Vì sao cần thẩm định CNTT trước khi M&A?

Truyền thông - Ngày đăng : 10:00, 22/12/2022

Thẩm định CNTT diễn ra trong giai đoạn nhạy cảm, trước khi hai bên đi đến quyết định cuối cùng. Quá trình này tác động đến quyết định của bên mua, giá trị bên bán và khoảng thời gian cần thiết để hoàn tất sáp nhập hệ thống”, chuyên gia cấp cao của ABeam Consulting nhận định.

Trong thời đại kinh tế toàn cầu, ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) đã sử dụng chiến lược Mua bán và Sáp nhập (Merger and Acquisition - M&A). Năm 2021, hãng kiểm toán hàng đầu thế giới PwC ghi nhận kỷ lục về mức tăng 57% về giá trị và 24% số lượng thương vụ M&A.

Việt Nam được dự đoán không nằm ngoài xu hướng M&A. Bên cạnh năng lực tài chính, sức mạnh CNTT được đánh giá là một yếu tố đáng quan tâm nhất. PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Kế Thực, Chuyên gia tư vấn cấp cao về hệ thống CNTT tại ABeam Consulting, để giải đáp thắc mắc xung quanh lĩnh vực mới mẻ này.

Vì sao cần thẩm định CNTT trước khi M&A? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Kế Thực, Chuyên gia tư vấn cấp cao về hệ thống CNTT tại ABeam Consulting

Thẩm định CNTT đóng vai trò như thế nào đối với DN tham gia M&A?

Trong thương vụ M&A, bên mua sẽ cân nhắc tất cả giá trị bên bán mang lại từ khía cạnh tài chính, sản xuất, kinh doanh đến năng lực CNTT. Với tầm nhìn chuyển đổi số, thẩm định CNTT chắc chắn đóng vai trò quan trọng khi DN có nhu cầu mua/bán DN khác để mở rộng thị trường và nâng cao sức cạnh tranh.

ABeam Consulting đã tham gia thẩm định CNTT cho nhiều DN ngành ngân hàng, năng lượng, sản xuất và bán lẻ tại Việt Nam. Thực tế cho thấy đây là công việc cần thiết ngay cả khi DN không hoạt động trong trong lĩnh vực công nghệ.

Tuy nhiên, thẩm định CNTT giữa các thương vụ M&A không hoàn toàn giống nhau. Ví dụ, một DN toàn cầu muốn đầu tư, mua lại một DN Việt Nam để thâm nhập thị trường, thương vụ này sẽ được đánh giá ở quy mô đa quốc gia. Mặt khác, hai DN cùng ngành bán lẻ tại Việt Nam tiến hành M&A có thể không cần đi quá sâu về tiêu chí đánh giá, do hai bên đã có sự hiểu biết nhất định.

Vì sao cần thẩm định CNTT trước khi M&A? - Ảnh 2.

Lợi ích của thẩm định CNTT trong thương vụ M&A là gì?

- Thẩm định CNTT có 4 lợi ích chính.

Đầu tiên, thẩm định CNTT giúp bên mua hình dung được bức tranh toàn cảnh về CNTT của bên bán như DN có bao nhiêu hệ thống, bao nhiêu nhân sự CNTT, trình độ thế nào, điểm mạnh là gì… Quy mô hệ thống CNTT là cơ sở để định giá tài sản, dự đoán tiềm năng tăng trưởng và tạo giá trị mới cho DN.

Thứ hai, dựa trên kết quả thẩm định và chiến lược kinh doanh, bên mua sẽ lường trước được những rủi ro trong tương lai.

Thứ ba, thẩm định CNTT giúp bên mua nắm rõ tiềm năng và giá trị hiện tại của bên bán, do vậy, nâng cao tỷ lệ thành công của thương vụ M&A. Quá trình thẩm định giúp bên mua nhìn nhận được khả năng tương thích giữa các hệ thống và lên sẵn phương án phù hợp.

Thứ tư, quá trình sáp nhập có thể kéo dài vài tháng đến vài năm. Thẩm định CNTT giúp bên mua ước tính được thời gian, chuẩn bị kế hoạch và ngân sách để đảm bảo giai đoạn chuyển tiếp diễn ra suôn sẻ.

Quy trình thẩm định CNTT thường diễn ra như thế nào?

Quy trình M&A được chia thành nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu là nghiên cứu, tìm kiếm và thu thập dữ liệu. Kế đến, bên mua thường thuê đơn vị thứ ba như ABeam Consulting để tiến hành thẩm định về tài chính, kinh doanh và CNTT. Cuối cùng, các bên liên quan sẽ thành lập nhóm dự án để lên kế hoạch sáp nhập giữa hai hoặc nhiều DN.

Tại ABeam Consulting, việc tiến hành thẩm định CNTT trong 3 bước.

Bước một là thu thập dữ liệu. Các chuyên gia xây dựng bộ khung câu hỏi được điều chỉnh và khoanh vùng cho từng khách hàng ở lĩnh vực ngành cụ thể. Sau đó, chúng tôi sẽ gửi bộ câu hỏi cho bên bán.

Bước hai là phân tích dữ liệu do bên bán tổng hợp để đánh giá các yếu tố rủi ro, khoảng cách so với tiêu chuẩn CNTT toàn cầu như ISO, ITIL, NIST, CIS…

Bước ba, ABeam Consulting sẽ đưa ra khuyến nghị và giải pháp để giảm bớt rủi ro về công nghệ, con người hoặc quy trình. Ví dụ thường thấy ở Việt Nam là DN thực hiện các nghiệp vụ khách hàng hoàn toàn bằng tay dựa trên Excel. ABeam Consulting có thể khuyến nghị bên mua chuyển sang phần mềm chuyên dụng như quản lý quy trình (BPM) để tối ưu hoạt động và đảm bảo an toàn về mặt dữ liệu.

Toàn bộ giải pháp khuyến nghị sẽ được tổng hợp và đưa ra thứ tự thực hiện. Qua đó, bên mua có thể biết phải làm gì trong giai đoạn tiếp theo để giảm thiểu rủi ro, cũng như khoảng cách giữa hiện trạng và tiêu chuẩn quốc tế.

Vì sao cần thẩm định CNTT trước khi M&A? - Ảnh 3.

Đâu là công việc khó khăn nhất khi thực hiện thẩm định CNTT tại Việt Nam?

Việt Nam là thị trường đi sau tại khu vực Đông Nam Á và Châu Á. Vì vậy, mức độ trưởng thành về quản trị CNTT chưa cao (IT Governance). Đa số DN chưa có tầm nhìn toàn diện về đầu tư CNTT, cho rằng càng dùng nhiều phần mềm, ứng dụng càng tốt.

Trong khi đó, các DN toàn cầu coi phát triển CNTT giống như hoạt động đầu tư kinh doanh. Để phát triển bền vững, khoản đầu tư tất nhiên phải sinh lời. Nếu DN chi quá nhiều cho CNTT không thấy rõ hiệu quả và lợi ích, bộ phận CNTT sẽ phải thu hẹp quy mô hoặc điều chỉnh đầu tư và ngược lại.

Một số DN hiểu nhầm thẩm định CNTT là việc thanh tra, kiểm tra và bắt lỗi trong hoạt động CNTT. Điều này dẫn đến tâm lý lo ngại khi thực hiện và ảnh hưởng đến kết quả dự án thẩm định CNTT. Do đó, các DN cần nhận thức đúng về thẩm định CNTT như một cách để cải tiến và tối ưu hoạt động của mình thông qua góc nhìn, cũng như kinh nghiệm của đơn vị tư vấn.

Bên cạnh đó, các DN ban đầu chỉ chú trọng đến các hệ thống công nghệ. Dù có thể hoạt động, năng lực quản trị CNTT lại chưa được quan tâm đầy đủ. Vì vậy, khi tiến hành thẩm định, ABeam Consulting sẵn sàng chia sẻ kiến thức, cung cấp các khóa đào tạo cho DN trong việc áp dụng các mô hình quản trị CNTT tiêu chuẩn.

Nếu hai DN ký kết thỏa thuận M&A, ABeam Consulting có thể hỗ trợ cho họ như thế nào trong giai đoạn chuyển tiếp?

Kết thúc giai đoạn thẩm định, ABeam Consulting sẽ cung cấp cho các DN tham gia M&A kế hoạch cải tiến dựa trên kết quả thẩm định CNTT. Với khẩu hiệu "Real Partner", chúng tôi mong muốn trở thành đối tác đích thực, cam kết cùng với các DN Việt Nam tạo ra lợi ích dài hạn.

Ngoài thẩm định CNTT, ABeam Consulting còn hỗ trợ tư vấn để giai đoạn chuyển tiếp (Transition) diễn ra nhanh chóng, giảm thiểu rủi ro và chi phí thông qua dịch vụ điều phối dự án (PMO). Trong các dự án sáp nhập CNTT và chuyển đổi số, chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng DN từ giai đoạn xây dựng chiến lược, hình thành kế hoạch, theo dõi và thúc đẩy các bên liên quan để hiện thực hóa chiến lược đó./.

PV