Thúc đẩy phổ cập hiểu biết số tại Ấn Độ

Xã hội số - Ngày đăng : 16:13, 19/12/2022

Sống trong thời đại công nghiệp 4.0 sẽ yêu cầu mỗi người trong chúng ta sẽ cần trang bị thêm năng lực cơ bản là “hiểu biết số" (digital literacy), nhằm nâng cao những kỹ năng và bí quyết để nắm bắt thông tin, giữ an toàn khi trực tuyến, đề phòng lừa đảo và tấn công qua mạng.

Trong quá trình đẩy mạnh việc chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện thì việc phổ cập "hiểu biết số" nâng cao ý thức, kỹ năng của người dân trên không gian mạng, là yếu tố quan trọng.

Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Ấn Độ, một người có hiểu biết số ít nhất là 5 tuổi và có thể điều hướng Internet thông qua trình duyệt web, sử dụng e-mail và tìm, đánh giá và thông tin liên lạc bằng các công cụ truyền thông xã hội.

Số liệu thống kê của Văn phòng Thống kê Quốc gia Ấn Độ cho thấy rằng trong khi hơn 55% người Ấn Độ có quyền truy cập băng rộng, thì chỉ có 20% có khả năng sử dụng Internet.

Khoảng cách số ở Ấn Độ - cũng như ở những nơi khác - tồn tại ở các mức độ khác nhau và vượt ra ngoài khả năng tiếp cận công nghệ và cơ sở hạ tầng. Bao trùm kỹ thuật số cũng phụ thuộc vào khả năng sử dụng công nghệ một cách có ý nghĩa.

Các nhân tố thúc đẩy

Mô hình chấp nhận công nghệ (TAM) đề xuất 3 yếu tố thúc đẩy mọi người chấp nhận và áp dụng bất kỳ công nghệ nào: tính hữu dụng; dễ dàng sử dụng và thái độ đối với việc sử dụng.

Một nghiên cứu năm 2019, tập trung vào trải nghiệm của sinh viên năm thứ nhất tại một trường đại học tư thục ở Malaysia, đã tìm thấy mối tương quan chặt chẽ giữa hiểu biết  số và nhận thức về khả năng sử dụng công nghệ.

Mức độ hiểu biết số của mọi người thay đổi đáng kể tùy thuộc vào việc họ có thường xuyên truy cập Internet hay không. Mặc dù hai khái niệm truy cập Internet và hiểu biết số là khác biệt nhưng có liên quan với nhau.

Báo cáo "Digital in India 2019" tiết lộ rằng 99,9% người dùng Internet ở quốc gia này sử dụng thiết bị di động để truy cập web. Tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, địa lý, đẳng cấp và các yếu tố khác cũng đã được chứng minh là định hình sự phổ biến công nghệ ở Ấn Độ.

Nhưng bất chấp những chỉ số này, các sáng kiến nâng cao hiểu biết số hiện có thường không phân biệt giữa mô hình sử dụng và điều kiện cụ thể của các công dân khác nhau.

Cần kết hợp cả đào tạo chính quy, không chính quy, đào tạo dựa vào cộng đồng và đào tạo cá nhân hoá để tạo ra một quá trình học tập hiệu quả. Nghiên cứu năm 2013 được thực hiện tại Hoa Kỳ cho thấy rằng việc tận dụng các không gian như thư viện trường học hoặc hội trường cộng đồng làm nơi học tập cộng đồng có thể thúc đẩy các chương trình phổ cập hiểu biết số.

Tương tự, một nghiên cứu điển hình ở Pakistan do Hiệp hội Internet thực hiện đã chứng minh cách thức kết hợp giữa truy cập Internet và các sáng kiến xây dựng năng lực đã thúc đẩy cả các kỹ năng số và khả năng tiếp cận thông tin giáo dục cho một cộng đồng sinh viên.

Một số khuyến nghị

Chương trình phổ cập hiểu biết số của Chính phủ Ấn Độ là một trong những chương trình lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn chỗ vấn đề cần cải thiện về mặt thiết kế, năng lực và triển khai.

Các sáng kiến hiểu biết số cần giám sát các mức độ thông thạo trực tuyến khác nhau, cũng như những người có quyền truy cập Internet. Khi đánh giá ảnh hưởng và hiệu quả của những sáng kiến như vậy, tất cả các yếu tố như tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn và trải nghiệm công nghệ đều phải được tính đến.

Khi nhiều lớp học tiếp tục được tổ chức trực tuyến sau đại dịch COVID-19, chúng ta cần khảo sát và đánh giá rõ hơn về tác động của hiểu biết số đối với việc tiếp cận giáo dục. Điều này đặc biệt quan trọng vì hiểu biết số và kỹ năng số có thể ảnh hưởng lớn đến sự tương tác của học sinh với công nghệ trong tương lai.

Hơn nữa, đối với Ấn Độ, nhu cầu nâng cao hiểu biết số ngày càng cấp thiết với sự phổ biến ngày càng tăng của quản trị điện tử./.

TH