Những sản phẩm Make in Viet Nam chuyển mình ngoạn mục

Make in Viet Nam - Ngày đăng : 09:32, 08/12/2022

Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam lần thứ 4 đã chính thức diễn ra ngày 8/12/20022. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham dự và chỉ đạo Diễn đàn.

Công nghiệp công nghệ số tiếp tục là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam

Diễn đàn Quốc gia về Phát triển DN công nghệ số Việt Nam lần thứ nhất  năm 2019 đã đưa cộng đồng DN công nghệ số Việt Nam sang một giai đoạn mới – Đó là Make in Viet Nam – "Nghiên cứu tại Việt Nam, Sáng tạo tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam"

Tại Diễn đàn lần thứ 2 năm 2020, Diễn đàn tuyên bố: "Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Viet Nam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng".

Diễn đàn lần thứ 3 năm 2021 đã đặt ra được các bài toàn chuyển đổi số (CĐS) quốc gia cần giải và sứ mệnh của các DN công nghệ số Việt Nam trong việc xây dựng các nền tảng CĐS quốc gia. Năm 2021 là năm hành động quyết liệt và hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp CNS thực hiện CĐS tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Với quyết tâm đó, phát biểu tại Diễn đàn lần thứ 4, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết Ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam. Doanh thu của ngành ước đạt được 148 tỷ USD, tăng trưởng trên 10% so với năm 2021. Số lượng DN công nghệ số trên 70.000. Xuất khẩu của ngành công nghệ số ước đạt khoảng 136 tỷ USD. Các DN công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy CĐS quốc gia và đổi mới sáng tạo.

Tại diễn đàn năm 2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã nhận nhiệm vụ trước Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghiệp, thúc đẩy CĐS và đưa người dân lên môi trường số, với sự dẫn dắt của Bộ TT&TT, cộng động DN đã triển khai, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các nhiệm vụ mà Bộ trưởng đã hứa với Thủ tướng Chính phủ.

Không gian mới cho mọi ngành nghề

Thứ trưởng Phạm Đức Long nhận định: "Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng của công nghệ số, dữ liệu số, dựa trên ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Cuộc Cách mạng này đang mở ra cánh cửa mới, không gian mới cho mọi ngành nghề, lĩnh vực; những khởi tạo mới với những sứ mệnh và tầm nhìn mới".

Theo đó, Thứ trưởng nhấn mạnh: "Cộng đồng DN công nghệ số Việt Nam cần tiếp tục bắt kịp những chuyển dịch này để có những khởi tạo mới định hướng cho tương lai. DN công nghệ số Việt Nam có trách nhiệm và sứ mệnh quốc gia lớn lao. Đó là tận dụng công nghệ số, cuộc cách mạng số để góp phần thực hiện  CĐS quốc gia và đi ra toàn cầu!

Lấy CĐS là phương thức phát triển mới có tính đột phá để đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Lấy thị trường trong nước là cái nôi để DN công nghệ số Việt Nam trưởng thành và đi ra toàn cầu".

Những sản phẩm Make in Viet Nam chuyển mình ngoạn mục

Như một thông lệ, Diễn đàn Quốc gia về Phát triển DN công nghệ số Việt Nam được tổ chức tháng 12 hàng năm. Tháng 12 cũng là dịp kỷ niệm ngày lễ đặc biệt của cộng đồng DN công nghệ số: Ngày DN CÔNG NGHỆ SỐ VIỆT NAM 12/12.

Tháng 12 cũng là thời điểm nhìn lại, tổng kết đánh giá sự phát triển của ngành, tôn vinh các DN công nghệ số tiêu biểu thông qua việc trao Giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2022. Đây là các sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam, có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của người dân và DN lên môi trường số, góp phần thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Đánh giá về các sản phẩm Make in Viet Nam 2021, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh: "Những sản phẩm đã đạt giải năm 2021 đã có những bước chuyển mình ngoạn mục. Nhiều Sản phẩm số đã tham gia tích cực vào công cuộc CĐS quốc gia, dần vươn ra thi trường quốc tế".

Cụ thể, Mesh wifi của VNPT - giải vàng sản phẩm số xuất sắc 2021 đã tăng trưởng 400% từ 44.000 sản phẩm lên 220.000 sản phẩm.

Nền tảng quản trị DN hợp nhất MISA AMIS - giải bạc nền tảng số xuất sắc đã và đang đồng hành cùng hơn 42.000 DN trong tiến trình chuyển đổi số.

Hệ thống giám sát sâu rầy thông mình của Rynan - giải bạc sản phẩm số xuất sắc đã tăng trưởng 96%, hiện mạng lưới đã lắp đặt trên 13 tỉnh ĐBSCL, và đặc biệt trong năm 2022 sản phẩm đã được cấp phép thương mại tại thị trường Nhật Bản. Dự kiến đến hết năm 2023, sẽ lắp đặt 100 hệ thống tại thị trường Nhật Bản.

Tại Diễn đàn các diễn giả cùng các DN tập trung  thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm Phát triển DN công nghệ số VIệt Nam bền vững, làm chủ thị trường trong nước và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các lời giải hay, hiệu quả, tối ưu cho việc DN công nghệ số tiến ra thị trường thế giới, thực hiện CĐS cho thế giới, mang việc của thế giới về Việt Nam; Trao đổi thảo luận, đề xuất về thể chế thuận lợi để thị trường Việt Nam là cái nôi và bàn đạp cho DN công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài, mang trí tuệ Việt Nam đi mở cõi; Chia sẻ kinh nghiệm DN công nghệ số Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ trưởng cho biết Diễn đàn sẽ truyền đi thông điệp mạnh mẽ: Việt Nam là điểm đến cho các tập đoàn, DN lớn trên thế giới đầu tư vào hoạt động công nghiệp công nghệ số.

Diễn đàn Quốc gia về Phát triển DN công nghệ số Việt Nam lần thứ 4 sẽ diễn ra cả ngày 8/12/ Buổi sáng của diễn đàn sẽ có các bài tham luận, gồm: DN công nghệ số Việt Nam tăng tốc thực hiện CĐS quốc gia của VNPT; Phát triển nền tảng điện toán đám mây Make in Viet Nam phục vụ CĐS quốc gia của CMC, của Sản phẩm Make in Viet Nam phổ cập thanh toán số của Momo, Con đường khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế của DN công nghệ số Việt Nam của FPT; Dấn thân của thế hệ DN công nghệ số trẻ trong khai phá thị trường nước ngoài của Công ty VMO…

Buổi sáng cũng sẽ có đại diện DN Mỹ trao đổi về cơ hội và nhu cầu CĐS tại thị trường nước ngoài; Cục Xúc tiến thương mại Hàn Quốc (NIPA) sẽ chia sẻ bài học chính sách của nước ngoài về phát triển thị trường trong nước và quốc tế.

Phiên buổi chiều có nội dung kết nối hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Viet Nam và nước ngoài gồm: Phát triển hệ sinh thái sản phẩm công nghệ số phục vụ chuyển đổi số quốc gia của Tổng công ty Viễn thông MobiFone; Giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam cho xây dựng đô thị thông minh của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang; hệ sinh thái nội dung số Việt Nam của Công ty CP VieOn; Khát vọng phát triển sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam giải quyết bài toán nông nghiệp thông minh của Công ty Rynan Technologies Việt Nam; Giải pháp nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu của Hiệp hội DN điện tử Việt Nam…/.

Hoàng Linh