“Phút giây đáng nhớ” cuốn sách tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của ngành bưu điện
Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 16:42, 14/12/2022
Những trang lịch sử truyền thống vẻ vang của ngành Bưu điện
Ra đời trong khí thế sục sôi của những ngày Cách mạng Tháng Tám lịch sử năm 1945, ngành Bưu điện Việt Nam cùng đội ngũ những người làm công tác thông tin liên lạc, luôn luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mạng, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó đảm bảo chắc chắn thắng lợi".
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ gian khổ và vô cùng ác liệt, cùng với lực lượng Thông tin của Quân đội và Công an, ngành Bưu điện đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Gần một vạn người con thì tú của ngành Bưu điện đã ngã xuống trên khắp các chiến trường, cho độc lập tự do của dân tộc. Trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay, ngành Bưu điện vẫn đang tiếp tục có những đóng góp vô cùng quan trọng và xứng đáng, với công nghệ, kỹ thuật ngày càng phát triển và hiện đại hơn.
Giở lại những trang lịch sử, truyền thống hào hùng của ngành Bưu điện Việt Nam đã cho chúng ta biết: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trước đây, lực lượng Giao bưu và Thông tin ở miền Nam đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân. Các chiến sĩ đã kiên cường, mưu trí, dũng cảm chiến đấu để giữ vững đường dây thông tin liên lạc luôn thông suốt từ Bắc vào Nam, từ Trung ương Cục miền Nam đi đến các chiến trường… Trong đó có phần đóng góp quan trọng của của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, nhân viên bưu điện từ miền Bắc đã chi viện cho chiến trường miền Nam, mà cựu Điện báo viên Vô tuyến điện chiến trường Quảng Trị, Tiến sĩ Nguyễn Minh Vỹ là một trong số đó.
Có thể khẳng định rằng: Những chiến công của các chiến sĩ Giao bưu và Thông tin miền Nam tuy thầm lặng, nhưng rất đỗi anh hùng, từ việc xây dựng, bảo vệ các đường dây đưa người, vũ khí, hàng hóa từ Bắc vào Nam đến việc chuyển công văn, tài liệu, chủ trương, nghị quyết của Trung ương Cục; từ việc tổ chức các phiên liên lạc của Trung ương Cục đến mã dịch điện mật của đối phương… Dù bị địch càn
quét, bắt bớ ráo riết, phải di chuyển qua hàng chục địa điểm nhưng những con đường giao liên, những cánh sóng thông tin vẫn lan tỏa khắp chiến trường miền Nam, tạo nên hệ thống thông tin huyết mạch quan trọng của sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam.
Theo những tài liệu lưu trữ mà chúng ta có được cho thấy. Lực lượng Giao bưu và Thông tin miền Nam đã làm nên những chiến công vẻ vang góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ban Giao bưu vận đã tổ chức tiếp nhận, vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, khí tài, hàng hóa phục vụ chiến trường; đưa đón hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ an toàn. Ban Thông tin liên lạc đã thiết lập được mạng lưới thông tin luôn thông suốt từ Trung ương đến các khu, tỉnh với hàng trăm đài các loại, lưu thoát được hàng chục nghìn bức điện, phục vụ hàng vạn phiên liên lạc cho Trung ương Cục. Để làm nên những chiến công ấy, đã có 5.000 cán bộ, chiến sĩ Giao bưu và Thông tin Trung ương Cục miền Nam anh dũng hy sinh, hàng nghìn người mang thương tật suốt đời...
Những phút giây đáng nhớ của cựu Điện báo viên
Cựu Điện báo viên Vô tuyến điện chiến trường Quảng Trị, Tiến sĩ Nguyễn Minh Vỹ - tác giả cuốn sách ảnh này, đã may mắn trở về sau chiến tranh. Càng may mắn hơn, bởi từ thú vui và đam mê riêng, ông đã để lại một tài sản tinh thần vô giá không chỉ cho cá nhân mình mà còn cho cả ngành Bưu điện Việt Nam: Đó là hàng trăm bức ảnh đen trắng được ông chụp trực tiếp từ chiến trường Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, vừa được chính ông và các đồng đội cũ của Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 sưu tầm và tập hợp lại và chúng đã trở thành một cuốn sách ảnh rất có giá trị về tư liệu và truyền thống lịch sử của ngành Bưu điện Việt Nam nói riêng và các cựu chiến binh mặt trận Quảng Trị nói chung.
Cuốn sách "Phút giây đáng nhớ" với hàng trăm bức ảnh chiến trường của tác giả Nguyễn Minh Vỹ - một cựu cán bộ Bưu điện Trung ương chi viện cho chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một phát hiện mới, rất đang quý bởi đó là một món quà tặng vô giá cho các thế hệ cán bộ, công nhân viên của ngành Bưu điện và các cựu chiến binh mặt trận Quảng Trị, nhất là tuổi trẻ hôm nay và mai sau, tham khảo nghiên cứu, "Phút giây đáng nhớ" đã góp phần rất thiết thực vào truyền thống chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của ngành Bưu điện Việt Nam anh hùng.
Tác giả Nguyễn Minh Vỹ sinh năm 1945 tại Hải Dương, ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Điện tử Tự động hóa tại Liên xô (cũ) năm 1993. Ông là một trong ba thành viên sáng lập của Điện tử Hà Nội HANEL lừng danh một thời.
Năm 1965, khi đang là sinh viên năm thứ 2, khoa Vô tuyến điện của Đại học Kỹ thuật Thông tin (Phân hiệu của Đại học Bách khoa Hà Nội), Nguyễn Minh Vỹ vinh dự là một trong số ít người được tuyển chọn về Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ của "CP16" (Bưu điện Trung ương), nhận được lệnh điều động đi công tác phục vụ chiến đấu tại chiến trường miền Nam cuối năm 1966, với nhiệm vụ làm Điện báo Vô tuyến điện.
Gần 10 năm làm nhiệm vụ tại Quảng Trị- một trong những chiến trường gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nguyễn Minh Vỹ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một Điện báo viên Vô tuyến điện. Không chỉ có vậy, bằng niềm đam mê nhiếp ảnh ông đã chụp ngàn bức ảnh đen trắng, phản ánh cuộc chiến đấu của quân và dân Quảng trị và hoạt động của ngành Giao bưu và Thông tin tại chiến trường này. Hàng trăm bức ảnh trong số đó đã được Thông tấn xã Việt Nam công bố./.