Ngành bán lẻ và tiêu dùng hưởng lợi nhờ chuyển đổi số
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 15:03, 16/12/2022
Tháo gỡ khó khăn kênh cung ứng bị đứt gãy trong dịch COVID-19 nhờ công nghệ
Tại sự kiện FPT Techday 2022 được tổ chức mới đây, trong cuộc đối thoại với chủ đề "chuyển đổi số (CĐS) trong ngành bán lẻ và tiêu dùng Việt Nam", ông Nguyễn Bảo Tri, Giám đốc Công nghệ, Unilever Việt Nam cho biết, Unilever chuyên sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng, nhưng ban đầu không bán lẻ mà chủ yếu thông qua các kênh phân phối, siêu thị... để đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, COVID-19 đã khiến các kênh cung ứng bị đứt gãy. Trước câu hỏi làm thế nào để phục vụ người dân trong giai đoạn khó khăn, Unilever đã quyết định biến kênh bán hàng nội bộ cho nhân viên thành kênh bán hàng cho người tiêu dùng. Sau 3 tuần, với sự hỗ trợ của FPT, Unilever đã hoàn thành phần mềm Ushop bán hàng cho người tiêu dùng. Người dân chỉ cần ở nhà, vào ứng dụng, đặt hàng sau 48 giờ đã nhận được sản phẩm.
Dù là giải pháp để khắc phục COVID-19 nhưng đến nay Ushop đã phát triển với hơn 100.000 thành viên, hơn 10 đối tác tham gia bán hàng trên kênh này và nhận được phản hồi tốt. Unilever cũng đã biến nền tảng bán hàng online thành vừa bán hàng online vừa offline, mở các cửa hàng ở các khu chung cư, qua đó, thu hút người tiêu dùng đăng ký. Đây cũng là những trạm để người mua hàng trên Ushop nhận hàng.
Trả lời câu hỏi phát triển mạng lưới nhà phân phối, ông Nguyễn Bảo Tri cho biết trước đây đơn vị có rất nhiều công cụ giúp hệ thống, nhân viên nâng cao doanh số. Còn hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mua sắm online, bán hàng online có rất nhiều tiềm năng.
"Tôi nghĩ làm sao có một nền tảng giúp dễ bán, dễ mua nhất. Đó chính là lý do ra đời của ứng dụng B2B Retail Service, nền tảng giúp nhà phân phối nắm toàn bộ thông tin như những mặt hàng đang có, thông tin khuyến mại, giờ vàng. Từ đó chủ cửa hàng biết nên mua gì, làm gì, có thể đặt hàng bất cứ lúc nào, kể cả cuối ngày, hay thứ 7, chủ nhật", ông Tri phân tích.
Bên cạnh đó, Unilever cũng đã đưa vào ứng dụng song hành kênh online với nhân viên bán hàng để có thể giúp nhà phân phối trong việc kinh doanh. Thực tế, những đơn vị nào ứng dụng nền tảng này đã tăng 20% hiệu quả. Sản phẩm còn giúp giải phóng nguồn lực nhà phân phối. Ngày xưa các nhà bán lẻ đến lấy từng đơn đặt hàng, bây giờ thì có nhiều thời gian để làm những việc có giá trị như đến thăm và mở nhiều cửa hàng hơn.
Còn về sau bài toán giải quyết tồn kho, vận tải giải quyết thế nào, tối ưu vận trình vận tải mà không đội chi phí cao, ông Tri cho biết, xu thế hiện tại là của dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học. Sau khi triển khai bán hàng online, Unilever cam kết giao trong 48 tiếng nên hậu cần, giao hàng là bài toán quan trọng. Để giải quyết, đơn vị tận dụng tối đa dữ liệu đang có, kết hợp nguồn dữ liệu bên ngoài. Qua đó xây dựng hệ thống quản trị - phân tích dữ liệu thuật toán nhằm tối ưu tuyến đường đi giao hàng, tối ưu hóa việc xe tải phải đầy tải.
Trước đây nhà phân phối giao cho từng đơn vị là cố định, xe hàng đầy hay không vẫn đi. Sau khi ứng dụng hệ thống này, nhà phân phối có thể tối ưu, giảm đầu xe, từ 10 xe chỉ còn 6 xe, giảm chi phí vận hành. Cũng nhờ vậy các đơn vị có thể tối ưu rất nhiều yếu tố: giảm vận hành hậu cần, tuyến đường tối ưu giảm phí xăng dầu. Thực tế, các đơn vị có thể tiết kiệm 15% chi phí vận hành. Hệ thống thông minh còn có những bảng phân bổ để xác định giao những điểm nào, dễ dàng và tự động hóa, cuối ngày có bảng báo cáo đánh giá.
"Tăng chất lượng, giảm chi phí, khách hàng hài lòng hơn là những kết quả nổi bật mà chúng tôi đạt được", ông Tri nói.
Một trong số ít doanh nghiệp tỷ đô chuyển đổi toàn bộ hạ tầng lên môi trường "đám mây"
Bà Nguyễn Đỗ Quyên, Giám đốc Điều hành FPT Retail cho rằng, câu chuyện của Unilever khiến bà liên tưởng đến chính kinh nghiệm thực chiến của nhà thuốc FPT Long Châu trong đại dịch.
Theo bà Quyên, mặc dù được mở cửa nhà thuốc trong đại dịch vốn được xem là một điều may mắn, nhưng hàng nghìn dược sĩ của đơn vị lại trở thành F0. Mỗi nhà thuốc khi này chỉ còn 1-2 dược sĩ trực tiếp phục vụ khách hàng. "Thời điểm này, chúng tôi trỗi dậy một ước mơ vượt nghịch cảnh để phục vụ người dân. Tôi nhìn thấy mong ước rất lớn của bà con khi này", bà Quyên khẳng định.
Để tháo gỡ những khó khăn này, thay vì mô hình kinh doanh truyền thống, FPT Long Châu chuyển đổi mô hình kinh doanh thành một ứng dụng bán hàng gọn nhẹ. Đằng sau là cả một câu chuyện về công nghệ. Dược sĩ khi đi cách ly chỉ cần có mạng 4G, WiFi có thể dùng app để tư vấn trực tiếp và quản lý người dùng. Trên ứng dụng, dược sĩ có thể tư vấn cho người bệnh, có thể theo dõi tồn kho theo thời gian thực (real time) để chuyển nhu cầu mua thuốc đến cửa hàng còn thuốc gần nhất. Khách hàng dù liên hệ qua kênh nào khách hàng vẫn nhận được tư vấn.
Sau khi "dược sĩ online" chuyển đơn, các nhân viên ít ỏi làm việc trực tiếp tại cửa hàng chỉ việc đóng gói đơn hàng, chờ người mua đến lấy. Ước tính, lượng đơn hàng trong đại dịch tăng gấp 5. Mức độ nhận diện tăng 50% - một số liệu vượt ngoài mong đợi của đơn vị. Chưa kể, lượng truy cập website FPT Long Châu tăng 150% và khách hàng xây dựng được niềm tin của khách hàng. "Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất với chúng tôi, những người làm bán lẻ", bà Quyên kết luận.
Về việc phát triển cơ sở hạ tầng cho CĐS, bà Quyên thừa nhận, trong COVID-19, khối lượng đơn hàng của nhà thuốc Long Châu lên rất nhanh khiến đơn vị rất khó xử lý. Lúc đó, FPT Smart Cloud đã khuyên FPT Retail chuyển dữ liệu bán hàng lên hạ tầng của đám mây (cloud). Đã quen với truyền thống quản lý đơn hàng bằng cách thuê các máy chủ (server), lúc này FPT Retail không còn lựa chọn nào khách là chuyển đổi dữ liệu lên cloud.
Hiện nay, đơn vị là một trong số ít những doanh nghiệp bán lẻ tỷ đô đã đưa toàn bộ dữ liệu lên đám mây với 900 cửa hàng FPT Shop và 1000 nhà thuốc. Bà Quyên tiết lộ sắp tới đơn vị sẽ mở thêm 300 cửa hàng, 600 nhà thuốc mà không cần lo mua máy chủ vì đã đưa cơ sở dữ liệu lên đám mây./.