Ra mắt Liên minh sáng tạo nội dung số và tổng đài tiếp nhận khai báo vi phạm bản quyền
Truyền thông - Ngày đăng : 14:20, 21/12/2022
Sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế Internet, cùng với số lượng người dùng mạng xã hội của Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng đã thúc đẩy những nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng toàn cầu như YouTube, Facebook, TikTok… ngày càng đông đảo, đưa ngành công nghiệp NDS trở thành một xu hướng phát triển mới.
Sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng số, và các nền tảng dịch vụ trung gian đa quốc gia, giúp cho hoạt động sản xuất NDS ngày càng phát triển mạnh mẽ góp phần đưa công nghiệp NDS là một trụ cột quan trọng của công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông.
Không thể phủ nhận ngành công nghiệp NDS tại Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để các cá nhân, tổ chức kinh doanh vươn ra toàn cầu. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này thì các nhà sáng tạo cần có tư duy chiến lược về kinh tế số, chuyên nghiệp hóa khâu quản lý, vận hành DN.
Hiện nay, các DN, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo NDS hoạt động phân tán, thiếu các định hướng xây dựng mô hình kinh doanh bền vững. Trong khi đó, thực trạng nhận thức về bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ, và luật pháp quốc tế chưa cao.
Tập hợp và kết nối các DN, doanh nhân về sáng tạo NDS trong và ngoài nước
Từ thực trạng này, VDCA thấy rằng, đã đến lúc phải hình thành một tổ chức nhằm mục đích tập hợp và kết nối các DN, doanh nhân về sáng tạo NDS trong và ngoài nước. Các thành viên sẽ hợp lực, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy và nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư trong nước và nước ngoài, chia sẻ nhiều hơn kiến thức về nền kinh tế số.
Theo Quyết định số 56/QĐ-HTTS ngày 20/12/2022 về việc thành lập Liên minh Sáng tạo NDS và các quyết định bổ nhiệm cán bộ của VDCA, Liên minh sẽ có tên gọi đầy đủ là “Câu lạc bộ Liên minh sáng tạo NDS Việt Nam”, (Vietnam Digital Content Creation Alliance Club) và tên gọi ngắn “Liên minh Sáng tạo NDS” (DCCA).
Cơ cấu tổ chức nhân sự Ban chủ nhiệm và Tổng thư ký của DCCA gồm có ông Tạ Mạnh Hoàng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sconnect Việt Nam, Chủ nhiệm CLB DCCA; ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số, Phó Chủ nhiệm thường trực CLB DCCA; bà Phạm Thị Quyên, Giám đốc vận hành Công ty CP Bản quyền âm nhạc trực tuyến - MCM Online, Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký CLB DCCA.
DCCA là đơn vị trực thuộc VDCA ra đời với sứ mệnh “Kết nối tạo giá trị trên toàn thế giới”; kết nối các DN, cá nhân trong ngành NDS, công nghệ thông tin và truyền thông, gắn kết cùng phát huy thế mạnh của nhau để cùng phát triển. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu đưa ngành Sáng tạo NDS Việt Nam ngày một lớn mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm nội dung có giá trị cho cộng đồng. Các sản phẩm nội dung “Make in Vietnam” không chỉ phục vụ cho thị trường Việt Nam mà còn cung cấp ra toàn thế giới.
Đây là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam về sáng tạo NDS, hướng tới mục tiêu tập hợp các DN, tổ chức, cá nhân có chung lý tưởng, chung mục tiêu phát triển, thúc đẩy ngành công nghiệp NDS trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, vươn ra toàn cầu. Liên minh sẽ quy tụ những cá nhân, tổ chức trên toàn cầu có chung chí hướng, cùng nhau làm những sản phẩm nội dung có giá trị cao, phục vụ cho người dùng trên thế giới.
Tổng đài 1900.2685 tiếp nhận khai báo VPBQ
Ngoài ra mắt Liên minh Sáng tạo NDS, Trung tâm Bản quyền số trực thuộc VDCA cũng chính thức ra mắt Tổng đài tiếp nhận khai báo VPBQ 1900.2685.
Tổng đài 1900.2685 sẽ tiếp nhận các thông tin báo cáo, phản ánh VPBQ từ các cá nhân, tổ chức. Tổng đài có bộ phận hỗ trợ tiếp nhận thông tin và hướng dẫn cá nhân, tổ chức khai báo cung cấp bằng chứng vi phạm đúng cách.
Thông tin cung cấp sẽ được chuyển tới các đơn vị có thẩm quyền để kiểm tra, giải quyết và xử lý vi phạm (nếu có). Kết quả sẽ được thông báo lại cho cá nhân, đơn vị khai báo sau khi vi phạm được xử lý.
Tổng đài nhằm mục đích xây dựng chỉ số về VPBQ đối với những đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung trên nền tảng Internet, đưa ra cảnh báo về những nội dung VPBQ đến các khán giả; đồng thời truyền thông đến những đơn vị sở hữu nội dung những nền tảng sản phẩm có thể tạo doanh thu và đưa ra thông điệp "không tài trợ, không trả tiền" cho những nội dung VPBQ.
Phạm vi các lĩnh vực hỗ trợ tiếp nhận khai báo VPBQ bao gồm: mạng xã hội; báo chí, truyền hình; nghệ thuật, âm nhạc; sách báo, ấn phẩm, quảng cáo; các lĩnh vực sáng tạo nội dung khác …
Tổng đài tiếp nhận khai báo VPBQ 1900.2685 sẽ là đường dây nóng đáng tin cậy để bảo vệ bản quyền các tác phẩm ... kịp thời và hiệu quả
Trung tâm Bản quyền số trực thuộc VDCA là cơ quan tập hợp các nhà khoa học trong các lĩnh vực bản quyền số, NDS để nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao, tư vấn, dịch vụ về khai thác và bảo vệ bản quyền NDS, truyền thông số, công nghệ số góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên cách mạng 4.0./.