GDP Việt Nam năm 2023 sẽ đứng thứ ba tại ASEAN
Truyền thông - Ngày đăng : 14:22, 18/12/2022
Theo dự báo mới đây từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dự báo GDP thực của nhóm 5 nền kinh tế mới nổi trong ASEAN gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan (ASEAN-5) dự kiến sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm nay so với mức 3,4% vào năm 2021.
Tuy nhiên, trước những biến động lớn của thị trường thế giới, lạm phát gia tăng, khủng hoảng địa chính trị, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Tăng trưởng của nhóm này dự kiến chậm lại còn 4,9% vào năm 2023 do nhu cầu yếu hơn ở các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, khu vực đồng euro và Mỹ.
Về cụ thể, dự báo, năm 2022, quy mô GDP của Indonesia dẫn đầu trong khu vực ASEAN tương đương khoảng 1.290 tỷ USD. Xếp ngay sau Indonesia là Thái Lan với 534,76 tỷ USD. Việt Nam đạt mức 413,81 tỷ USD, đứng thứ năm trong khu vực ASEAN.
Bước sang năm 2023, IMF dự báo quy mô GDP của Indonesia vẫn dẫn đầu trong khu vực ASEAN với khoảng 1.388,68 tỷ USD. Thái Lan được dự báo xếp ở vị trí thứ hai với quy mô GDP đạt khoảng 580,69 tỷ USD.
Riêng với Việt Nam, quy mô GDP theo dự báo của IMF đứng thứ ba trong khu vực ASEAN. Như vậy, thứ hạng quy mô GDP Việt Nam năm 2023 sẽ tăng hai bậc so với năm 2022 theo dự báo của IMF.
Indonesia vẫn là nước trong khối ASEAN có dự báo xếp hạng cao nhất trên thế giới là, xếp thứ 17 trong các quốc gia có GDP lớn nhất thế giới. Tiếp đến Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Singapore và Philippines với thứ hạng được dự báo lần lượt là 26, 35, 36, 37 và 38 trong top 50 các quốc gia có quy mô GDP lớn nhất thế giới.
Tổng giám đốc IMF - bà Kristalina Georgieva đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định tại khu vực, tăng trưởng cao, có nền kinh tế mở, năng động và sức chống chịu qua đại dịch COVID-19.
Lãnh đạo IMF nhấn mạnh việc tiếp tục đẩy mạnh các cải cách cơ cấu kinh tế, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, sạch, bền vững, chú trọng năng lượng tái tạo và kinh tế số sẽ đem lại động lực mới cho kinh tế Việt Nam. Bà mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng góp vào các chương trình nghị sự toàn cầu về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đảm bảo các chuỗi cung ứng./.