Quy hoạch không gian biển Việt Nam: Mở đường lớn phát triển kinh tế biển

Truyền thông - Ngày đăng : 08:14, 02/12/2022

Quy hoạch không gian biển quốc gia đang được Bộ TN&MT xây dựng, thiết lập với kỳ vọng đảo ngược xu thế ô nhiễm, tạo lập một nền kinh tế biển thay đổi mạnh mẽ từ “nâu” sang “xanh”, hài hòa bền vững…

Quy hoạch không gian biển là tất yếu

Dân số tăng nhanh và nhu cầu tiêu dùng thay đổi đã làm tăng nhu cầu về lương thực, năng lượng và thương mại từ các vùng biển. Do hạn chế về tài nguyên và không gian trên đất liền, tỷ trọng hàng hóa và dịch vụ ngày càng lớn đến từ các khu vực ven biển và biển.

Trong 20 năm tới, hoạt động của con người ở nhiều khu vực biển sẽ tăng lên đáng kể. Những hoạt động truyền thống như vận tải biển, khai thác cát và giải trí trên biển vẫn giữ được tầm quan trọng nhất định. Hoạt động khai thác dầu khí sẽ tiếp tục diễn ra ở những khu vực biển xa và sâu hơn. Khai thác thủy sản vẫn tiếp tục diễn ra nhưng ở mức thấp hơn do trữ lượng giảm dần, mức độ khai thác cũng bị hạn chế do cạnh tranh về không gian biển.

Vì vậy, quy hoạch không gian biển là một cách thiết thực để tạo ra và thiết lập một tổ chức hợp lý hơn trong việc sử dụng không gian biển và mối tương tác giữa các mục đích sử dụng của nó, nhằm cân bằng nhu cầu phát triển với sự cần thiết bảo vệ các hệ sinh thái biển và đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội một cách cởi mở và có kế hoạch.

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) (2010): Quy hoạch không gian biển là một quá trình chung phân tích, bố trí không gian và thời gian các hoạt động của con người tại một vùng biển để đạt được các mục tiêu sinh thái, kinh tế và xã hội thường được cụ thể hoá thông qua một quá trình quản lý Nhà nước.

Khái niệm "Quy hoạch không gian biển" còn khá mới không chỉ ở Việt Nam, nhưng ở chừng mực nhất định, nội hàm của quy hoạch này lại không hoàn toàn mới bởi tiếp cận quản lý tổng hợp vùng bờ biển ở Việt Nam đã có lịch sử 30 năm trải nghiệm. Theo đó, quy hoạch bảo vệ môi trường trước các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ngày càng sôi động, trước tác động của các quá trình tự nhiên gây ra những biến đổi có xu hướng gia tăng, định hướng sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn tự nhiên đã được thực hiện dù kết quả bước đầu còn hạn chế.

Quy hoạch không gian biển không phải là quy hoạch phát triển kinh tế biển, mà là quy hoạch quản lý và sử dụng hợp lý không gian biển để đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất theo quy hoạch phát triển. Không gian biển bao gồm cả môi trường tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và vị thế của biển.

Quy hoạch không gian biển Việt Nam: Mở đường lớn  phát triển kinh tế biển  - Ảnh 1.

Với môt quốc gia ven biển như Việt Nam, quy hoạch không gian biển quốc gia càng trở nên quan trọng.

Việt Nam là quốc gia biển, với đường bờ biển dài hơn 3.260km và hơn 3.000 hòn đảo bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trung bình 100km2 đất liền có 1km bờ biển, cao gấp 6 lần giá trị trung bình của thế giới. Kinh tế biển chính là động lực, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Theo ước tính, quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47 - 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế "thuần biển" đạt khoảng 20 - 22% tổng GDP cả nước.

Tham gia công ước quốc tế, Việt Nam đã phê chuẩn nhiều công ước biển chuyên ngành như IMO-SOLAS (Công ước về cứu hộ trên biển, Công ước London ngày 01/11/1974), Công ước Load lines 1966, Công ước MARPOL 73/78 về phòng, chống ô nhiễm biển từ tàu. Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tạo cơ sở vững chắc cho việc bảo vệ các quyền lợi của Việt Nam trên biển, giải quyết các tranh chấp trên biển và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên biển. Bên cạnh đó, nhiều công ước quốc tế về biển cũng đã được dịch, xuất bản, giới thiệu và tuyên truyền… Vì thế, Quy hoạch không gian biển quốc gia là một yêu cầu bắt buộc trong thời đại mới.

Định hướng phát triển toàn diện

Quy hoạch không gian biển Việt Nam đang được Bộ TN&MT nghiên cứu xây dựng với việc phát triển toàn diện các không gian liên quan đến biển Việt Nam. Đó là, vùng đất ven biển, vùng biển, hải đảo và vùng trời trong phạm vi của 28 tỉnh, thành có biển. Quy hoạch này sẽ cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội; phát huy các tiềm năng, lợi thế của biển và hải đảo, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.

Đối với vùng đất ven biển, nghiên cứu phát triển các vùng đất ven biển phía Bắc, Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ, ven viển Đông Nam Bộ, vùng biển Tây Nam Bộ sẽ được định hướng sắp xếp lại, phát triển các đô thị trung tâm hành chính cấp tỉnh và phát triển mạng lưới các đô thị vừa và nhỏ dọc ven biển theo các tuyến lực, hình thành đô thị vệ tinh để hỗ trợ đô thị trung tâm, thúc đẩy công nghiệp hóa nông thôn, đồng thời, hạn chế việc di chuyển quá mức dân cư và lao động nông thôn vào các đô thị lớn. 

Đầu tư xây dựng các tuyến giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng miền, địa phương trong cả nước và quốc tế. Xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ về giá, thuế cho doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế ven biển.

Đối với các vùng biển, nghiên cứu phát triển và quy hoạch liên quan đến vấn đề quốc phòng, an ninh trên biển; du lịch biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển khác. Đồng thời, xây dựng quy hoạch phát triển nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản; công nghiệp ven biển; khai thác năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Đặc biệt, đối với việc phát triển không gian đảo, Quy hoạch không gian biển đặt ra nhiều vấn đề mới: Ngoài việc hoàn thành cơ bản việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cho một số đảo trọng điểm về kinh tế, hình thành các khu du lịch đẳng cấp, còn kết hợp đảm bảo quốc phòng, an ninh trên biển và bảo tồn thiên nhiên tại các đảo; Xây dựng huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, trung tâm hậu cần nghề cá, tìm kiếm cứu nạn, phát triển tuyến du lịch kết nối đảo với đất liền, trở thành thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. 

Đồng thời, nghiên cứu, thí điểm lấn biển, tăng diện tích cho các đảo, mở rộng không gian phát triển cho các hoạt động kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh. Quy hoạch không gian biển Việt Nam cũng đang đề xuất vấn đề quản lý vùng trời trên biển, vùng trời thuộc chủ quyền quốc gia. 

Quy hoạch không gian biển Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá mới trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn tài nguyên môi trường biển, đưa nước ta sớm trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển…/.

PV