Trở lại với văn minh thời đọc - nghĩ
Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 10:40, 15/12/2022
Khi xã hội không còn trọng thị việc đọc
Lệch chuẩn văn hóa là vấn đề được đặt ra gay gắt mấy thập niên qua, và có vẻ cũng không phải chỉ là câu chuyện của giới trẻ. Tuy nhiên, có lẽ bởi giới trẻ hay gắn với việc nhầm lẫn trong cách tán dương những hành vi sai lệch mà người ta hay gán cho lớp trẻ sự lệch chuẩn. Điều rất đáng báo động hiện nay là sự nhầm lẫn các giá trị đã không còn chỉ là hiện tượng trong xã hội, cũng như không phải chỉ của lớp trẻ. Khi những giá trị quan trọng của việc hình thành nhân cách con người không còn được gìn giữ, thì như là tất yếu, dẫn đến sự xuống cấp của đạo đức và văn hóa.
Điều này có một phần không nhỏ bắt nguồn từ sự xuống cấp của văn hóa đọc. Khi một xã hội không còn trọng thị việc đọc sách, thì các giá trị văn hóa không được coi trọng.
Giáo sư Lê Văn Lan sinh năm 1934 tại Hà Nội. Ông là nhà nghiên cứu cổ sử có nhiều thành tựu trong đó nổi bật là những nghiên cứu về thời đại Hùng Vương. Năm 1980, ông được phong là Giáo sư I, sau này Giáo sư I được gọi là Phó Giáo sư, Giáo sư II là Giáo sư.
Làm thế nào để văn hóa trở thành động lực tinh thần cho phát triển bền vững? Đây vẫn là một câu hỏi lớn, day dứt. Cũng như khi chúng tôi đặt ra câu hỏi, làm thế nào để ứng xử của con người trong xã hội ngày nay vừa phù hợp với sự biến chuyển của xã hội, vừa văn minh lại vẫn giữ được chuẩn mực, GS sử học Lê Văn Lan đã cho rằng: Điều quan trọng nhất là phải nhận chân được những giá trị gốc.
Cũng theo ông Lê Văn Lan, đây là thời kỳ mà trình độ dân trí ai cũng bảo nâng lên, nhưng con người lại mê muội đi rất nhiều. Chỉ nói riêng ở việc đi lễ, thì dường như mọi người chỉ có nhu cầu đi lễ là đổ xô nhau đi, không cần biết lễ ai, lễ cái gì, ở đâu. Cho nên có những nơi tập trung cả triệu người đến đó nhưng không biết tại sao ở đó lại có đền thờ, thờ ai, tín ngưỡng ấy có ý nghĩa gì.
Thời hiện đại với sự phát triển của công nghệ thông tin đã khiến con người có cảm giác càng ngày mình càng trở lên thông thái. Chỉ cần gõ phím là hàng triệu thông tin hiện ra. Nhưng những kiến thức ấy chưa chắc đã dẫn dắt con người tới những hành vi xứng với phẩm chất con người. "Xin mọi người chịu khó trở lại với thời văn minh đọc nghĩ, bây giờ chúng ta đang ở thời kỳ nghe nhìn, gõ một cái là ra thông tin, rất nhanh. Nhưng gõ xong biết đấy rồi lại quên luôn. Chỉ có trở lại với thời đọc nghĩ mới có giá trị sâu sắc hơn, kỹ lưỡng hơn, chứ không hấp tấp hời hợt như bây giờ. Để nhận chân những giá trị gốc và thực hành ứng xử. Kiểm soát lại hành vi của mình" - Giáo sư Lan chia sẻ.
Nhà sử học cho rằng nhìn nhận lịch sử đa chiều không hề dễ, đến độ tuổi và trình độ nào đó mới có thể nhận ra, muốn hiểu thì phải bắt đầu từ việc đọc.
Nói về việc đọc sách, Giáo sư Lê Văn Lan cho rằng giới trẻ ngày nay nên hình thành tủ sách gia đình cũng như thú sưu tầm sách. Đó là cách nâng cao trí tuệ, hiểu biết về lịch sử, về dân tộc, cuộc sống. Ông kể chuyện từ năm học lớp 8, Giáo sư Lê Văn Lan đã gây dựng tủ sách riêng, trong đó nhiều sách đề tài lịch sử. "Thời đại ngày nay có câu: Dân ta phải biết sử ta/ Cái gì không biết thì tra Google. Tuy nhiên, tôi tâm đắc với ý kiến cho rằng giỏi thì không cần đến Google. Mọi tri thức phải được chuẩn bị sẵn sàng ở trong đầu", Giáo sư Lê Văn Lan nói.
Văn hóa và đạo đức bộc lộ như thế nào trong lối sống hôm nay? Điều này không phải chỉ thấy ở những thứ to tát mà có thể thấy rõ trong một hoạt động rất phổ biến của con người thời hiện đại, đó là việc đi lễ, đi du lịch. Mạng xã hội giúp người ta hình dung "diện mạo" phổ biến của nó như sau: Người ta xăm xăm đi đến nơi, chụp ảnh, đưa lên mạng. Rất ít người có nhu cầu đến đó để biết nơi ấy cung cấp cho người ta điều gì. "Làn sóng" đưa ảnh đi lễ và du lịch lên mạng xã hội những năm qua phản ánh nhu cầu về hưởng thụ và khoe khoang, phô phang sự giàu sang át cả phần hồn phách, phần linh thiêng, phần cốt lõi… của những giá trị đã hình thành ở mỗi địa danh, mỗi vùng đất.
Đó chỉ là một trong những ví dụ để chúng ta có thể hình dung về sự "lệch chuẩn", ngay cả trong những biểu hiện tưởng như là không có gì, chứ chưa nói đến những hành vi lệch lạc về lối sống, về đạo đức, vừa không đáp ứng được yếu tố văn minh lại vừa không giữ được chuẩn mực cần phải có.
Trở lại với văn minh đọc sách
Nói như Giáo sư Lê Văn Lan là trở lại với văn minh đọc sách, đọc nghiền ngẫm suy nghĩ sâu sắc, chứ không phải là đọc lướt, nghe nhìn. Muốn vậy, để bước vào một thời kỳ mới mà các cơ quan có trách nhiệm phải hoạch định chính sách, chiến lược phát triển và toàn xã hội phải cần kíp nhận ra tính cấp bách của việc chấn hưng văn hóa đọc, để văn hóa thành nguồn lực nội sinh cho phát triển, để hình thành lên những con người Việt Nam đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được với tình hình mới. Trở lại với cái gốc đẹp đẽ mà giản dị mà cực kỳ quan trọng là cái hồn dân tộc, là tinh thần yêu nước, đáp ứng nhu cầu của thời đại.
Tất cả những sự xuống cấp, những mặt xấu của xã hội, dù thế nào cũng không thể phủ nhận nó là sản phẩm của xã hội ở thời kỳ này. Bất kể nguyên nhân là từ đâu thì các cơ quan có trách nhiệm và mỗi người trong xã hội đều phải chịu trách nhiệm về hậu quả của nó. Việc quan trọng là định tính, định lượng, định vị được nó là cái gì để công minh nghiêm khắc nhận trách nhiệm và có hướng chấn hưng, phục hồi cho bằng được.
Đã có nhiều lúc chúng ta tập trung vào làm giàu mà quên mất văn hóa là động lực, văn hóa là mục tiêu, văn hóa là đích đến. Chấn hưng văn hóa đọc là trở lại với thời đọc nghĩ, trong bối cảnh văn hóa nghe nhìn và đọc lướt trên mạng xã hội đang thực sự lấn lướt./.