KHCN, CĐS là then chốt nâng hiệu quả, tăng trưởng, cạnh tranh của NN&PTNT
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 07:15, 02/12/2022
Diễn đàn "Tăng cường áp dụng KHCN và ĐMST để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH)" vừa qua đã xá định rõ cam kết, chính sách, ưu tiên của Việt Nam và ngành nông nghiệp trong bối cảnh mới. Trong đó, đề cao nhiệm vụ thúc đẩy ứng dụng KHCN và ĐMST để phát triển ngành NN&PTNT theo hướng xanh, có trách nhiệm và bền vững.
Bộ NN&PTNT cho biết, chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam trong thời gian gần đây đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong giai đoạn khó khăn nhất, ngành nông nghiệp thể hiện rõ vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội với tốc độ tăng trưởng ổn định và những bước tiến trong kim ngạch xuất khẩu.
Trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 82,1 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, xuất khẩu đạt trên 44,9 tỷ USD, tăng 14,1%.
Kể từ khi Nghị Quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời, vai trò của nông dân và nông thôn ngày càng được nhấn mạnh. Phát triển nông thôn đạt nhiều thành tựu, đời sống người nông dân được quan tâm hơn.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), Việt Nam đã có nhiều hệ thống chính sách để thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp bền vững hiệu quả hơn. Trong đó, chính sách có tầm ảnh hưởng lớn và độ bao phủ rộng như Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là chính sách có nhiều điểm mới, nhấn mạnh, lồng ghép tất cả ý tưởng về tam nông trước đó, trong đó nhấn mạnh nâng cao năng lực và chuyên nghiệp hóa người nông dân.
Bên cạnh đó, Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bao phủ với nhiều chương trình, và đề án cụ thể như chiến lược tiểu ngành chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, cơ giới hóa, KHCN, hợp tác xã (HTX)...; Chương trình Nông thôn mới; Chương trình Giống, Chương trình Công nghệ sinh học, Quy hoạch khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao; Chương trình thương hiệu quốc gia; Chương trình Phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Chiến lược thích ứng BĐKH...
Các chiến lược, chính sách được xây dựng để thúc đẩy ngành NN&PTNT thay đổi theo hướng xanh, bền vững, có trách nhiệm. Trong đó định hướng chính trong thời gian tới là chuyển từ tư duy sản xuất sang kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, coi KHCN, chuyển đổi số là yếu tố then chốt nâng cao hiệu quả, duy trì tăng trưởng, cạnh tranh của ngành.
Trong bối cảnh mới của dịch bệnh, cách mạnh Công nghiệp 4.0, các tác động từ biến động địa chính trị, BĐKH..., ngành nông nghiệp đã đưa ra nhiều định hướng, chiến lược, chính sách và giải pháp để nông nghiệp duy trì là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong đó, có sự thay đổi về mặt quản lý nhà nước và nâng cao vai trò của khu vực tư nhân, người dân trong ngành nông nghiệp…./.