Vì sao Việt Nam chưa có nhiều startup kỳ lân công nghệ?
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 21:57, 19/12/2022
Năm 2022 chứng kiến sự sụt giảm đầu tư ở một loạt quốc gia
Theo phân tích của Crunchbase News, tổng vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu trong quý III/2022 là 81 tỷ USD, giảm 90 tỷ USD (53%) so với năm trước và 40 tỷ USD (33%) so với quý trước. Tại Đông Nam Á, thị trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thu hút 3,72 tỷ USD trong quý 3/2022, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm trước và giảm 22% so với quý 2/2022.
Mặc dù tổng giá trị đầu tư giảm sút, nhưng thị trường Đông Nam Á vẫn được đánh giá là tiềm năng. Đông Nam Á tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng về số lượng người dùng Internet - với 20 triệu người dùng mới vào năm 2022, nâng tổng số người dùng Internet lên 460 triệu người.
Nhiều quỹ đầu tư quốc tế đánh giá khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang nổi lên như điểm đến tiềm năng cho các dòng vốn đầu tư trực tiếp và đầu tư mạo hiểm.
Tại toạ đàm với chủ đề "Xu hướng đầu tư toàn cầu và những cơ hội cho thị trường Đông Nam Á" trong khuôn khổ sự kiện Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 ngày 19/12, chia sẻ góc nhìn của một nhà đầu tư toàn cầu, ông Jeff Lonsdale cho biết, năm 2022 là một năm nhiều biến động với những đứt gãy trong chuỗi năng lượng… nên đã tác động không nhỏ đến các hoạt động đầu tư ĐMST và khởi nghiệp. Tuy nhiên, đã chứng kiến sự tăng trưởng của startup công nghệ của các thị trường mới nổi như khu vực Đông Nam Á. Chưa kể, còn có sự chuyển dịch từ Trung Quốc sang các thị trường khác.
Ông Chris Seung-Ho, Giám đốc quỹ Nextrans cho biết, tại Hàn Quốc, nếu số tiền đầu tư cho startup năm 2015 chỉ rơi vào khoảng 2 tỷ USD thì số tiền này đã tăng lên mức 7 tỷ USD vào năm 2021. Cùng với sự gia tăng của các chương trình tăng tốc khởi nghiệp cũng như các nhà đầu tư, đã thúc đẩy việc đầu tư vào các lĩnh vực như sinh học, công nghệ, năng lượng… , cũng như sự chuyển đổi từ những ngành truyền thống sang những mô hình mới hơn.
Tuy nhiên, quý 3/2022 đã chứng kiến sự sụt giảm từ những vấn đề như tăng lãi suất, thị trường suy giảm… nên các nhà đầu tư có cái nhìn thận trọng khi đánh giá tình hình. Vì thế, đã có sự tác động vào dòng tiền đến lĩnh vực này, như công nghệ sinh học, tỷ lệ đầu tư giảm từ 24% xuống còn 16%. "Chúng tôi hy vọng sang năm 2023 - 2024 thị trường đầu tư tại Hàn Quốc sẽ có sự hồi phục", ông Chris Seung-Ho nói.
Còn đối với Việt Nam, theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc quỹ đầu tư Do Ventures cho biết, về đầu tư công nghệ, thị trường Việt Nam vào thời điểm 2015 ở mức khoảng 45 triệu USD thì vào năm 2019, con số này rơi vào 874 triệu USD. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nên con số đầu tư năm 2020 giảm xuống còn 451 triệu USD trước khi đạt mức kỷ lục 1,442 tỷ USD vào năm 2021. "Dù con số đầu tư năm 2021 gấp nhiều lần so với năm liền trước đó nhưng vẫn chưa thể so sánh với thị trường Hàn Quốc", bà Vy bày tỏ
Còn đối với năm 2022, 9 tháng đầu đã chứng kiến sự sụt giảm tổng số vốn đầu tư (17,9%) so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 494 triệu USD. So với các quốc gia khác thì sự sụt giảm này không phải là nhiều, nhưng một tín hiệu tốt là số lượng giao dịch với quy mô gọi vốn đạt 10 - 50 triệu USD, gần bằng với cả năm 2021. Điều đó đã cho thấy các công ty huy động vốn vòng trước series A và series A vào năm ngoái đã tăng trưởng sang giai đoạn tiếp theo.
"Dù số vốn năm 2022 có sự giảm nhất định nhưng tôi không nhìn nhận nó một cách tiêu cực. Bởi vì, các doanh nghiệp (DN) sẽ có sự quan tâm nhiều hơn nữa vào chiến lược phát triển sản phẩm cũng như tương lai lâu dài", bà Vy nhấn định.
Về những ngành sẽ được quan tâm nhiều nhất ở Việt Nam, theo bà Vy, đó là 2 lĩnh vực hấp dẫn nhất là bán lẻ và thanh toán. Gần đây cũng chứng kiến sự gia tăng đầu tư vào các dịch vụ tài chính như quản lý tài sản, cho vay hay giáo dục, phần mềm dạng dịch vụ (SaaS)…
Startup Việt đã chú trọng hơn vào việc "go global" và sở hữu công nghệ lõi
Bà Nguyễn Lan Anh, Giám đốc điều hành Endeavor Việt Nam cho biết, một câu hỏi bà rất hay nhận được từ các nhà đầu tư, đó là việc tại sao Việt Nam chưa có nhiều kỳ lân công nghệ.
Lý giải cho điều này, bà Lan Anh khẳng định, đa phần các DN ở Việt Nam chưa được xây dựng quá 30 năm, còn các startup cũng có rất nhiều đơn vị chưa quá 5 năm. Vì vậy, tiềm năng phát triển của các công ty ở Việt Nam còn rất lớn. Chưa kể, quy mô của thị trường cũng là một lý do khác. Do đó, thời gian gần đây, các đơn vị mà Endeavor Việt Nam trong các ngành như game, công nghệ chuỗi khối (blockchain)… đã dần hướng đến cả thị trường nước ngoài.
"Có thể nói, cơ hội của các DN Việt còn rất lớn khi so với các startup ở Singapore, Indonesia…, khi mà họ sở hữu rất nhiều nhân tài", bà Lan Anh nói.
Ông Arnaud Ginolin, Giám đốc hợp danh BCG Việt Nam, vấn đề ở Việt Nam là làm thế nào để tăng trưởng về quy mô và trở thành một trung tâm của khu vực cho hoạt động đầu tư mạo hiểm. Để làm được điều này, Việt Nam cần có sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của các nhà đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, các nhà đầu tư thiên thần để từ đó nâng cao chuỗi giá trị toàn cầu.
Gợi ý cho startup Việt, theo bà Thái Vân Linh, Giám đốc Điều hành của TVL Group, Cố vấn cấp cao của Openspace Ventures, để nâng cao hơn nữa tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam, bên cạnh những lĩnh vực đang rất nóng như công nghệ tài chính (fintech), thương mại điện tử (TMĐT), bán lẻ…, startup Việt nên quan sát và tìm kiếm những lĩnh vực sẽ là xu hướng trong tương lai để tập trung phát triển như sản xuất, công nghệ nông nghiệp, robotics…
Đại diện Nextrans cho rằng, thị trường Việt Nam có tiềm năng rất lớn về TMĐT, chăm sóc y tế… với sự vào cuộc của các DN tư nhân cũng như sự đầu tư của Chính phủ vào hạ tầng cốt lõi. Tuỳ thuộc vào thu nhập bình quân tại mỗi thời điểm mà các quỹ đầu tư sẽ có những danh mục đầu tư tương ứng. Bởi vì, khi đó, nhu cầu người dùng sẽ có những sự thay đổi nhất định, để từ đó, startup cũng phải nắm bắt được để có mô hình kinh doanh phù hợp. Ví dụ, như tại Hàn Quốc, một số startup đã đưa ra những sản phẩm với lộ trình 7 - 8 năm sau, để đón đầu nhu cầu những nhu cầu mới của thị trường.
Với vai trò là một "bệ đỡ" cho startup, bà Vy cho biết, Do Ventures thấy rằng có một làn sóng khởi nghiệp ứng dụng những công nghệ sâu về phần cứng, đòi hỏi nhiều chất xám nghiên cứu, điều mà thị trường trước đây, những năm 2010 chưa từng chứng kiến. Bên cạnh đó, chất lượng nhân tài của startup cũng đã có sự gia tăng đáng kể. Do Ventures mong muốn hỗ trợ những nhà sáng lập với tư duy toàn cầu, một số startup mà quỹ đầu tư đã phục vụ không ít người dùng ngoài biên giới Việt Nam.
Đồng thời, ngày càng nhiều sáng lập ở Việt Nam đang nắm giữ những công nghệ lõi để có thể cạnh tranh lâu dài trong tương lai, thay vì "sao chép" như trước.
Cùng với đó là sự gia tăng hợp tác với những tập đoàn, DN lớn vào các quỹ đầu tư để gia tăng hàm lượng công nghệ, trở nên mạnh mẽ hơn. Hay sự tham gia của cơ quan quản lý, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tạo cầu nối với startup thông qua các sự kiện. "Đây là thời điểm vàng để startup Việt có thể bay lên", bà Vy nhấn mạnh.
Ông Arnaud Ginolin cho rằng, trong 3 năm qua, Việt Nam đã có rất nhiều cố gắng trong đổi mới sáng tạo và thu hút nguồn vốn đầu tư. Nhiều sáng kiến từ phía Chính phủ đã ra đời và tạo cú hích cho thị trường. Thị trường cũng đã có nhiều sự cạnh tranh và tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, để hấp dẫn hơn nữa các nhà đầu tư, Việt Nam cần đưa ra các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các quỹ, DN nước ngoài vào thị trường, như cách Singapore đang áp dụng.
"Việt Nam cũng cần đơn giản hoá các thủ tục, quy trình hay xây dựng các quỹ đầu tư của chính phủ như mô hình ở một số quốc gia", ông Arnaud Ginolin nói.
Cuối cùng, Việt Nam cần mở rộng phạm vi phủ sóng của các quỹ đầu tư đến các địa phương khác ngoài Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…, để làm thế nào các startup tại các tỉnh, thành cũng có thể thu hút các nhà đầu tư và gọi vốn thành công.
Thậm chí, theo đại diện một quỹ đầu tư, việc xin thị thực cũng là một rào cản cho các nhà đầu tư nước ngoài./.