Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển ngành công nghiệp điện tử
Diễn đàn - Ngày đăng : 21:48, 08/12/2022
Hiện nay, chuỗi cung ứng toàn cầu đang là chủ đề nóng. Nhiều quốc gia lớn phải hợp tác để đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu để tránh bị ảnh hưởng bởi rủi ro do chiến tranh và dịch bệnh. Việt Nam cũng đang tìm giải pháp trước những biến động của dịch bệnh, chiến tranh.
Chia sẻ về vấn đề này tại Diễn đàn Quốc gia về Phát triển DN công nghệ số Việt Nam lần thứ 4, bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội DN điện tử Việt Nam đã tập trung vào giải pháp nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Vai trò của chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu và vị thế của Việt Nam
Theo bà Hương, công nghiệp điện tử là ngành công nghiệp tập trung vốn, công nghệ, chứa đầy rủi ro bởi tốc độ thay đổi công nghệ nhanh, vòng đời sản phẩm ngắn. Đây cũng là ngành công nghiệp hiện đại, ứng dụng được các thành tựu công nghệ tiên tiến, có yêu cầu đầu tư lớn, thu lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, ngành này có xu hướng chuyển dịch công nghệ từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, nơi có nhân công rẻ hơn đồng thời phân bố rủi ro do tác động của chiến tranh và dịch bệnh trên thế giới. Điều này đã và đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trong năm 2022 khi các ông lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đặt cứ điểm sản xuất tại Việt Nam.
Cụ thể, đến nay, Apple đã chuyển 11 nhà máy của các DN Đài Loan trong chuỗi cung ứng của hãng này sang Việt Nam; nhiều hãng khác như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron cũng mở rộng cơ sở sản xuất sẵn có tại Việt Nam... Samsung cũng xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất của tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội, và cũng đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên. Có thể thấy, Việt Nam hiện đã và đang là điểm đến đầy hứa hẹn của các ông lớn trong thiết lập chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam có những đặc điểm chung so với ngành công nghiệp điện tử thế giới, đó là ngành công nghiệp điện tử được tích hợp các thành tựu khoa học tiên tiến nhất, có cấu trúc sản phẩm khá phức tạp đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành công nghiệp nhằm đáp ứng được sự đa dạng của công nghệ và chuỗi cung ứng. Và công nghiệp hỗ trợ của ngành điện tử không chỉ bao gồm việc sản xuất mà còn cả các hạng mục dịch vụ như thiết kế, chế tạo và chế thử. Tiềm năng của ngành công nghiệp điện tử còn nhiều dư địa phát triển.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam có một số đặc thù riêng, rất khác biệt so với thế giới khi là một trong những ngành thu hút nhiều lao động và ngoại hối nhất, phụ thuộc vào các nhà sản xuất đầu chuỗi. Các DN FDI đóng góp chủ đạo trong chuỗi cung ứng...
Các thiết bị điện tử hiện đóng góp vai trò to lớn trong quá trình tự động hóa và số hóa cũng như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, sự phát triển công nghiệp điện tử lại sinh ra vấn đề là rác thải, gây phát thải khí nhà kính. Do đó, theo bà Hương, mỗi cá nhân, tổ chức tham gia chuỗi này đều đóng vai quan trọng trong việc sửa chữa, tái sử dụng vòng đời sản phẩm, làm giảm thiểu chất thải điện tử.
Trong cơ cấu ngành công nghệ điện tử, tỷ trọng sản xuất điện thoại di động lớn nhất tại Việt Nam, tiếp đó là sản xuất linh kiện điện tử gồm máy vi tính, các thiết bị ngoại vi. Về cơ cấu lao động, năm 2019 chỉ dưới 1 triệu lao động nhưng đã tăng lên 1,3 triệu vào năm 2021. Tỷ lệ lao động nữ chiếm trên 60%.
Bức tranh ngành điện tự có nhiều điểm sáng. Trong 5 năm gần đây, ngành công nghiệp điện tử đóng góp lớn cho tổng kim ngạch xuất khẩu điện tử, đóng góp lớn vào việc cân bằng ngoại hối và cán cân thương mại cả nước. Tốc độ tăng trưởng trung bình lên tới 13% mỗi năm. Tiền lương của lao động của Việt Nam tăng lên. Các DN điện tử cũng lớn mạnh không ngừng. Nếu như năm 2016, Việt Nam không có đơn vị nào là nhà cung ứng cấp một của Samsung thì đến nay có hơn 200 nhà cung ứng, trong đó có 50 đơn vị là nhà cung ứng cấp 1.
Trong các DN FDI, Samsung đứng đầu tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực điện tử, tiếp đó là LG. Trong top 20 công ty điện tử công nghệ thông tin lớn nhất thế giới, hơn một nửa DN đã có mặt và đặt nhà máy tại Việt Nam.
Nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu
Trong bối cảnh thị trường chung bị biến động, nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng sang thị trường thứ ba. Chuỗi cung ứng toàn cầu được định hình lại theo xu hướng dịch chuyển nguồn cung để giảm phụ thuộc vào một quốc gia. Việt Nam có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng xuất khẩu sang các thị trường khó tính; tăng cường thu hút FDI. Bên cạnh đó, các nước lớn cũng đang đẩy mạnh liên kết kinh tế song phương, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.
Tuy nhiên theo bà Hương ngành công nghiệp điện tử cũng đối mặt với nhiều thách thức. Đầu tiên, chính sách không thể theo kịp sự thay đổi của thói quen và phương thức tiêu dùng. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải kịp thời điều chỉnh các chính sách hỗ trợ DN và thu hút đầu tư nước ngoài để đảo bảo dòng vốn FDI. Những lần đưa DN ra nước ngoài mới thấy DN Việt không có nhiều sự giúp đỡ.
Bên cạnh đó là nguy cơ tụt hậu xa hơn do phát triển quá nhanh của công nghệ 4.0. Do đó, Việt Nam buộc phải thay đổi, sáng tạo. Không chỉ vậy, Việt Nam còn thiếu nguồn lực lành nghề, tài chính công nghệ để tiếp cận giá trị công nghệ tiên tiến.
Cùng với đó, các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, khai thác không bền vững thiên nhiên hay tạm thời thiếu vật liệu linh kiện cũng ảnh hưởng đến thị trường.
Để giải quyết vấn đề này, bà Hương khuyến nghị Chính phủ cần tập trung đầu tư vào các DN hàng đầu, các DN vừa và nhỏ. Về chính sách, cần cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, thúc đẩy chuyển đổi số. Đồng thời cần tận dụng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam; có chiến lược thu hút FDI có chọn lọc.
Bên cạnh đó, để tham gia vào chuỗi cung ứng của các ông lớn, các DN Việt phải không ngừng lớn mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh số hoá. Làm chủ một DN điện tử, bà Hương cũng từng trải qua đầy đủ khó khăn khi làm thế nào để thu hút ông lớn, trải qua quá trình đánh giá gian nan để trở thành nhà cung ứng.
"Thế kỷ 21 làm thay đổi nhận thức, hành vi tiêu dùng về công nghệ và sở hữu tài sản. Những ông lớn đều không có tài sản hữu hình. Tôi mong các nhà lãnh đạo sẽ đưa ra giải pháp giúp DN vay vốn", bà Hương nói.
Đại diện Hiệp hội DN điện tử Việt Nam cũng cam kết hiệp hội sẽ tăng cường tính kết nối, hỗ trợ DN trong chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực, hướng dẫn công nghệ./.