Cứ đọc sách là tốt, bất kể sách gì?
Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 15:07, 07/12/2022
Sách "rác" thời nào cũng có, ở quốc gia nào cũng có
Không phải chỉ ở Việt Nam, và cũng không phải thời đại này mới có sách rác. Don Quixote, tác phẩm văn học cổ điển ra đời hơn 400 năm trước, đến nay vẫn được bình chọn là "tiểu thuyết số 1 thế giới", "tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại", là cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất và được tái bản nhiều nhất trong lịch sử nhân loại, chỉ sau Kinh thánh, ra đời vì tác giả của nó quá phẫn nộ với những tác phẩm văn học mà ông xem là "rác" tràn ngập châu Âu thời điểm đó.
Nhà văn không cần ẩn dụ với sự phẫn nộ của mình, mà mô tả nhân vật Don Quixote rất rành rẽ: "Những lúc nhàn cư - cả năm chẳng mấy khi chàng bận rộn - chàng quý tộc của chúng ta chỉ mải miết đọc sách kiếm hiệp, đến nỗi hầu như quên cả thú đi săn và công việc nhà. Chàng ham mê đến mức cuồng dại, bán cả một phần ruộng đất đang cày cấy để mua loại tiểu thuyết đó mang về chất đống trong nhà. Chàng thích nhất những tác phẩm của nhà văn nổi tiếng Phêlixianô đê Xilva, coi những câu chữ sáng sủa và những lập luận lủng củng trong đó là những hàng châu ngọc, nhất là khi chàng đọc đến những lá thư tỏ tình hay thách thức đấu võ với nhiều đoạn như sau: Lý lẽ của sự phi lý mà nương nương đã viện ra để bác bỏ lý lẽ của tôi khiến cho lý lẽ của tôi không đứng vững nổi, tới mức tôi không thể không than phiền về sắc đẹp của nương nương, hoặc: Ông cao xanh kia, giai nhân tuyệt thế hỡi, cùng các vị tinh tú ban cho nàng phước lành và khiến nàng xứng đáng với những đức hạnh xứng đáng của nàng. Những câu chuyện như vậy đã làm cho chàng quý tộc khốn khổ bị mất trí. Chàng thức thâu đêm suốt sáng để cố tìm hiểu ý tứ của những câu mà giá như Arixtôtêlêx có sống lại để làm việc đó cũng đành chịu".
Hoặc ở một đoạn khác: "Tóm lại, nhà quý tộc của chúng ta chỉ biết mỗi việc là đọc sách, đọc từ tối đến sáng rồi lại từ sáng đến tối; do ngủ ít đọc nhiều, óc chàng teo đi đến nỗi mất cả trí khôn. Đầu chàng chứa toàn những chuyện hão huyền đọc trong sách, nào là yêu thuật, đánh nhau, chém giết, thách thức, nào là tán tỉnh, yêu đương, đau khổ cùng bao nhiêu chuyện nhảm nhí khác, nó ăn sâu vào đầu óc chàng đến nỗi chàng coi tất cả những điều bịa đặt trong sách là sự thật, tưởng không có gì thật hơn trên đời này". (Don Quixote - Miguel De Cervantes).
Sách "rác" ở Việt Nam
Tại Việt Nam, thời kỳ khủng hoảng trong ngành xuất bản diễn ra suốt một thời gian những năm cuối thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990, sách mới in hiếm thấy xuất hiện trên giá của các cửa hàng sách. Sau đó là đến giai đoạn ồ ạt sách ngôn tình, sách kiếm hiệp nhảm nhí ra đời, in chữ rất to để làm cho người đọc cảm giác sách dày dặn, tràn ngập ở các cửa hàng cho thuê sách. Có tác phẩm kiếm hiệp cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn hành tẩu giang hồ sang đất Trung Quốc, phi thân vèo vèo chiến đấu với những thế lực đạo tặc. Sách ngôn tình thì tràn ngập những câu chuyện tình bi thương đẫm nước mắt từa tựa như nhau, bìa sách thường là ảnh thật chụp các cô gái đẹp.
Làn sóng sách ngôn tình, sách kiếm hiệp chữ to lắng xuống thì truyện tranh xuất hiện chiếm lĩnh các quầy sách báo ngoài phố. Có những quyển truyện tranh lật vài trang không có một câu đủ cấu thành câu, toàn "chát", "bụp", "hự", đầu rơi máu chảy tung tóe. Những quyển truyện tranh này bán khá chạy, gồm nhiều tập, xuất bản hàng tuần.
Hơn mười năm sau là một làn sóng sách ngôn tình khác có xuất xứ từ Trung Quốc. Lần này, sách ngôn tình Trung Quốc không chỉ chiếm lĩnh các kệ sách trong cửa hàng sách mà tràn lan trên các trang web sách. Giới trẻ, nhân viên văn phòng chìm đắm trong các bộ sách ngôn tình Trung Quốc.
Làn sóng sách ngôn tình lần này làm dậy lên những cuộc tranh luận về tác hại của sách ngôn tình. Ý kiến phản đối nhiều, cũng không ít người bảo vệ, coi đó như một món ăn bình dân cho người đọc bình dân. Cuối cùng thì năm 2015, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã tạm dừng cấp phép xuất bản cho dòng sách này. Tuy nhiên, trên thực tế, dòng sách ngôn tình vẫn bày bán công khai tại các vị trí đắc địa ở các nhà sách. Sách xuất bản đầu năm, vài tháng sau giảm giá mạnh, hoặc được bán đồng giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 30.000 đồng, thậm chí bán theo cân.
Ngoài những cuốn sách ngôn tình viết như "dâm thư", còn có các loại sách "rác" khác ở nhiều lĩnh vực, mà tai hại nhất là sách thiếu nhi "rác". Sách dạy kỹ năng nhưng khuyến khích trẻ làm điều ác, truyện cổ tích vẽ hình kinh dị, trắc nghiệm IQ cho trẻ nhưng câu hỏi và đáp án đều nhảm nhí, truyện tranh thiếu nhi dạy trẻ con phải ma lanh, chơi xấu, hay hoan hỉ trước nỗi khổ của người khác. Thậm chí, còn có cả sách dạy trẻ con gian lận… Những sách rác kiểu này thì tác hại đến người đọc còn nhanh hơn truyện kiếm hiệp tàn phá bộ não của Don Quixote.
Hãy nói bạn đọc sách gì, tôi sẽ nói bạn là ai
Theo nhận định của một người bán sách, người đọc sách trẻ hiện nay phân hóa thành hai nhóm. Một nhóm nhỏ đọc sách kinh điển. Nhóm lớn hơn đọc sách kỹ năng sống, sách dạy làm giàu, dạy thành công, sách ngôn tình… Nhìn kệ sách tại các nhà sách lớn cũng có thể nhận định được những loại sách này đang bán chạy khi chúng chiếm lĩnh những vị trí bắt mắt nhất và có số lượng áp đảo.
Miguel De Cervantes có lẽ không ngờ rằng hơn 400 năm sau, những thứ sách mà ông coi là rác và đả kích kịch liệt vẫn tồn tại, thậm chí còn nhiều hơn thời ông sống.
"Chúng ta sẽ trở thành gì phụ thuộc vào điều chúng ta đọc sau khi tất cả các thầy cô giáo đã xong việc với chúng ta. Trường học vĩ đại nhất chính là sách vở" - Thomas Carlyle (1795 -1881, nhà triết học, nhà châm biếm, nhà văn, nhà sử học và giáo viên người Scotland.Ông được xem như một nhà bình luận xã hội quan trọng nhất thế giới).
Có một quyển sách hướng dẫn đọc sách tựa đề "Bạn là những gì bạn đọc". Đọc những cuốn sách hay và tuyệt vời một cách kiên nhẫn và có chủ tâm, thưởng thức ngôn ngữ và ý tưởng, là một cách để nâng cao kiến thức, để hiểu biết sâu sắc hơn, để phát triển trí óc đồng thời đáp ứng nhu cầu cảm xúc của chúng ta. Đọc sách gì và đọc như thế nào cũng cần phải được định hướng từ những người có kiến thức, bởi không phải người đọc nào cũng đủ kiến thức, bản lĩnh để lựa chọn những quyển sách tốt.
Việc thống kê mỗi năm một người Việt Nam đọc bao nhiêu sách mới chỉ đưa ra được con số định lượng. Còn con số định chất là người Việt Nam đang đọc sách gì vẫn còn bỏ ngỏ./.