiến lược chủ động truyền thông qua các câu chuyện làm sao bảo vệ người dùng trên không gian mạng, cùng các câu chuyện khác.
Phối hợp với Cục ATTT, Tik Tok đã xây dựng một số chương trình, hastag, video để hướng dẫn người dùng tự nâng cao nhận thức. Cùng với đó đã có nhiều triệu người dùng tham gia tuyên truyền an ninh mạng. Tik Tok đang thảo luận triển khai tuyên truyền những nội dung này với mong muốn 100 triệu lượt người dân được tiếp cận nội dung này
Tik Tok cũng đang nghiên cứu xây dựng các câu chuyện, các video vui vẻ, tổ chức nhiều tọa đàm trực tuyến với thầy cô để hướng dẫn sinh viên, bố mẹ biết cách hướng dẫn con cái và truyền tải các thông điệp.
Cũng với mong muốn chung tay cùng Việt Nam nâng cao nhận thức ATTT cho người dùng Internet, ông Shash Hegde, chuyên gia ATTT cao cấp, khối dịch vụ khách hàng công của Google châu Á - Thái Bình Dương cho biết Google bắt đầu từ những sáng kiến ở từng quốc gia để nâng cao nhận thức cho người dùng Internet. Google làm việc với chính phủ các nước để nắm bắt chính sách, các địa phương để đảm bảo an ninh trực tuyến, có chứng nhận phục vụ người dùng. Google cũng làm việc với các công ty của Việt Nam để địa phương hóa sản phẩm./.