Tỉnh Bình Dương cùng chung tay, đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc
Truyền thông - Ngày đăng : 10:21, 04/12/2022
Đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, thực hiện Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Bình Dương xác định phát triển văn hóa đọc là nhiệm vụ chung của hệ thống chính trị và toàn xã hội, đồng thời là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục tỉnh nhà.
Những năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm phát triển văn hóa đọc như: Đề án phát triển hệ thống thư viện công cộng tỉnh Bình Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Đề án Mỹ thuật thiếu nhi giai đoạn 2009 -2019 và giai đoạn 2020 - 2025; Kế hoạch số 5994/KH-UBND ngày 29/12/2017 Triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Kế hoạch số 4628/KH-UBND ngày 14/9/2021 triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương,...
Nhờ sự nỗ lực, chung tay đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc của chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể, nổi bật là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn, những người làm công tác thư viện, các thầy cô giáo,... việc đọc sách của người dân nhất là học sinh, sinh viên được duy trì và phát triển. Trong đó, nổi bật là công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân đọc sách thông qua website, mạng xã hội, cổ động trực quan; Giới thiệu, tuyên truyền sách tại các sự kiện chính trị, văn hóa của tỉnh; Tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm sách, các hội thi, cuộc thi về sách, Ngày hội sách...
Hệ thống thư viện công cộng có vai trò xây dựng thói quen đọc sách, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc cho bạn đọc và học sinh tại các trường học trong tỉnh. Song song đó, thư viện còn bổ sung vốn tài liệu phù hợp với nhu cầu của người đọc. Đặc biệt, Thư viện tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên tổ chức luân chuyển sách, đưa sách phục vụ lưu động tại các trại giam, tạm giam, cơ sở cai nghiện, các trường học, khu nhà trọ công nhân trên địa bàn tỉnh để đảm bảo mọi đối tượng người dân đều được đọc sách. Qua đó, mỗi năm thư viện phục vụ hàng trăm ngàn lượt bạn đọc.
Cùng chung tay phát triển văn hóa đọc, các đoàn thể chính trị xã hội của tỉnh như: Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã có nhiều hoạt động tích cực, trong đó Tỉnh đoàn thường xuyên phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức các hoạt động triển lãm sách tại các sự kiện chính trị của Đoàn như Đại hội đoàn, họp mặt nhân ngày thành lập Đoàn, tổ chức các cuộc thi khuyến khích đọc sách,... Hội Liên hiệp phụ nữ chỉ đạo các cơ sở hội phát huy văn hóa đọc trong sinh hoạt các chi, tổ hội, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, khuyến khích thành lập tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng,..
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thực hiện Quyết định số 1372/QĐ-UBND ngày 22/5/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án "Xã hội hóa hoạt động văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020", tỉnh đã tích cực vận động xã hội hóa lĩnh vực thư viện nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, tài trợ cho các hoạt động khuyến đọc.
Theo đó, đến nay, Bình Dương đã thành lập được 02 thư viện tư nhân phục vụ miễn phí cho người dân: Thư viện gia đình Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên) thành lập và được cấp giấy đăng ký từ tháng 01/2015 với vốn sách ban đầu là 1.500 bản, đến nay tăng lên hơn 4.000 bản; Thư viện tư nhân Cù lao Rùa (xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên) của Nhà báo Mai Sông Bé với vốn sách trên 10.000 bản và nhiều tư liệu quý về lịch sử, văn hóa của địa phương, đất nước đã và đang là địa chỉ đọc sách rất hữu ích cho các em học sinh và nhân dân tại địa phương.
Bên cạnh đó, thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực thư viện, một số đơn vị cũng đã chung tay đồng hành cùng với ngành văn hóa trong việc tổ chức các cuộc thi về sách như: Công ty TNHH gốm sứ Minh Long I, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết Bình Dương, Siêu thị Lotte Mart Bình Dương,.. Thông qua việc tài trợ kinh phí giải thưởng, quà tặng cho các thí sinh, hỗ trợ địa điểm tổ chức các cuộc thi.
Các tổ chức khác như: Quỹ Châu Á, Quỹ Thiện Tâm, các nhà xuất bản, tập đoàn Cà phê Trung Nguyên Legend và một số tổ chức, cá nhân tài trợ hàng ngàn bản sách để bổ sung vào vốn sách của thư viện tỉnh. Năm 2022, một mô hình công viên sách được thực hiện tại công viên phường Phú Mỹ (thành phố Thủ Dầu Một). Bước đầu hình thành tủ sách với trên 500 quyển và một số tạp chí với đầy đủ các thể loại, mở cửa 2 ngày/tuần để phục vụ nhu cầu thích đọc sách của người dân trên địa bàn.
Thực hiện Đề án "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hoá, câu lạc bộ" , ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các trường học trong tỉnh tổ chức các mô hình như: Thư viện xanh, túi sách, tủ sách lớp học, triển khai Tiết đọc thư viện tại một số trường học, xây dựng các chương trình, tiết học ngoại khóa tại thư viện… Tạo điều kiện để các em học sinh được tiếp cận với sách, hình thành thói quen đọc sách, qua đó nhằm thúc đẩy phong trào đọc sách trong trường học.
5 nhóm giải pháp tiếp tục phát triển văn hóa đọc
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho biết, trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển văn hóa đọc trên địa bàn, tỉnh Bình Dương đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, các ngành, các cấp để hình thành thói quen đọc sách cho mọi người dân, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên. Để thực hiện điều đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của việc đọc sách, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ thư viện, đồng thời tích cực nghiên cứu các hình thức tuyên truyền mới, đem lại hiệu quả cao để nâng cao số lượng người dân tham gia đọc sách.
Hai là, cần có sự quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống thư viện công cộng theo hướng hiện đại, thư viện điện tử, thư viện số phù hợp với nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của bạn đọc và phù hợp với chủ trương xây dựng "Thành phố thông minh" của địa phương.
Ba là, xây dựng vốn tài liệu ngày càng đa dạng, phong phú, nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu thông tin của bạn đọc, của địa phương để sưu tập, bổ sung vốn tài liệu phù hợp. Bên cạnh đó, cần tăng cường vốn tài liệu số, tài liệu địa chí của tỉnh để phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, học tập của người dân.
Bốn là, khuyến khích phong trào đọc sách, báo trong mọi tầng lớp nhân dân, thông qua hoạt động đẩy mạnh công tác phục vụ bạn đọc ngoài thư viện, tại các trung tâm giáo dưỡng xã hội, trường dạy nghề, trường mầm non, các cơ quan nhà nước, các khu nhà trọ công nhân, khu công nghiệp… Đặc biệt, quan tâm thực hiện các loại sản phẩm, dịch vụ phục vụ người khiếm thị, khiếm thính, người cao tuổi.
Năm là, có chính sách khuyến khích công tác xã hội hóa trong hoạt động thư viện, huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân vào các hoạt động như xây dựng không gian đọc, phòng đọc cơ sở; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị, sách cho thư viện; tài trợ cho các cuộc thi về sách,…./.