Ngành thuỷ sản Việt Nam nỗ lực chuyển đổi số để tăng năng suất lao động

Quản trị - Ngày đăng : 14:52, 25/11/2022

Trong giai đoạn 2016-2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù có năng suất lao động thấp nhất trong 3 khu vực kinh tế nhưng lại là khu vực có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất (10,62%). Xuất khẩu thuỷ sản đứng vào thứ hạng cao trên thế giới (xuất khẩu tôm đứng thứ 3) nhưng để đáp ứng đúng yêu cầu chất lượng đối với sản phẩm xuất khẩu, ngành thuỷ sản đang có nhiều việc phải làm để nâng cao năng suất, chất lượng.

Áp dụng công nghệ cao còn nhiều khó khăn

Được biết, từ nhiều năm qua, việc đưa công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản, nhất là trong nuôi tôm nước lợ về cơ bản đã được áp dụng. Từ khâu thiết kế, cải tạo ao nuôi tôm đến khâu cho ăn, quản lý, kiểm soát môi trường, sục khí tạo ôxy hòa tan cho tôm nuôi và gần đây nhất là hệ thống máy sang tôm tự động cũng được một số trang trại lớn đưa vào phục vụ sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động cũng như khắc phục tình trạng thiếu lao động trong nuôi tôm. Đối với ngành khai thác, từ một nghề cá hoàn toàn thủ công, đến nay đã từng bước được hiện đại hóa, với các hệ thống cơ giới hóa, như: máy tời thu, thả lưới; hệ thống cẩu trên tàu cá… đã được lắp đặt cho toàn bộ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khai thác ở vùng biển xa bờ.

Không chỉ có nuôi trồng và khai thác thủy sản, công nghệ còn được áp dụng phổ biến trong bảo quản và chế biến. Ví dụ, ở tỉnh Sóc Trăng có 22 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, trong đó 9 doanh nghiệp lớn nhất đều chuyên về chế biến, xuất khẩu tôm và đa số đều ứng dụng cơ giới hóa tương đối đồng bộ. Các hệ thống công nghệ được doanh nghiệp áp dụng chủ yếu, như: hệ thống tự động đếm, phân loại trên băng chuyền; hệ thống tự động đánh vảy, tách bóc xương cá và thịt cá; hệ thống băng tải; hệ thống mạ băng, làm lạnh nhanh giúp giảm được tỷ lệ mạ băng cũng như đảm bảo chất lượng của nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu của thị trường và nâng cao giá trị gia tăng.

Việt Nam có khoảng 740.000 ha nuôi tôm, trong đó có 630.000 ha nuôi tôm sú và 110.000 ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Ðồng bằng sông Cửu Long được khuyến khích nhiều phương pháp nuôi tôm như "nuôi tôm công nghiệp", "quảng canh" hoặc "quảng canh cải tiến". Gần đây, người nuôi "công nghệ cao" đầu tư  "thâm canh ao nổi lót bạt HDPE", "siêu thâm canh ao nổi lót bạt HDPE có mái che".

Tuy nhiên theo TS. Nguyễn Thanh Mỹ, người sở hữu chuỗi các doanh nghiệp công nghệ cao thì cách thâm canh công nghệ cao vẫn đối diện thách thức là chất lượng tôm giống kém, việc quản lý nước và mầm gây bệnh chưa tốt dễ dẫn đến bùng phát dịch bệnh, chi phí và lợi ích tréo ngoe. Đó là chưa nói, ngành tôm là ngành đối mặt với nhiều chuẩn mực xuất khẩu khắt khe nhất như Organic Aquaculture (EU), SELVA, NATURLAND, ASIC, BIO SUISSE, USDA NOP.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Vasep, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam, thủy sản là mặt hàng đặc trưng, sự hao hụt của nó không thể tính được như các mặt hàng khác. Việc làm thế nào để lưu trữ lại mọi dữ liệu cần thiết và quản lý một cách hệ thống nhất có thể từng mặt hàng luôn là nỗi trăn trở của những người hoạt động trong ngành.

Thế nên, năm 2007, Hải Nam Seafood đã mua một phần mềm của Microsoft. Tuy nhiên, thời gian đó, thị trường tư vấn cũng chưa biết nhiều về công nghệ Hoạch định tài nguyên doanh nghiệp (ERP), nên dự  án này đã bị gãy đổ.

Còn theo ông Lê Văn Đáng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, việc ứng dụng công nghệ trong ngành thủy sản vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Có nhiều nguyên nhân làm cho tiến trình đưa công nghệ vào ngành thủy sản còn chậm và chưa đồng đều, trong đó có nguyên nhân do doanh nghiệp và người nuôi tôm thiếu vốn. Đơn cử như trong nghề nuôi tôm, chi phí đầu tư ứng dụng tất cả các thiết bị từ khâu cải tạo, quản lý, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản là rất lớn nên đa số cơ sở nuôi tôm chỉ mới ứng dụng cơ giới hóa được một số khâu, chứ chưa đầy đủ hết các thiết bị, máy móc trong tất cả các khâu.

Ở lĩnh vực khai thác, rất dễ nhận thấy, việc bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác qua cảng còn dùng hình thức thủ công là chính, điều này làm tăng thời gian, tăng chi phí, giảm chất lượng sản phẩm thủy sản. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, chưa đáp ứng với yêu cầu ngày một phát triển của khoa học công nghệ, nhất là việc ứng dụng, sử dụng các thiết bị công nghệ trong lĩnh vực thủy sản.

Việc ứng dụng công nghệ trong ngành thủy sản vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Ảnh minh họa

Việc ứng dụng công nghệ trong ngành thủy sản vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Ảnh minh họa

Ứng dụng công nghệ số

TS. Nguyễn Thanh Mỹ cho biết, sau 18 tháng tìm hiểu và nghiên cứu, ông đã dần phát triển được mô thức nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh giàu oxy Tomgoxy (viết tắt cho chữ Tôm Giàu Oxy), cải thiện được nhiều vấn đề hiện nay. Mô thức này được phát triển dựa trên sự sáng tạo tích hợp các công nghệ vật lý, hoá học, sinh học và kỹ thuật số, giúp người nông dân, doanh nghiệp tăng cao năng suất. Mọi hoạt động, cơ chế của mô hình Tomgoxy đều được tự động hoá, vận hành với công nghệ số và trí tuệ nhân tạo thay vì làm thủ công so với các phương pháp truyền thống hiện nay. Thời gian chiếu sáng cũng được nâng cao từ dưới 12 tiếng tới 18 tiếng trở lên một ngày bằng cách sử dụng ánh sáng nhân tạo kết hợp với ánh sáng tự nhiên.

Hệ thống mới này giảm được 4,5 lần tiếng ồn so với hệ thống cũ, đồng thời giúp các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm dễ dàng theo dõi mọi chỉ số của ao nuôi tôm cũng như sức khoẻ  của từng cá thể tôm chỉ thông qua chiếc smartphone.

Khi cung cấp giải pháp đồng bộ về công nghệ số, lý hóa và sinh học, người nuôi tôm với mật độ hơn 500 con giống/m2 không cần tới kháng sinh như những mô hình hiện tại, chi phí giảm rõ rệt. Dễ thấy nhất là giảm lượng điện tiêu hao cho sục không khí bình thường từ 5.000 kwh còn 2.000 kwh cho mỗi tấn tôm, nhờ cách lọc nắng nên không phải đầu tư mái che, nhờ các thiết bị cảm biến siêu âm, cách xử lý nước tự động mà việc nuôi tôm, nuôi tảo, và cả cách đuổi chim kém ồn hơn các mô hình hiện tại…

Bên cạnh đó, hệ thống này cũng giúp theo dõi, truy xuất nguồn gốc của từng con tôm, đảm bảo mặt hàng rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đưa tôm Việt vươn xa hơn, gia tăng thị phần trên thị trường thế giới.

Nhà máy chế biến hải sản đông lạnh của Hải Nam Seafoods. Ảnh minh họa

Nhà máy chế biến hải sản đông lạnh của Hải Nam Seafoods. Ảnh minh họa

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc cũng cho hay, sau hơn 10 năm tìm kiếm, thử nghiệm, Công ty TNHH Hải Nam đã tìm được lối đi phù hợp với công nghệ số ERP - SAP. Công nghệ này giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả thông tin mọi giai đoạn, mọi mặt hàng từ chế biến đến xuất khẩu: hệ thống hoá thông tin, sơ đồ kho hàng; quản lý barcode sản phẩm, tích hợp phần mềm quét mã vạch, máy PDA tại khâu thành phẩm, bán thành phẩm; tích hợp cân đầu vào mua nội địa, nhập khẩu (khay, sọt);…

Ngoài ra, Công ty TNHH Hải Nam cũng từ đây phát triển phần mềm quét sản phẩm công đoạn, tính lương dựa trên mã thẻ từ và phát triển tính năng quản lý giấy tờ thuỷ sản IUU, SC, CC trên phần mềm SAP. Bà Sắc cho biết, với việc ứng dụng hiệu quả công nghệ số vào quá trình sản xuất, doanh số của công ty TNHH Hải Nam đã tăng lên 140%. Công nghệ đã có, giải pháp đã có, tuy nhiên, làm thế nào để lan tỏa, truyền bá rộng rãi các giải pháp này cũng còn là một quá trình dài./.

Linh An